Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ (NQ-11) đã và đang mang lại hiệu quả rất thiết thực cho người vay vốn. Ghi nhận thực tế tại TP. Sông Công, không ít hộ đã thoát nghèo hoặc gia tăng đáng kể thu nhập nhờ nguồn vốn vay theo chương trình này.
Được vay 100 triệu đồng theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, anh Đặng Xuân Đăng (ngoài cùng bên trái), ở xóm Na Vùng, xã Bình Sơn (TP. Sông Công) đã đầu tư mua máy cày, giúp nâng cao thu nhập cho gia đình. |
Cùng các cán bộ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) TP. Sông Công đến thăm gia đình chị Trịnh Thị Vụ, sinh năm 1962, ở tổ dân phố Nguyên Giả, phường Cải Đan, chúng tôi không khỏi bất ngờ khi nhìn thấy ngôi nhà khang trang, rộng rãi nổi bật giữa khung cảnh nông thôn. Điều đáng nói là trong tổng số tiền 600 triệu đồng để xây nhà, có một nửa được gia đình chị Vụ vay theo chương trình nhà ở xã hội của NQ-11, với lãi suất chỉ 4,8%/năm.
Chị Trịnh Thị Vụ chia sẻ: Theo chuẩn nghèo đa chiều mới, năm 2022, gia đình tôi tái nghèo. Khi đó, căn nhà của tôi chỉ rộng 18m2 và đã xuống cấp nghiêm trọng. Do nhà chỉ có 2 mẹ con, tôi lại bị bệnh tim, sức khỏe yếu nên không có điều kiện để nâng cấp. Sau khi biết số tiền có thể vay lên tới 300 triệu đồng, lãi suất cũng rất ưu đãi, lại được vay dài hạn nên mẹ con tôi đã quyết định vay trong vòng 20 năm để làm lại nhà. Họ hàng thấy vậy cũng hỗ trợ cho vay thêm. Lúc này, con trai tôi cũng đã xin đi làm ở một công ty nên cháu có thể lo việc trả nợ. Còn tôi làm 3 sào ruộng và nuôi 1 con bò, sẽ lo ăn uống sinh hoạt hàng ngày của 2 mẹ con. Tôi chưa bao giờ dám nghĩ mình lại được ở trong ngôi nhà đẹp đến thế này.
Gia đình chị Trịnh Thị Vụ là một trong số 23 khách hàng trên địa bàn TP. Sông Công được tiếp cận nguồn vốn vay từ NQ-11 nằm trong chương trình cho vay nhà ở xã hội. Đây cũng là địa phương có dư nợ cho vay chương trình này nhiều nhất trong toàn tỉnh (ũy kế đến hết tháng 2/2023 là trên 25 tỷ đồng).
Cũng được vay theo NQ-11 số tiền 100 triệu đồng, nhưng của chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, anh Đặng Xuân Đăng, xóm Na Vùng, xã Bình Sơn quyết định đầu tư mua chiếc máy cày trị giá 115 triệu đồng để mở dịch vụ cày thuê và phục vụ công việc đồng áng của gia đình.
Anh Đăng nói: Đầu năm 2019, khi dịch COVID-19 xuất hiện, Hà Nội có ca nhiễm nên chợ Đồng Xuân phải đóng cửa trong nhiều tháng, khiến tôi bị thất nghiệp. Sau khi trở về nhà, tôi đã có đơn xin vay vốn của NHCSXH thành phố nhưng chưa được đáp ứng ngay. Đến đầu năm 2022, khi NQ-11 ra đời, tôi được vay và còn được hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong 2 năm 2022-2023, do khoản vay của tôi có lãi suất trên 6%/năm.
Từ ngày có chiếc máy cày, ngoài kiếm được 20 triệu đồng/vụ đi cày thuê, anh Đăng còn nhận làm thêm 1 mẫu ruộng của những hộ bỏ trống đất... Anh cũng dành thời gian phụ giúp vợ chăn nuôi trâu, bò và lợn nái. Đến nay, cuộc sống của gia đình đã dần ổn định.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH TP. Sông Công: Tính đến cuối tháng 2/2023, đơn vị đã giải ngân trên 26,198 tỷ đồng cho 222 khách hàng, của 4 chương trình theo NQ-11. Trong đó, cho vay nhà ở xã hội là 23 khách hàng, với số tiền 9,738 tỷ đồng; cho vay hỗ trợ tạo việc làm duy trì và mở rộng việc làm cho 190 khách hàng, với số tiền 16 tỷ đồng; cho vay học sinh, sinh viên mua máy tính, thiết bị học trực tuyến và trang trải chi phí học tập là 6 khách hàng, với số tiền 80 triệu đồng; cho vay cơ sở giáo dục mầm non tiểu học ngoài công lập với 3 cơ sở, số tiền 380 triệu đồng.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nguồn vốn hiện mới chỉ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu của người dân. Vì thế, theo bà Hương: Chúng tôi mong muốn sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc dành nguồn ngân sách ủy thác qua NHCSXH để giúp người dân có điều kiện tiếp cận với nguồn vốn nhiều hơn.
Để tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình NQ-11, thời gian tới, NHCSXH TP. Sông Công sẽ tiếp tục ra soát, phê duyệt đối tượng, xây dựng bổ sung nhu cầu vốn vay của đối tượng thụ hưởng và triển khai các chương trình tín dụng chính sách đảm bảo đúng đối tượng, công khai, minh bạch. Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với hoạt động tín dụng chính sách nói chung và các chương trình tín dụng chính sách ưu đãi theo NQ-11 nói riêng nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi tiêu cực...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin