Luân chuyển cán bộ để rèn luyện, phát triển toàn diện

Văn Hiến (thực hiện) 11:04, 05/06/2023

Mục tiêu của việc luân chuyển là tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để cán bộ rèn luyện, phát triển toàn diện. Do vậy, luân chuyển cán bộ có vai trò, ý nghĩa quan trọng đối với Đảng bộ tỉnh trong nửa nhiệm kỳ qua. Phóng viên Báo Thái Nguyên phỏng vấn đồng chí Ngô Thế Hoàn, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Tỉnh ủy, về một số vấn đề liên quan đến nội dung này.

Đồng chí Lê Việt Dũng (người thứ 3 từ bên phải sang) được luân chuyển từ Tỉnh đoàn về làm Bí thư Đảng ủy thị trấn Giang Tiên (Phú Lương). Ảnh: Linh Lan
Đồng chí Lê Việt Dũng (người thứ 3 từ bên phải sang) được luân chuyển từ Tỉnh đoàn về làm Bí thư Đảng ủy thị trấn Đu (Phú Lương). Ảnh: Linh Lan

P.V: Đề nghị đồng chí cho biết những kết quả trong công tác luân chuyển cán bộ của Đảng bộ tỉnh nửa nhiệm kỳ qua?

Đ/c Ngô Thế Hoàn: Tính từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025 đến nay, toàn tỉnh đã luân chuyển 191 trường hợp, trong đó cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý 24 trường hợp (21 trường hợp luân chuyển từ tỉnh về huyện, 02 trường hợp từ huyện về tỉnh, 01 trường hợp từ thành phố sang huyện); cán bộ thuộc diện ban thường vụ các huyện, thành ủy quản lý luân chuyển 167 trường hợp (71 trường hợp từ huyện về xã, 11 trường hợp từ xã về huyện, 81 trường hợp từ ngành này sang ngành khác và 04 trường hợp từ xã này sang xã khác).

P.V: So với nhiệm kỳ trước, công tác luân chuyển cán bộ trong nửa đầu nhiệm kỳ này có những thay đổi tích cực gì, thưa đồng chí?

Đ/c Ngô Thế Hoàn: Đội ngũ cán bộ trẻ được đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện qua luân chuyển đều có sự trưởng thành, đa số cán bộ sau khi luân chuyển đã thể hiện được năng lực, sở trường, được xem xét, cân nhắc, bố trí giữ các chức vụ lãnh đạo cao hơn.

Công tác luân chuyển, điều động cán bộ đã tạo điều kiện để cán bộ được cống hiến, rèn luyện, trưởng thành qua thực tiễn, trau dồi kiến thức, tích lũy kinh nghiệm, khắc phục hiện tượng cục bộ, khép kín, mất đoàn kết nội bộ, sự trì trệ trong lãnh đạo, điều hành và sự hụt hẫng cán bộ ở một số địa phương, đơn vị.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác luân chuyển cán bộ của một số địa phương trong tỉnh thời gian qua vẫn còn có mặt hạn chế, bất cập như: Trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, một số cấp ủy chưa quán triệt đầy đủ về sự cần thiết, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc luân chuyển cán bộ nên chưa tập trung lãnh đạo xây dựng quy định về nguyên tắc, tiêu chí, tiêu chuẩn, điều kiện và kế hoạch cụ thể; còn có sự nhầm lẫn giữa luân chuyển để rèn luyện, đạo tạo, bồi dưỡng cán bộ theo quy hoạch và điều động, bố trí cán bộ theo yêu cầu; một số nơi luân chuyển mới chỉ đáp ứng yêu cầu cấp bách trước mắt và có tính chất giải quyết tình thế về công tác cán bộ. Cùng với đó là số lượng cán bộ được luân chuyển còn ít, hình thức luân chuyển chủ yếu là từ cấp trên xuống cấp dưới, luân chuyển từ cấp dưới lên cấp trên (cấp huyện về cấp tỉnh, cấp xã về cấp huyện), luân chuyển cán bộ từ ngành này sang ngành khác, đơn vị cấp huyện này sang đơn vị cấp huyện khác, từ khối đảng, đoàn thể sang khối nhà nước và ngược lại còn hạn chế. Việc mở rộng đối tượng luân chuyển cán bộ trẻ, cán bộ cấp phòng của tỉnh xuống cấp huyện, cấp xã để tạo nguồn cán bộ trẻ chưa nhiều.

P.V: Ban Bí thư đã ban hành Quy định số 65-QĐ/TW về luân chuyển cán bộ. Xin đồng chí cho biết Quy định này có những điểm nào mới so với các văn bản trước đó?

Đ/c Ngô Thế Hoàn: So với các văn bản trước đó của Đảng về luân chuyển cán bộ, Quy định số 65-QĐ/TW (Quy định số 65) có một số nội dung trọng tâm, điểm đáng chú ý.

Thứ nhất, Quy định số 65 thay đổi phạm vi luân chuyển, cho phép luân chuyển từ cấp trên xuống cấp dưới, từ cấp dưới lên cấp trên, từ địa phương này sang địa phương khác; giữa các cơ quan, tổ chức cùng cấp trong hệ thống chính trị.

Thứ hai, đối tượng luân chuyển theo các văn bản trước là cán bộ trẻ, có năng lực, triển vọng, trong quy hoạch của địa phương, cơ quan, đơn vị. Còn Quy định số 65 mở rộng hơn, gồm: Cán bộ được quy hoạch chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp; cán bộ được luân chuyển để thực hiện chủ trương bố trí cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương; cán bộ không giữ chức vụ cấp trưởng quá 2 nhiệm kỳ liên tiếp ở một địa phương, cơ quan, đơn vị (gồm: Bí thư cấp ủy, chủ tịch UBND, chánh án TAND, viện trưởng viện KSND và cấp trưởng các ngành: Công an,Thanh tra, Tài chính, Thuế, Hải quan cấp tỉnh, cấp huyện).

Thứ ba, khái niệm “người địa phương” theo Quy định số 65 là người có quê quán ở địa phương đó (trừ trường hợp có quê quán ở địa phương đó nhưng có 3 thế hệ sinh ra, lớn lên và sinh sống ở địa phương khác), hoặc là người có quê quán ở địa phương khác nhưng có 3 thế hệ sinh ra, lớn lên và sinh sống ở địa phương đó. Theo văn bản trước đó, người địa phương được hiểu là người sinh ra, lớn lên và trưởng thành ở địa phương đó hoặc là người đã học tập, công tác từ 20 năm trở lên ở địa phương đó.

Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Cù Vân (thứ 3 từ bên trái), được Huyện ủy Đại Từ luân chuyển giữ chức Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện.
Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Cù Vân (thứ 3 từ bên trái), được Huyện ủy Đại Từ luân chuyển giữ chức Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện.

P.V: Việc triển khai thực Quy định số 65 đã góp phần khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong thực hiện công tác luân chuyển cán bộ của tỉnh thời gian qua, thưa đồng chí?

Đ/c Ngô Thế Hoàn: Khi triển khai Quyết định số 65, cấp ủy xác định rõ mục đích, yêu cầu của luân chuyển cán bộ là nâng cao hiệu quả thực hiện chủ trương của Đảng về công tác cán bộ; tạo điều kiện cho cán bộ trong quy hoạch có môi trường để rèn luyện, am hiểu thực tiễn, phát triển toàn diện; xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ.

Vấn đề nữa được Trung ương đặt ra là tiếp tục đổi mới công tác luân chuyển cán bộ, bảo đảm chặt chẽ, dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, công bằng; không để xảy ra tiêu cực trong công tác cán bộ. Đồng thời kết hợp luân chuyển với tăng cường cán bộ cho những nơi khó khăn, khắc phục tình trạng nơi thừa, nơi thiếu, cục bộ, khép kín; góp phần thúc đẩy thực hiện chủ trương bố trí lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương, người đứng đầu không giữ chức vụ quá 2 nhiệm kỳ liên tiếp.

Tiếp đó, Quy định số 65 xác định luân chuyển cán bộ là để “tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng và rèn luyện theo yêu cầu nhiệm vụ hoặc yêu cầu của chức danh được quy hoạch”; không còn nhấn mạnh lấy kết quả luân chuyển cán bộ “làm cơ sở lựa chọn, bố trí, sử dụng cán bộ như các quy định trước đó.

Đặc biệt nữa, Quy định số 65 xác định rõ trách nhiệm của cấp có thẩm quyền quyết định luân chuyển cán bộ; cơ quan nơi đi chịu trách nhiệm nhận xét, đánh giá cán bộ được đề xuất đi luân chuyển; cơ quan nơi đến phải chấp hành nghiêm quyết định về luân chuyển cán bộ của cấp có thẩm quyền.

Cán bộ luân chuyển phải chấp hành nghiêm các quy định, quy chế, phân công của cấp có thẩm quyền, cơ quan nơi đi và nơi đến. Các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm tham gia thẩm định, thẩm tra, rà soát đối với nhân sự luân chuyển theo chức năng, nhiệm vụ...

P.V: Thời gian tới, công tác luân chuyển cán bộ của tỉnh được triển khai như thế nào, thưa đồng chí?

Đ/c Ngô Thế Hoàn: Ban Tổ chức Tỉnh ủy tiếp tục tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện hiệu quả hơn nữa công tác luân chuyển cán bộ của tỉnh trên cơ sở kế hoạch đã xây dựng nhưng phải đảm bảo tính phù hợp, tình hình thực tiễn của tỉnh. Đồng thời tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục triển khai hiệu quả các nhiệm vụ khác của công tác cán bộ theo chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh.

P.V: Xin cảm ơn đồng chí!