Chính sách tài chính, tiền tệ phát huy hiệu quả: Cần nỗ lực từ nhiều phía

Thu Hằng (Thực hiện) 08:13, 03/07/2023

Kinh tế thế giới và trong nước thời gian qua gặp nhiều khó khăn, thách thức, tác động tiêu cực tới hoạt động sản xuất, kinh doanh, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp (DN), người dân. Cụ thể nội dung này ra sao và được thực hiện thế nào tại tỉnh là vấn đề được ông  Bùi Văn Khoa, Giám đốc NHNN Chi nhánh Thái Nguyên, làm rõ trong cuộc trao đổi với chúng tôi.

Toàn tỉnh hiện có 35 tổ chức tín dụng, có mặt ở tất cả các huyện, thành nên việc tiếp cận nguồn vốn vay của các tổ chức, cá nhân tương đối thuận lợi.
Toàn tỉnh hiện có 35 tổ chức tín dụng, có mặt ở tất cả các huyện, thành nên việc tiếp cận nguồn vốn vay của các tổ chức, cá nhân tương đối thuận lợi. Trong ảnh: Giao dịch tại Ngân hàng Bản Việt chi nhánh Thái Nguyên.

PV: Thưa ông, tình hình hoạt động của các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn tỉnh những tháng đầu năm nay có gì đáng quan tâm?

Ông Bùi Văn Khoa: Tính đến cuối tháng 5-2023, tổng nguồn vốn huy động của các TCTD trên địa bàn đạt 97.302 tỷ đồng, tăng 1,46%; dư nợ cho vay đạt 84.776 tỷ đồng, tăng 2,31% so với cuối năm 2022. Đây là năm có dư nợ tín dụng 5 tháng đầu năm tăng thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Nguyên nhân được xác định là do diễn biến khó khăn của tình hình kinh tế - xã hội: Cầu thế giới sụt giảm, cầu trong nước tăng yếu. Người dân, DN khó khăn trong hoạt động sản xuất - kinh doanh, thiếu đơn hàng, thị trường đầu ra... dẫn tới nguồn thu sụt giảm, ảnh hưởng khả năng trả nợ đúng hạn, khó đáp ứng điều kiện vay vốn.

Nợ xấu gia tăng, chiếm 2,24% tổng dư nợ. Đây là mức cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây và tiếp tục tiềm ẩn nhiều rủi ro trong thời gian tới.

PV: Trước thực tế này, ngành NH tỉnh đã và đang có các giải pháp gì để vượt qua, cũng như đồng hành với khách hàng?

Ông Bùi Văn Khoa: Năm nay, NHNN định hướng tăng trưởng nguồn vốn huy động là 10%, tín dụng 12% (có điều chỉnh). Nguồn tín dụng hướng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro… 

Từ đầu năm đến nay, NHNN đã 4 lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành, nhằm hạ lãi suất cho vay, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, hỗ trợ phát triển KT-XH. Theo đó, nhiều TCTD đã chủ động giảm lãi suất cho khách hàng cả khoản vay mới và khoản vay hiện hữu (giảm khoảng 0,9%/năm so với cuối năm 2022). Cùng với đó là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng tiết giảm tối đa thủ tục, giấy tờ để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay

Ngoài ra, các TCTD cũng đang tiếp tục thực hiện cho vay hỗ trợ 2% theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 của Chính phủ. Đến nay, có 40 khách hàng được hưởng lợi từ chính sách này, với doanh số 2.816 tỷ đồng, dư nợ là 1.393 tỷ đồng, số tiền hỗ trợ lãi suất là 11,55 tỷ đồng.

Do thiếu đơn hàng nên nhiều DN trên địa bàn thời gian qua đã phải cắt giảm lao động (ảnh minh họa).
Do thiếu đơn hàng nên nhiều DN trên địa bàn thời gian qua đã phải cắt giảm lao động (ảnh minh họa).

PV: Ngoài giảm lãi suất, NHNN cũng đã ban hành Thông tư về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng gặp khó khăn. Theo ông, điều này có ý nghĩa như thế nào đối với cả NH và khách hàng?

Ông Bùi Văn Khoa: Trước bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, nhiều DN không có khả năng trở nợ gốc, lãi, tiềm ẩn nguy cơ phá sản… Căn cứ một số nghị quyết của Chính phủ, Thống đốc NHNN đã ban hành Thông tư số 02/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023 quy định về việc TCTD, chi nhánh NH nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và khách hàng gặp khó khăn trả nợ vay phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng.

Căn cứ chỉ đạo của NHNN và hướng dẫn của hội sở chính, các TCTD trên địa bàn đang thực hiện rà soát các khoản vay để xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng.

Đến hết tháng 5/2023, có 5 NHTM đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ với dư nợ gốc và lãi là 147 tỷ đồng cho 18 khách hàng, việc này sẽ tiếp tục được thực hiện trong thời gian tới.

PV: Để các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cũng như ngành NH thực sự mang lại hiệu quả, theo ông, DN cần thêm những yếu tố nào?

Ông Bùi Văn Khoa: Trước việc DN không có đầu ra, không có đơn hàng nên vấn đề thị trường rất cần được quan tâm, hỗ trợ thông qua chính sách kích cầu, xúc tiến thương mại... Thay vì thị trường nước ngoài đang bị suy giảm, thị trường trong nước, trong tỉnh cần thiết được quan tâm khai thác. Đối với DN nhỏ và vừa khó tiếp cận vốn vay, rất cần phát huy Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DN nhỏ và vửa của tỉnh.

Cùng với đó là giải quyết khó khăn về thủ tục pháp lý cho các DN kinh doanh bất động sản để kích cầu thị trường này; đẩy nhanh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất tạo điều kiện cho người dân, DN được tiếp cận nguồn vốn NH…

PV: Xin cảm ơn ông!