Năm nay, tỉnh Thái Nguyên có kế hoạch trồng 3.435ha rừng tập trung (giảm 265ha so với kế hoạch năm 2022); phấn đấu duy trì tỷ lệ che phủ rừng từ 46% trở lên. Những ngày này, tranh thủ thời tiết thuận lợi, bà con ở các địa phương trong tỉnh đang tiến hành xử lý thực bì theo đúng kỹ thuật, chuẩn bị cây giống, phân bón để trồng rừng trong khung thời vụ tốt nhất, đảm bảo tỷ lệ cây sống cao.
Chăm sóc cây giống trồng rừng tại một vườn ươm ở xã Hóa Thượng (Đồng Hỳ). |
Sau khi thu hoạch đồi keo từ cuối năm 2022, gia đình bà Phạm Thị Tuyên, ở xóm Khe Đù, xã Phúc Thuận (TP. Phổ Yên) đã tranh thủ tiến hành xử lý thực bì, đào hố và đặt mua cây giống. Đến đầu tháng 3, tranh thủ thời tiết có mưa, gia đình bà đã huy động toàn bộ nhân lực tham gia trồng gần 1ha rừng.
Bà Tuyên chia sẻ: Trước đây, sau khi trồng rừng, chúng tôi thường “bỏ mặc” để cây tự lớn mà không chăm sóc nên hiệu quả kinh tế không cao. Được cán bộ kiểm lâm tuyên truyền, chúng tôi đã bón phân cho cây nhanh lớn; đồng thời, mua cây giống đảm bảo chất lượng và trồng rừng theo đúng mật độ, khoảng cách để cây sinh trưởng, phát triển thuận lợi, cho năng suất cao. Hiện nay, sau 1 chu kỳ 5-7 năm, 1ha rừng của gia đình tôi cho thu hoạch khoảng 80-100 triệu đồng.
Không riêng gia đình bà Tuyên, nhiều hộ dân khác trong tỉnh cũng đang chuẩn bị các điều kiện phục vụ trồng rừng vụ mới. Năm nay, Thái Nguyên có kế hoạch trồng 3.435ha rừng tập trung và trên 1,7 triệu cây xanh phân tán.
Xác định trồng rừng sản xuất là nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, hằng năm, ngành Nông nghiệp chỉ đạo lực lượng Kiểm lâm phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành rà soát, đánh giá hiện trạng rừng để đăng ký diện tích trồng mới. Cùng với đó, kiểm lâm cũng tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn bà con quy trình kỹ thuật trồng rừng, chuyển hóa từ rừng gỗ nhỏ sang rừng trồng gỗ lớn…
Ông Nguyễn Đức Tú, Hạt trưởng Hạt Kiểm huyện Phú Lương, cho biết: Năm nay, Phú Lương phấn đấu trồng 245ha rừng tập trung; trong đó có 220ha rừng sản xuất gỗ lớn, còn lại là rừng phòng hộ. Hiện nay, chúng tôi đang cử cán bộ kiểm lâm địa bàn hướng dẫn, đôn đốc người dân khẩn trương tiến hành phát dọn, xử lý thực bì, chuẩn bị cây giống, phân bón để tập trung trồng rừng.
Cùng với việc phân công cán bộ kỹ thuật về cơ sở đôn đốc, tập huấn, hướng dẫn quy trình kỹ thuật trồng rừng tại thực địa, lực lượng Kiểm lâm cũng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất cây giống về nguồn gốc, xuất xứ hạt giống. Hiện nay, các vườn ươm trong tỉnh có khả năng cung cấp trên 26 triệu cây giống, không những đáp ứng nhu cầu của người dân trong tỉnh mà còn xuất bán sang các địa phương lân cận.
Người dân xã Tân Dương (Định Hóa) trồng rừng vụ xuân. Ảnh: V.D |
Qua tìm hiểu thực tế, chúng tôi nhận thấy, nếu như những năm trước, người dân chủ yếu trồng keo thì vài năm trở lại đây, các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như: quế, lim, dổi, lát… đã được bà con đưa vào trồng rừng sản xuất gỗ lớn.
Ngoài ra, việc trồng rừng trên địa bàn tỉnh hiện nay được khuyến khích phát triển theo hướng liên kết hợp tác, tạo thành chuỗi giá trị. Đơn cử như việc nhiều hộ dân, doanh nghiệp tham gia trồng rừng cây gỗ lớn và đã được cấp chứng chỉ Quản lý rừng bền vững (FSC). Do vậy, nhiều hộ dân có nguồn thu nhập lớn từ rừng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.
Chỉ tính riêng năm 2022, toàn tỉnh đã chuyển hóa 112ha rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn, cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC được hơn 1.330ha; tổng sản lượng khai thác gỗ đạt trên 255.000m3, tăng 6,27%; giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 649 tỷ đồng, tăng 6,79% so với năm 2021. Đi đôi với trồng mới, lực lượng Kiểm lâm cũng khuyến cáo bà con chú trọng công tác phòng cháy, chữa cháy rừng và phòng trừ sâu bệnh hại đối với một số loài cây trồng như: sâu ăn lá keo, quế…
Theo ông Lê Cẩm Long, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Thái Nguyên: Thời gian tới, đơn vị tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân trồng rừng gỗ lớn; vận động chủ rừng xây dựng phương án quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ quản lý rừng, tạo vùng trồng rừng nguyên liệu gỗ tập trung, đáp ứng nhu cầu công nghiệp chế biến gỗ. Cùng với đó, thu hút nguồn vốn đầu tư của các tổ chức, cá nhân tham gia bảo vệ và phát triển rừng, các dự án phát triển lâm sản ngoài gỗ, trồng rừng nguyên liệu gắn với chế biến lâm sản, ứng dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất lâm nghiệp. Ngoài ra, lực lượng Kiểm lâm cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng phần mềm Mapinfo, QGIS trong thành lập bản đồ hiện trạng rừng và bản đồ diễn biến rừng, góp phần quản lý, bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có.
Tính đến cuối tháng 3, toàn tỉnh đã trồng được trên 400ha rừng và hơn 263.000 cây phân tán. Hiện nay, Chi cục Kiểm lâm Thái Nguyên đang chỉ đạo hạt kiểm lâm các huyện, thành phố tích cực phối hợp với chính quyền địa phương đôn đốc bà con đẩy nhanh tiến độ xử lý thực bì và tiến hành trồng rừng trong điều kiện thời tiết có mưa ẩm để cây sinh trưởng thuận lợi, phấn đấu hoàn thành kế hoạch trồng rừng trong quý II/2023.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin