Nghề nuôi ong lấy mật ở Tân Thái

Yến Phương (Đại Từ) 08:34, 13/03/2023

Xã Tân Thái (Đại Từ) là địa phương có tiềm năng phát triển kinh tế rừng và vườn đồi. Tạo hóa ưu ái dành tặng vùng đất này một hệ sinh thái đa đạng, cây cối tốt tươi quanh năm. Đây chính là yếu tố giúp cho nghề nuôi ong lấy mật ở Tân Thái phát triển thuận lợi và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ông Phạm Quang Hữu, ở xóm Tân Lập, xã Tân Thái (Đại Từ) kiểm tra đàn ong của gia đình.
Ông Phạm Quang Hữu, ở xóm Tân Lập, xã Tân Thái (Đại Từ) kiểm tra đàn ong của gia đình.

Nghề nuôi ong xuất hiện ở xã Tân Thái cách đây hơn 10 năm, với khởi điểm là một số ít hộ nuôi để lấy mật dùng trong gia đình. Trong số đó, anh Trần Ngọc Giáp, ở xóm Thái Sơn, là một trong những người tiên phong nuôi ong ở địa phương. Đến nay, gia đình anh có 130 đàn ong, mỗi năm cho thu nhập khoảng 1,4 tấn mật, giá bán ra thị trường với giá 150 nghìn đồng/lít.

Anh Giáp cho biết: Khi nuôi ong lấy mật, tôi đặc biệt lưu ý đến quá trình sinh trưởng của đàn ong; kỹ thuật tách đàn; áp dụng cách thu hoạch bằng thùng quay ly tâm 6 cầu để tăng sản lượng và đảm bảo chất lượng mật ong.

Xác định mật ong là một trong những sản phẩm chủ lực trong phát triển kinh tế, năm 2021, trên tinh thần tự nguyện và tự chủ, anh Giáp đã cùng các hộ nông dân trên địa bàn đã thành lập Tổ hợp tác sản xuất ong mật. Tổ hợp tác đã kết nối người dân cùng làm nghề để mở rộng quy mô, nâng cao giá trị sản phẩm và cùng nhau xây dựng, quảng bá thương hiệu sản phẩm. Anh Giáp cũng đã chủ động kết nối thị trường, không chỉ bán mật ong của gia đình mà còn giúp đỡ các thành viên trong Tổ hợp tác.

Ông Vũ Xuân Sắc, ở xóm Bãi Bằng, chia sẻ: Từ khi tham gia Tổ hợp tác, các thành viên thường xuyên trao đổi kinh nghiệm, giúp nhau khai thác mật và khi chia đàn thì hỗ trợ nhau tạo mũ chúa nên không phải đi mua.

Còn ông Phạm Quang Hữu, ở xóm Tân Lập, nói: Nghề nuôi ong lấy mật không khó, nhưng đòi hỏi người nuôi phải tỉ mỉ và am hiểu các đặc tính của chúng như xây tổ, chia đàn, có sự hiểu biết  sâu về các loài hoa, mùa ong đi lấy mật. Đối với mùa lạnh, khan phấn, chúng tôi phải xử lý làm sao để ong không bay mất.

Hiện, Tổ hợp tác sản xuất ong mật xã Tân Thái có 15 thành viên, với hơn 330 đàn ong. Tổ đã  thành lập Ban điều hành gồm 3 thành viên, tiến hành họp định kỳ, bàn giải pháp về phát triển nghề nuôi ong lấy mật ở địa phương. Tổ hợp tác cũng quan tâm nắm bắt xu hướng của người tiêu dùng, đó là việc ngày càng quan tâm đến sản phẩm an toàn có nguồn gốc xuất xứ từ thiên nhiên. Từ đó định hướng sản xuất nuôi ong chất lượng cao, xây dựng thương hiệu, thực hiện công bố tiêu chuẩn chất lượng và gắn tem truy xuất nguồn gốc xuất xứ, kết nối thị trường cho sản phẩm mật ong của địa phương.

Là Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất ong mật xã Tân Thái, anh Trần Ngọc Giáp cho biết thêm: Chúng tôi sẽ tiếp tục vận động các hộ nuôi ong trên địa bàn xã vào Tổ hợp tác. Đồng thời tổ chức tập huấn về khoa học kỹ thuật cho các thành viên, quy trình nuôi ong để nâng cao chất lượng sản phẩm. Từ đó, xây dựng chuỗi sản phẩm, tem mác đăng ký nhãn hiệu sản phẩm để mật ong của xã Tân Thái đến với các siêu thị và thị trường rộng lớn hơn.

Với định hướng phát triển đúng đắn, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất ong mật xã Tân Thái đã đưa sản phẩm mật ong của địa phương ngày càng phát triển theo hướng ổn định, bền vững. Từ đó nâng cao thu nhập cho người dân; đồng thời đóng góp vào thành công trong chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP.