Những năm qua, TP. Sông Công đã thu hút được nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư triển khai các dự án (DA) trên địa bàn, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, giảm áp lực cho ngân sách Nhà nước. Để tăng cường công tác quản lý đối với các DA sử dụng vốn ngoài ngân sách, thành phố đã và đang triển khai nhiều giải pháp, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giúp các DA được thực hiện hiệu quả.
Dự án đường Thắng Lợi kéo dài đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) - hợp đồng BT đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng, đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương hàng hóa của nhân dân. |
TP. Sông Công hiện đang triển khai, quản lý 60 DA vốn ngoài ngân sách, chủ yếu là các DA khu đô thị, khu dân cư, đường giao thông... Trong đó, 14 DA đã và đang được thi công; 16 DA đã thực hiện xong quy hoạch, đang hoàn thiện hồ sơ chuẩn bị đầu tư; 30 DA đang đề xuất lập quy hoạch, nghiên cứu lập DA.
Theo ông Trần Quang Hải, Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng TP. Sông Công: Hầu hết các DA trên địa bàn đang triển khai theo kế hoạch đề ra. Chỉ còn cá biệt một số DA tiến độ còn chậm, phải tạm dừng thi công, như: Khu đô thị Kosy; Khu đô thị Hồng Vũ, Khu đô thị Vạn Phúc… Xảy ra tình trạng trên, trước hết là do các chủ đầu tư chưa chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng và đất đai, môi trường. Ngoài ra, các DA gặp khó khăn trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, năng lực tài chính của chủ đầu tư còn hạn chế...
Để triển khai có hiệu quả các DA vốn ngoài ngân sách, hàng năm, TP. Sông Công đã tập trung rà soát tình hình thực hiện từng DA. Trong đó, phân nhóm các DA đã hết tiến độ, nhóm các DA vướng mắc về quy hoạch, nhóm các DA vướng mắc về đất đai, giải phóng mặt bằng, giao đất, nghĩa vụ tài chính… để kịp thời giải quyết, tháo gỡ khó khăn, hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét xử lý theo quy định.
Đặc biệt từ năm 2019, thành phố đã thành lập Tổ Quản lý chất lượng, tiến độ các DA đối tác công tư (PPP), DA đầu tư có sử dụng đất trên địa bàn. Tổ Quản lý đã tăng cường kiểm tra, giám sát, theo dõi tiến độ của các DA để kịp thời nắm bắt hiện trạng; đề nghị chủ đầu tư triển khai, thực hiện nghiêm túc nội dung, hợp đồng đã được phê duyệt, ký kết; đẩy nhanh tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng, nâng cao chất lượng xây dựng, sử dụng đất đúng mục đích được giao. Đối với những dự án kéo dài nhiều năm, không có khả năng hoàn thành, Tổ Quản lý tham mưu UBND thành phố có văn bản đề nghị cấp trên xem xét, giải quyết...
Điển hình như DA Bệnh viện Đa khoa Phúc Thái (quy mô 27.000m2), tại phường Cải Đan, do Công ty CP Công nghiệp thương mại và dịch vụ y tế Phúc Thái là chủ đầu tư. Mặc dù đã được UBND tỉnh Thái Nguyên gia hạn tiến độ lần 2 (thực hiện đến hết quý IV/2022), song chủ đầu tư vẫn không triển khai đúng tiến độ đã cam kết. Sau nhiều lần tổ chức làm việc trực tiếp, gửi văn bản đôn đốc nhưng không có kết quả, mới đây, UBND TP. Sông Công đã đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư kiểm tra, thẩm định báo cáo UBND tỉnh xem xét thu hồi chủ trương đầu tư DA theo quy định.
Ông Vũ Duy Nghĩa, Chủ tịch UBND TP. Sông Công, khẳng định: Sông Công xác định các DA vốn ngoài ngân sách có ý nghĩa quan trọng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển. Do đó, thành phố tập trung nâng cao chất lượng lập, điều chỉnh quy hoạch; công khai, minh bạch quy hoạch đất đai, tạo cạnh tranh bình đẳng cho các nhà đầu tư. Đồng thời, quản lý tốt hiện trạng khu vực triển khai DA để ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, nhằm mục đích đón bồi thường giải phóng mặt bằng… Thành phố cũng đề nghị các chủ đầu tư tập trung nguồn lực, khắc phục, giải quyết các khó khăn, vướng mắc; cam kết đẩy nhanh tiến độ thực hiện DA theo đúng quy hoạch đã phê duyệt...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin