"Ăn chắc mặc bền" với chăn nuôi an toàn sinh học

Vi Vân 08:56, 21/02/2023

Để đàn vật nuôi phát triển khỏe mạnh, góp phần nâng cao sản lượng thịt hơi xuất chuồng và giá trị chăn nuôi trên địa bàn, huyện Phú Bình đã tích cực thực hiện nhiều giải pháp giúp các hộ dân phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Từ đó góp phần tạo sự bền vững trong lĩnh vực này, hướng tới xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh.

Cơ sở ấp nở trứng gia cầm của ông Phạm Văn Trường, ở xóm Tiến Bộ, xã Dương Thành luôn tuân thủ quy trình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học.
Cơ sở ấp nở trứng gia cầm của ông Phạm Văn Trường, ở xóm Tiến Bộ, xã Dương Thành, luôn tuân thủ quy trình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học.

Bà Trần Thị Tuyên, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phú Bình, thông tin: Phú Bình là địa phương có tổng đàn vật nuôi đứng đầu toàn tỉnh, với trên 4 triệu con gia cầm, 147 nghìn con lợn và trên 25.000 con trâu, bò. Vì thế, Trung tâm thường xuyên phối hợp với các xã, thị trấn trên địa bàn triển khai, hướng dẫn hộ chăn nuôi thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp kỹ thuật, vệ sinh thú y nhằm ngăn ngừa và hạn chế sự lây nhiễm của mầm bệnh từ bên ngoài xâm nhập vào cơ sở chăn nuôi; tổ chức lớp tập huấn về quy trình chăn nuôi an toàn sinh học cho các hộ chăn nuôi; thực hiện tốt công tác tiêm vắc-xin phòng bệnh trên đàn vật nuôi theo quy trình; hướng dẫn bà con cách khử trùng tiêu độc chuồng trại, nhất là trong thời điểm giao mùa hoặc khi điều kiện thời tiết bất lợi…

Để minh chứng, bà Tuyên đưa chúng tôi đến thăm cơ sở ấp nở trứng gia cầm của ông Phạm Văn Trường, ở xóm Tiến Bộ, xã Dương Thành. Tại đây, khu vực nuôi gà bố mẹ được bố trí rộng rãi với diện tích 3.000m2 và được thiết kế rất thoáng khí để ngăn mùi hôi; máng ăn, máng uống luôn được vệ sinh sạch sẽ…

Ông Trường chia sẻ: Gia đình tôi hiện đang nuôi trên 10.000 con gà bố, mẹ; 7.000 con gà hậu bị; vận hành 17 lò ấp trứng gia cầm, công suất đạt 19.000 quả trứng gà/lò (ấp trong 21 ngày). Trung bình 1 ngày, cơ sở sản xuất 6.000 con giống gia cầm, cung ứng cho thị trường Hà Nội và các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang… Chính vì sản xuất với số lượng lớn như vậy nên phương pháp chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học được gia đình áp dụng để hạn chế dịch bệnh, bảo vệ môi trường. 

Không riêng hộ ông Trường, những năm gần đây, hàng trăm hộ dân trên địa bàn huyện Phú Bình đã quan tâm, đầu tư thực hiện quy trình chăn nuôi an toàn sinh học. Nếu như từ năm 2015 trở về trước, các cơ sở chỉ chăn nuôi theo phương thức truyền thống, chủ yếu dựa theo kinh nghiệm, thì nay nhiều hộ đã chủ động tham gia các lớp tập huấn, áp dụng quy trình kỹ thuật và tuân thủ kỹ thuật phòng, trị bệnh trên đàn vật nuôi.

Ngoài 2 đợt tiêm phòng vắc-xin do Nhà nước hỗ trợ, người dân còn chủ động sử dụng các loại vắc-xin để phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, nhằm tăng hiệu quả phòng bệnh. Nhờ đó, đàn vật nuôi của huyện Phú Bình sinh trưởng, phát triển tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Theo thống kê của cơ quan chuyên môn huyện Phú Bình, trong tổng số 161 trang trại, gia trại trên địa bàn, có đến 70% số trang trại, gia trại chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học; 10 cơ sở được cấp Chứng nhận chăn nuôi an toàn dịch bệnh; 18 cơ sở chăn nuôi đạt tiêu chuẩn VietGAP… 3 năm trở lại đây, trên địa bàn không có dịch bệnh truyền nhiễm, nguy hiểm xảy ra; sản lượng thịt hơi xuất chuồng năm 2022 đạt cao nhất từ trước tới nay, với trên 41.000 tấn (tăng trên 34% so với năm 2021); tổng đàn vật nuôi liên tục tăng cả về số lượng và chất lượng...

Thời gian tới, huyện Phú Bình tiếp tục xây dựng kế hoạch, thực hiện phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn dịch bệnh theo Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với phát triển sản phẩm có lợi thế giai đoạn 2021-2025 của huyện; triển khai thực hiện tốt công tác tiêm phòng trên đàn gia súc, gia cầm; phối hợp với các xã, thị trấn hướng dẫn các hộ dân khử trùng, tiêu độc chuồng chăn nuôi đảm bảo đúng quy trình; giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trong chăn nuôi để kịp thời phát hiện và ngăn ngừa mầm bệnh phát sinh, lây lan...