Đại Từ: Đầu tư kết cấu hạ tầng vùng chè

Thu Huyền 10:49, 03/07/2023

Toàn huyện Đại Từ có tổng diện tích chè khoảng 6.600ha, trong đó trên 6.200ha là chè kinh doanh. Nhằm hình thành các vùng hàng hóa tập trung, thuận lợi cho việc sản xuất và tiêu thụ, huyện đã chủ động đầu tư, quy hoạch, cũng như tranh thủ nguồn lực để cải thiện kết cấu hạ tầng các vùng chè.

Bể chứa nước phục vụ tưới chè của thành viên HTX chè Tân Tiến, xã Minh Tiến.
Bể chứa nước phục vụ tưới chè của thành viên Hợp tác xã chè Tân Tiến, xã Minh Tiến (Đại Từ).

Tân Linh là xã có diện tích chè lớn nhất của huyện Đại Từ (gần 600ha), với 95% người dân làm chè. Ban đầu, bà con Tân Linh tự khai hoang, mở mang đường, chia lô, chia thửa để trồng chè. Do địa hình đồi núi, bị chia cắt phức tạp nên con đường lên đồi để chăm sóc, thu hái chè cũng gian nan. Thời đó, nhà nào cũng nuôi ngựa để thồ vật tư, dụng cụ lên đồi chè...

Nhưng nay đã khác, các tuyến giao thông trục xã, trục xóm, đường ngõ xóm đều đã được bê tông hóa thông qua Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Ở một số khu vực, người dân tự đóng góp kinh phí làm đường bê tông lên nương chè, với chiều rộng trung bình 0,8-1m.

Trong đó, vui mừng nhất có lẽ là bà con xóm 10, khi được thụ hưởng Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật vùng sản xuất chè tập trung, an toàn, chất lượng cao. Dự án do Sở Nông nghiệp và PTNT làm chủ đầu tư, triển khai trên địa bàn xóm. Theo đó, các tuyến đường bê tông có tổng chiều dài gần 3.400m, mặt đường rộng 3m; 2 lề rộng 0,5m được xây dựng.

Chị Nguyễn Thị Nga, ở xóm 10, chia sẻ: Từ khi tuyến đường được hoàn thành, ô tô, xe máy đều có thể lên tận nương chè. Việc vận chuyển chè về khu vực chế biến cũng nhanh chóng hơn rất nhiều.

Để thi công tuyến đường và các công trình, người dân trong xóm đã tự nguyện hiến hơn 3ha đất, tài sản trên đất (chủ yếu là đất trồng chè). Đến nay, tuyến đường đã cơ bản hoàn thành.

Tuyến đường giao thông lên vùng chè mới được đầu tư tại xã Tân Linh.
Tuyến đường giao thông lên vùng chè mới được đầu tư tại xã Tân Linh (Đại Từ).

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Linh, cho biết: Tổng mức đầu tư của Dự án đối với xã Tân Linh là gần 25 tỷ đồng, gồm: Trạm bơm ở các xóm 10, 12; 3 đập dâng; bể chứa; đường phục vụ sản xuất… Điều này giúp tạo thuận lợi tối đa cho việc trồng, chăm sóc, tiêu thụ chè của bà con. Đặc biệt, khi có các bể nước trên cao, phục vụ tưới tiêu quanh năm, người dân có điều kiện để sản xuất chè đông, vụ chè cho lợi nhuận gấp 3-4 lần thông thường.

Cùng với xã Tân Linh, trong giai đoạn 2020-2024, vùng sản xuất chè tập trung ở xã La Bằng cũng được đầu tư hơn 19 tỷ đồng để xây dựng các công trình. Mục tiêu của Dự án là nâng cấp, xây dựng mới các công trình đầu mối, bể chứa phân tán, hệ thống kênh, hệ thống đường ống và một số công trình phụ trợ để tạo nguồn và cung cấp nước tưới ổn định, phục vụ sản xuất và vận chuyển nông sản. Đồng thời, tạo điều kiện ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để xây dựng vùng sản xuất chè áp dụng công nghệ cao, nhằm tăng năng suất, chất lượng, nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho người sản xuất.

Ngoài Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật vùng sản xuất chè tập trung, an toàn, chất lượng cao, trong những năm qua, huyện Đại Từ cũng dành nhiều sự quan tâm cho đầu tư cho kết cấu hạ tầng nông nghiệp, đặc biệt là hạ tầng giao thông.

Từ năm 2021 đến nay, Đại Từ xây mới, sửa chữa, nâng cấp được trên 24km đường do huyện quản lý, hơn 100km đường giao thông do xã quản lý. Bên cạnh đó, huyện cũng chú trọng huy động nguồn lực, thực hiện lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình giảm nghèo, phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới... để đầu tư xây dựng hệ thống hồ đập, kênh mương...

Việc đầu tư cơ sở hạ tầng vùng chè không chỉ là động lực để chuyển dịch sản xuất theo hướng tập trung, quy mô lớn, mà còn thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.

Nhằm đẩy mạnh tăng trưởng bền vững ngành Nông nghiệp nói chung, phát triển cây chè nói riêng, cũng như hoàn thiện tiêu chí về quy hoạch vùng sản xuất tập trung đối với sản phẩm chủ lực trong xây dựng nông thôn mới, vừa qua, huyện Đại Từ đã thực hiện quy hoạch chi tiết vùng sản xuất chè tập trung gắn với phát triển du lịch xã La Bằng - Phú Xuyên, quy hoạch vùng chè tập trung ở xã Hoàng Nông - Tiên Hội, quy hoạch vùng chè tập trung tại xã Tân Linh.

Theo đó, diện tích lập các quy hoạch chi tiết vùng sản xuất chè tập trung dao động từ 75 đến 80ha. Trong đó bao gồm diện tích đất sản xuất chè và đất bố trí các công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất, như giao thông, thủy lợi, hệ thống cấp điện, thoát nước, vệ sinh môi trường… Đến thời điểm này, các quy hoạch La Bằng - Phú Xuyên, Hoàng Nông - Tiên Hội đã được phê duyệt. Đây là tiền đề quan trọng để các vùng chè ở Đại Từ phát triển bền vững, nâng cao sản lượng, chất lượng, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.


Từ khóa:

kết cấu hạ tầng

vùng chè