Mùa thu hoạch mật là những ngày vui nhất của người nuôi ong. Vào mùa này, hầu như ngày nào các thành viên Tổ hợp tác nuôi ong mật xã Tân Linh (Đại Từ) cũng cùng nhau đến nhà vài ba hộ để quay mật. Đây cũng là dịp để họ gặp gỡ, sẻ chia những buồn vui trong cuộc sống.
Những ngày đầu tháng 6, đã là cuối mùa thu hoạch mật ong nhưng các thành viên Tổ hợp tác nuôi ong mật xã Tân Linh vẫn chưa hết bận rộn với việc quay mật. Mấy tháng nay, luân phiên các ngày, thành viên trong tổ đến từng nhà thực hiện quy trình thu hoạch mật.
Từ sáng sớm, gia đình ông Nguyễn Văn Thường, xóm 6, Tổ trưởng Tổ hợp tác, đã rộn tiếng nói cười. Sau khi trải tấm bạt rộng ra sân, đặt dụng cụ quay mật lên, các thành viên của Tổ (đã được phân công từ trước) ai vào việc nấy, tạo nên một quy trình thu hoạch khép kín. Anh Phạm Văn Dương và chị Vũ Thị Sinh là những người chuyên thực hiện khâu quay mật.
Theo chị Sinh việc cắt nắp ống mật đòi hỏi sự khéo léo, cắt thật mỏng vừa đủ để mở nắp cho mật bắn ra khi quay. Lúc quay cần dùng đủ lực, để vừa đủ cho mật văng ra, nhưng không làm văng cả ấu trùng ong lẫn vào mật. Sau khi cắt nắp ống mật, các cầu mật được xếp vào thùng quay li tâm cho mật ra hết, rồi lại đưa cầu ong trả lại đúng vị trí cũ, để ong tiếp tục nhả mật.
Vừa tất bật với công việc quay mật, các thành viên Tổ hợp tác vừa chia sẻ với chúng tôi: Một năm có 2 mùa thu hoạch mật chính. Mùa thu mật đầu tiên trong năm bắt đầu từ tháng ba, đây là thời điểm có nguồn hoa dồi dào nhất nên lượng mật nhiều và chất lượng nhất. Trung bình cứ khoảng 7-10 ngày quay mật 1 lần. Liên tục kéo dài đến hết tháng 6. Mùa thứ hai bắt đầu từ tháng 9 và kết thúc ở tháng 12.
Gia đình ông Thường nuôi ong từ hơn 10 năm trước, ban đầu chỉ có vài thùng, rồi ông nhân đàn dần theo từng mùa hoa nhãn trong vườn. Đến nay, gia đình ông đã có gần 100 thùng, mỗi năm thu hơn 1 tấn mật. Ngoài nuôi ong lấy mật, mùa quay mật cũng là mùa ong chia đàn. Vì vậy, cùng với quay mật, ông Thường còn chăm chút nuôi chúa để tách đàn ong, vừa để bán giống vừa tăng quy mô chăn nuôi của gia đình.
Hơn 10 năm trong nghề nuôi ong, ông Thường đã tường tận đường đi lối về của đám ong, mỗi năm ông tách được khoảng 50 đàn ong giống. Thu nhập từ bán mật và ong giống mỗi năm được trên 200 triệu đồng.
Nghề nuôi ong ở đây tuy có từ rất lâu nhưng chủ yếu là tự phát, chỉ đến tháng 8 năm 2020, khi Tổ hợp tác nuôi ong mật xã Tân Linh được thành lập thì nghề nuôi ong mới được nhiều người quan tâm, một số hộ coi đây là nghề chính.
Hiện Tổ hợp tác thu hút 22 hộ ở các xóm xóm 3, 4, 5, xóm 6, 7, 10, 12, 13, 14 tham gia. Từ thi tham gia Tổ hợp tác, các thành viên được tập huấn khoa học kỹ thuật, từ khâu lựa chọn địa điểm đặt ong, lựa chọn thùng nuôi, kỹ thuật chăm sóc đến cách thu hoạch mật bằng máy quay ly tâm, sơ chế và bảo quản sản phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm; hướng dẫn lựa chọn, làm thùng ong, cầu ong để nâng cao năng suất và chất lượng mật và phù hợp với điều kiện thời tiết của từng mùa để ong phát triển tốt, cho ra nhiều sản phẩm.
Nhờ áp dụng chặt chẽ quy trình nuôi ong an toàn, vệ sinh nên đàn ong của Tổ hợp tác phát triển ổn định, đến nay Tổ có gần 600 đàn đang cho khai thác mật, sản lượng mật thu được trên 12 tấn/năm.
Mật ong của Tổ hợp tác được lấy thương hiệu là Mật ong Núi Chúa, đã được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Mật ong Núi Chúa luôn đảm bảo nguyên chất, không chứa hóa chất hay phụ gia nào khác, được tiêu thụ rộng rãi trong và ngoài tỉnh với giá bán dao động từ 140-170 nghìn đồng/lít.
Ông Triệu Hồ Quang, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đại Từ, cho biết: Nuôi ong lấy mật kết hợp với trồng các loại cây ăn quả, hoa màu đang là hướng đi mới tại địa phương, nhằm đa dạng hóa cơ cấu cây trồng, vật nuôi, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân ở Tân Linh. Hoạt động hiệu quả của Tổ hợp tác nuôi ong mật xã Tân Linh mở ra hướng phát triển kinh tế bền vững cho nhiều hộ dân địa phương…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin