"Giấy phép" cho nông sản vươn xa

Khánh Thiện 08:44, 11/02/2023

Tăng cường thanh, kiểm tra, nâng cao chất lượng công tác quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) để góp phần thay đổi nhận thức của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm và tạo được niềm tin đối với người tiêu dùng - đó là nhiệm vụ trọng tâm được Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Thái Nguyên (Sở Nông nghiệp và PTNT) tập trung triển khai thời gian qua. Cùng với đó, đơn vị còn thực hiện truy xuất nguồn gốc và hỗ trợ đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử nhằm kết nối tiêu thụ cho bà con nông dân.

Cán bộ Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Thái Nguyên lấy mẫu kiểm nghiệm chỉ tiêu về an toàn thực phẩm tại Hợp tác xã chè Thịnh An, thị trấn Sông Cầu (Đồng Hỷ).

Tìm hiểu chúng tôi được biết, để quản lý chất lượng ATTP, công tác thanh, kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất - kinh doanh nông lâm thủy sản luôn được Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Thái Nguyên chú trọng triển khai. Thông qua kiểm tra, Chi cục đã hướng dẫn, nhắc nhở các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất tuân thủ những điều kiện đảm bảo ATTP; đồng thời, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định trong việc sản xuất - kinh doanh sản phẩm nông, lâm, thủy sản.

Cụ thể, trong năm 2022, Chi cục đã tiến hành thanh, kiểm tra, hậu kiểm chất lượng vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản tại 1.125 cơ sở; lấy 196 mẫu giám sát; xử phạt vi phạm hành chính trên 113 triệu đồng với các lỗi như: kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa quá hạn sử dụng... Ngoài ra, Chi cục cũng đánh giá định kỳ, thẩm định xếp loại với 174 cơ sở sản xuất - kinh doanh sản phẩm nông, lâm, thủy sản (trong đó có 42 cơ sở xếp loại A, 131 cơ sở xếp loại B, 1 cơ sở xếp loại C); cấp 98 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Dưới góc độ người sản xuất, bà Vũ Thị Thanh Hảo, Giám đốc Hợp tác xã chè Thịnh An, thị trấn Sông Cầu (Đồng Hỷ), chia sẻ: Hằng năm, cơ sở của chúng tôi đều có đoàn kiểm tra đến làm việc và lấy mẫu kiểm nghiệm các chỉ tiêu về ATTP đối với sản phẩm chè. Chúng tôi rất mong muốn cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản để kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm, tạo sự cạnh tranh lành mạnh trên thị trường.

Cùng với việc tăng cường lấy mẫu giám sát, cảnh báo nguy cơ về ATTP tại các vùng sản xuất tập trung, Chi cục còn hỗ trợ truy xuất nguồn gốc nông sản và quản lý ATTP đối với 40 cơ sở được chứng nhận sản phẩm OCOP trong năm 2022; hỗ trợ kiểm nghiệm 56 mẫu sản phẩm; cấp 662.000 tem điện tử xác thực nguồn gốc sử dụng mã QR code. Tính đến hết năm 2022, đã có hơn 189.900 hộ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ tạo tài khoản và đã đưa lên 2 sàn thương mại điện tử (Postmart, Vỏ sò) trên 1.850 sản phẩm nông nghiệp. Tổng số giao dịch trên 2 sàn đạt gần 14.500 giao dịch.

Cùng với đó, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Thái Nguyên còn đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến các quy định về ATTP nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sản xuất - kinh doanh, người tiêu dùng trong việc tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật. Trong năm 2022, toàn tỉnh đã tổ chức 358 hội nghị tập huấn, phổ biến pháp luật cho trên 17.300 lượt người; thực hiện 669 phóng sự, tin, bài truyền thông về ATTP; treo 200 băng rôn, khẩu hiệu; in phát 141 đĩa; 30.000 tờ rơi; 42 lượt cổ động, tuyên truyền trực quan về chất lượng vật tư nông nghiệp, ATTP.

Có thể khẳng định, với sự vào cuộc tích cực của cơ quan chuyên môn, đa số các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh đã chủ động đầu tư cơ sở vật chất phù hợp với quy định về ATTP; số cơ sở vi phạm ngày càng giảm; số cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP tăng cao theo thời gian.

Hiện nay, nhiều sản phẩm nông, thủy sản của tỉnh Thái Nguyên không chỉ được tiêu thụ tại thị trường trong nước mà còn xuất khẩu ra nước ngoài. Do đó, việc kiểm soát chất lượng ATTP sản phẩm nông sản không những đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng mà còn góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, giúp các nhà cung cấp, doanh nghiệp tiếp cận được nhiều thị trường có yêu cầu khắt khe về nguồn gốc sản phẩm.

Theo ông Vũ Văn Phán, Chi cục Trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Thái Nguyên: Thời gian tới, đơn vị sẽ tăng cường kiểm tra, thanh tra đột xuất, xử lý kịp thời các vi phạm về chất lượng, ATTP. Song hành với đó, Chi cục phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thiện phần mềm “Quản lý chất lượng nông sản - Thái Nguyên” nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, kinh doanh cập nhật, quản lý toàn bộ quá trình sản xuất, chế biến, tiêu thụ và truy xuất nguồn sản phẩm. Từ đó, giúp các cơ quan quản lý Nhà nước nắm được các thông tin của các cơ sở để quản lý theo quy định và người tiêu dùng khi mua hàng cũng dễ dàng truy xuất được nguồn gốc nông sản với đầy đủ thông tin về sản phẩm.

Đồng thời, Chi cục sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động quảng bá, kết nối, xúc tiến thương mại; phối hợp thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) gắn với phát triển thương hiệu sản phẩm chủ lực của tỉnh, xây dựng chuỗi giá trị, tạo điều kiện thuận lợi cho tiêu thụ sản phẩm; hướng dẫn các nông hộ đưa sản phẩm lên giao dịch trên các sàn thương mại điện tử (VNPost, ViettelPost…).