Như thường lệ, sau Tết, khoảng từ Rằm tháng Giêng trở đi, các hộ ở Làng nghề hoa đào Cam Giá (TP. Thái Nguyên) bắt đầu thu các gốc đào đã cho thuê trước đó về vườn để chăm sóc. Từ đây, người dân Làng nghề lại tất bật chăm sóc những gốc đào cũ để kịp có sản phẩm phục vụ thị trường vào mùa Tết năm sau.
Từ sau Rằm tháng Giêng, người dân ở Làng nghề hoa đào Cam Giá bắt đầu thu cây đã cho thuê trước đó về vườn để tập trung chăm sóc, chuẩn bị cho mùa Tết năm sau. |
Sau Rằm tháng Giêng, các chủ vườn bắt đầu vận chuyển cây từ khắp các nơi về lại Làng nghề hoa đào Cam Giá. Những ngày này, khung cảnh nhộn nhịp không thua kém đợt giáp Tết, tất cả các vườn đào đều tất bật với công việc làm đất và đưa đào về vườn. Theo một số nhà vườn, hầu hết trong số này là cây cho các gia đình, cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh thuê để chơi Tết, chỉ có một lượng rất ít cây là của các hộ gia đình thuê chăm sóc để đón Tết năm sau.
Ông Ngô Văn Thúy, chủ vườn đào Thúy Lan, ở tổ 7, phường Cam Giá, cho biết: Tết vừa qua, vườn của gia đình tôi có hơn 300 gốc đào. Trong đó, nhà tôi bán khoảng 200 gốc, còn lại là cho thuê. Hiện nay, gia đình đang thu những cây đã cho thuê về để chăm sóc.
Trao đổi về kỹ thuật chăm sóc đào sau Tết, ông Thúy nói: Đất trồng đào phải là đất mới, không sử dụng lại đất cũ vì nghèo dinh dưỡng, nhiều mầm bệnh. Đất phải được xới tơi, làm sạch cỏ. Trước khi trồng đào phải bón lót phân chuồng để cây đủ dinh dưỡng, thêm thuốc kích rễ để cây có lực phát triển. Căn cứ vào thời tiết, người dân Làng nghề sẽ có cách chăm sóc phù hợp.
Một số chủ vườn đào ở Cam Giá cho hay, cây sau khi trồng ổn định sẽ được cắt cành. Thông thường, trong 1 năm, người dân sẽ cắt 3 lần chính, trong đó, ngay sau Tết là lần cắt sâu nhất để cành mới phát sinh nhiều, năm tới sẽ cho nhiều hoa. Đến khi cành dài khoảng 40-50cm, bà con tiếp tục cắt lần 2, để dư độ dài cành còn khoảng 10cm và tiếp tục chăm sóc trước khi cắt lần cuối. Trong quá trình cắt sửa cần kết hợp tạo hình tán cây. Sau mỗi lần cắt cành, người dân phải chú trọng việc chăm sóc, bón phân đặc biệt để cây sinh trưởng tốt. Phân bón sử dụng sau mỗi lần cắt cành là dạng phân tổng hợp của NPK, phân bón 3 mầu và phân chuồng...
Ngoài việc chăm sóc những cây đào cho thuê, thu gom của người dân về, bà con ở Làng nghề hoa đào Cam Giá còn tập trung chăm sóc các phôi đào được ghép thời điểm trước Tết, nhằm cung ứng đủ đào Tết cho năm sau.
Ông Lê Minh Sơn, chủ vườn đào Sơn Hằng, ở tổ 5, phường Cam Giá, chia sẻ: Gia đình tôi có 3 vườn đào, với tổng cộng khoảng 800 gốc. Tết vừa qua, có khoảng 500 cây đủ điều kiện xuất vườn, còn lại là các gốc đào mới ghép hoặc ghép được hơn 1 năm. Về kỹ thuật chăm sóc, đào mới ghép khó hơn cây đã trưởng thành, bởi phải tạo tán bằng cách kết hợp uốn, buộc các cành non vào với nhau hoặc tạo khung theo các thế đã định, cắt tỉa, bỏ những cành ngoài ý muốn.
Ngoài chăm sóc, cắt tỉa, việc phòng, trừ sâu bệnh cho cây sau Tết cũng được các chủ vườn đào ở Cam Giá đặc biệt quan tâm. Thông thường, sau khi trồng lại, cây đào dễ gặp phải bệnh sùi nhựa do cây thiếu ánh nắng lâu ngày; xuất hiện sâu đục thân, bệnh rệp sáp… Với những loại sâu bệnh này, người dân Làng nghề cho hay, cần chủ động phun phòng 1 tháng/1 lần, trường hợp cây đã nhiễm bệnh thì phải điều trị bệnh bằng cách phun thuốc đặc trị với tần suất 3 lần/tháng.
Chị Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Hội Nông dân phường Cam Giá, thông tin: Những năm qua, nghề trồng hoa đào đã đem lại thu nhập cao cho người dân địa phương. Do vậy, các kỹ thuật chăm sóc cho đào được người dân ở Làng nghề hoa đào Cam Giá đặc biệt chú ý để cây sinh trưởng, phát triển tốt; cây nở nhiều hoa, tán đẹp vào đúng dịp Tết đến, Xuân về. Qua số liệu thống kê, dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 vừa qua, tổng doanh thu từ nghề trồng hoa đào của người dân ở Làng nghề đạt khoảng 25 tỷ đồng (cao hơn khoảng 5 tỷ đồng so với Tết Nguyên đán năm 2022). Chúng tôi kỳ vọng trong năm 2023, thời tiết sẽ thuận lợi hơn để người dân trồng đào ở Cam Giá nói riêng, bà con làm nông nghiệp trên toàn tỉnh nói chung, sẽ có mùa màng bội thu…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin