Nhằm nâng cao giá trị sản phẩm chủ lực của địa phương, huyện Phú Bình tập trung xây dựng và phát triển 7 sản phẩm OCOP mới là: Cơm cháy, trám đen muối, nham trám, dầu mè, dầu đậu nành... Đây đều là các sản phẩm được chế biến từ nguyên liệu sẵn có tại địa phương, đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và có chất lượng cao.
Cơm cháy của HTX Sản xuất và Thương mại dịch vụ Bản Việt được sản xuất từ gạo nếp Thầu Dầu do HTX Dịch vụ nông nghiệp Hồng Kỳ (xã Úc Kỳ) cung ứng. |
Ông Tạ Văn Nguyên, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Bình, cho biết: Để phát triển sản phẩm OCOP mới, chúng tôi đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức tập huấn, hướng dẫn người dân, chủ cơ sở về sản xuất an toàn, các quy định của pháp luật về đảm bảo an toàn thực phẩm. Cùng với đó, huyện thường xuyên kiểm tra, giám sát điều kiện sản xuất và vệ sinh an toàn thực phẩm của các cơ sở. Ngoài ra, chúng tôi còn đặc biệt quan tâm đến việc hỗ trợ các hợp tác xã (HTX) về thủ tục thành lập mới theo quy định.
Theo ghi nhận của chúng tôi, các HTX tham gia Chương trình OCOP đều hướng đến sản xuất các sản phẩm đạt tiêu chuẩn và chủ động “làm mới” mặt hàng thông qua việc đầu tư thiết bị, máy móc hiện đại. Đồng thời đầu tư về mặt hình thức, bao bì, mẫu mã và chất lượng sản phẩm để tạo sự yên tâm đối với khách hàng.
Là đơn vị mới thành lập và đi vào hoạt động trong năm 2023, HTX Sản xuất và Thương mại dịch vụ Bản Việt (có trụ sở tại xóm Cô Dạ, xã Bảo Lý) đã sản xuất sản phẩm cơm cháy từ chính nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương.
Chị Bùi Thị Hải Yến, Giám đốc HTX, chia sẻ: Nhận thấy địa phương có vùng nguyên liệu chuyên sản xuất lúa nếp Thầu Dầu tại xã Úc Kỳ, tôi đã ký kết hợp tác với HTX Dịch vụ nông nghiệp Hồng Kỳ để nhập nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất cơm cháy. Bên cạnh đó, HTX cũng ký hợp đồng với HTX gà đồi Tân Phú, xã Tân Khánh, để cung cấp sản phẩm thịt gà làm ruốc cơm cháy.
Đối với HTX Chế biến và Bảo tồn cây trám đen Hà Châu (xã Hà Châu), đơn vị đã và đang nỗ lực xây dựng thương hiệu cho sản phẩm trám đen muối và nham trám. Giám đốc HTX Tạ Quang Đăng cho hay: Trước đây, mỗi khi đến mùa trám chín, bà con chỉ hái và bán quả trám với giá dao động 100-120 nghìn đồng/kg. Tôi đã tìm hiểu và chế biến quả trám tươi thành món nham trám và trám đen muối. Với 2 sản phẩm này, HTX hướng đến việc đạt chuẩn OCOP 3 sao trở lên.
Tìm hiểu chúng tôi được biết, trong hai năm (2021-2022), huyện Phú Bình đã có 15 sản phẩm được công nhận OCOP. Trong đó có 1 sản phẩm đạt OCOP 4 sao là cao ngựa bạch của HTX cao ngựa bạch Trường Nguyên (xã Dương Thành), các sản phẩm còn lại như: Cao hươu; thịt hươu sấy; nem bùi Hải Tuyết; dầu lạc, dầu đậu nành và dầu mè đen Phát Lộc; tương nếp Hồng Kỳ; gạo nếp Thầu Dầu… được công nhận OCOP 3 sao.
Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, năm nay, các sản phẩm tham gia phân hạng OCOP có sự đa dạng hơn, tập trung vào sản phẩm chủ lực, lợi thế của địa phương.
Thực tế cho thấy, việc phát triển sản phẩm OCOP mới không những khơi dậy tiềm năng, lợi thế của địa phương mà còn góp phần nâng cao thu nhập cho người dân ở các HTX, cơ sở sản xuất. Với mục tiêu đó, thời gian tới, huyện Phú Bình tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tăng cường tập huấn, hướng dẫn người dân, HTX, tổ hợp tác… về quy trình, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất; phát triển vùng nguyên liệu, tạo tiền đề phát triển sản phẩm OCOP; là “cầu nối” tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP để nhiều người tiêu dùng biết đến sản phẩm đặc sản của địa phương.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin