Làm giàu từ nghề gói “vị Tết”

Vũ Công 09:30, 13/01/2023

Mặc dù không nằm tại làng nghề, cũng không có cửa hàng kinh doanh, nhưng cơ sở sản xuất bánh chưng của chị Trần Thị Kim Oanh, ở tổ 3, phường Gia Sàng (TP. Thái Nguyên) vẫn tiêu thụ được 1.000 chiếc bánh mỗi tháng. Qua đó đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm và tạo việc làm thường xuyên cho 3-4 lao động.

Chị Oanh (ngoài cùng bên trái) cùng với mọi người rửa lá.
Chị Trần Thị Kim Oanh (ngoài cùng bên trái) cùng các nhân viên rửa lá chuẩn bị gói bánh chưng.

21 giờ, ngôi nhà của chị Oanh vẫn sáng trưng ánh đèn từ trong nhà ra ngoài ngoài cổng. Trong sân, khoảng chục người đang tất bật rửa, lau lá dong. Còn trong bếp, anh Hoàng Kim Phượng, chồng chị Oanh, ngồi trông 3 nồi luộc bánh cỡ lớn.

Chị Oanh cho biết: Ngày thường, gia đình tôi gói khoảng 50-100 chiếc bánh/ngày, còn thời điểm giáp Tết, số lượng lên tới khoảng 1.000 chiếc/ngày. Do vậy, ngoài huy động tất cả các thành viên trong gia đình phụ giúp, tôi còn phải thuê thêm lao động để kịp giao bánh chưng cho khách hàng trước Tết.

Vợ chồng chị Oanh gắn bó với nghề làm bánh chưng đã hơn 28 năm. Nói về cái duyên gắn bó với nghề, chị Oanh nhớ lại: Năm 1994, tôi lấy chồng và sinh sống tại tổ 3, phường Gia Sàng. Đúng thời điểm đó, đất sản xuất của gia đình bị thu hồi để phục vụ các dự án, tôi lại không có nghề nghiệp ổn định nên đi làm thuê công việc gói bánh chưng. Vừa làm vừa học nghề, sau này, tôi tự mở cơ sở sản xuất bánh chưng của gia đình.

Lúc đầu, vợ chồng chị Oanh chủ yếu gói bánh cho những người quen nên trung bình mỗi ngày cũng chỉ khoảng 20-30 chiếc bánh. Để mở rộng thị trường, chị Oanh dành thời gian đi các chợ và nhà hàng trên địa bàn TP. Thái Nguyên để giới thiệu bánh. Nhờ chất lượng bánh chưng ngon nên ngày càng có nhiều khách biết đến và đặt hàng. Đến nay, bánh chưng do chị Oanh sản xuất được bán buôn ở cả trong và ngoài tỉnh.

Anh Phượng, chồng chị Oanh, chia sẻ: Để có được lòng tin của khách hàng, gia đình tôi luôn đặt chất lượng lên hàng đầu. Vì thế, từ khâu chuẩn bị nguyên liệu như gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn… tôi đều chọn loại ngon. Đồng thời trong quá trình sản xuất phải luôn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Hiện nay, cơ sở sản suất bánh chưng của chị Oanh chủ yếu làm 2 loại bánh là bánh chưng nếp cái hoa vàng và bánh chưng nếp cẩm. Với giá bán trung bình 20-100 nghìn đồng/chiếc bánh, sau khi trừ chi phí, gia đình chị thu =được trên 25 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, cơ sở còn tạo việc làm thường xuyên cho 3-4 lao động địa phương, với mức thu nhập 200-600 nghìn đồng/ngày.

Không chỉ làm giàu từ nghề gói bánh chưng, với tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách, vợ chồng chị Oanh luôn sẵn sàng gửi tặng những chiếc bánh chưng tới đồng bào ở các tỉnh miền Trung bị thiên tai, những hộ dân có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo... Khi được biết đơn vị hay tổ chức từ thiện nào có nhu cầu, gia đình chị sẵn sàng gửi tặng hàng trăm đến hàng nghìn chiếc bánh chưng.

Chị Hoàng Thị Hồng Phương, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ thiện nguyện Bên nhau, tại phường Cam Giá (TP. Thái Nguyên), nói: Năm 2020. khi đồng bào tại các tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng bởi lũ lụt, tôi có đến nhà chị Oanh đặt vấn đề ủng hộ bánh chưng và ngay ngày hôm sau, anh chị đã ủng hộ 300 chiếc bánh. Năm nay, chị Oanh cũng nhờ chúng tôi gửi tặng đến các cháu là con em đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Tân Long (Đồng Hỷ) gần 100 chiếc bánh chưng.

Những chiếc bánh chưng mặc dù có giá trị không lớn nhưng chứa trong đó là tình cảm, sẻ chia của chị Oanh đối với những người có hoàn cảnh khó khăn hơn.


Từ khóa:

bánh chưng

sản xuất

làm giàu