Với việc trao cho hộ nghèo 1 con bê cái giống để nuôi đến khi sinh bê con, rồi bàn giao cho hộ nghèo khác, chủ hộ sẽ được sở hữu con bò ban đầu. Hình thức hỗ trợ này được ví như việc trao cho hộ nghèo "cần câu" để vươn lên.
Từ con bê cái giống được hỗ trợ ban đầu, đến nay gia đình anh Lý Văn Chơ, ở xóm Đồng Tâm, xã Động Đạt (Phú Lương) đã phát triển thành đàn bò 3 con. |
Gia đình anh Lý Văn Chơ, ở xóm Đồng Tâm, xã Động Đạt (Phú Lương) có tới 4 người con. Ít đất sản xuất, 2 vợ chồng lại không có việc làm ổn định nên nhiều năm liền, gia đình anh vẫn là hộ nghèo. Để giúp nhà anh Chơ thoát nghèo, năm 2019, Hội Chữ thập đỏ huyện Phú Lương đã trích Quỹ Ngân hàng bò và vận động ủng hộ, hỗ trợ gia đình 1 con bê cái giống.
Sau một thời gian chăn nuôi, con bò cái sinh ra một bê con, gia đình anh Chơ đã trao con bê giống lại cho Hội Chữ thập đỏ huyện để bàn giao cho hộ nghèo khác. Từ con bê giống ban đầu, đến nay, gia đình anh đã phát triển thêm được 2 bê con và hiện, bò mẹ chuẩn bị sinh thêm con bê thứ 3.
Gia đình bà Ma Thị Thuận, ở xóm Đồng Chợ, xã Phủ Lý, cũng là hộ nghèo, bản thân bà Thuận tuổi cao, sức khỏe yếu. Hiện, gia đình có 4 nhân khẩu nhưng không có công việc và thu nhập ổn định. Gia đình bà Thuận được hỗ trợ bê giống vào tháng 5/2023.
Còn bà Đỗ Thủy Chiều tuổi đã cao, sức khỏe yếu, phải nuôi mẹ già 91 tuổi và 1 cháu nhỏ nên hoàn cảnh rất khó khăn nên việc thoát nghèo là rất khó khăn. Bà Chiều chia sẻ: Khi được Quỹ Ngân hàng bò trao 1 con bê giống để nuôi, tôi rất phấn khởi. Tôi sẽ chăn nuôi thật tốt để bò sớm sinh sản.
Chương trình “Ngân hàng bò” hỗ trợ hộ nghèo được Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ tỉnh triển khai thực hiện trên địa bàn huyện Phú Lương từ năm 2013, với kinh phí ban đầu là 144 triệu đồng, hỗ trợ mua 9 con bê cái giống để trao cho hộ nghèo. Sau 10 năm, đã có 33 lượt hộ nghèo của huyện Phú Lương được hỗ trợ bê cái giống. Phần lớn trong số bê cái giống được trao cho các gia đình chăm sóc, chăn nuôi tốt nên đã sinh sản và hoàn thành nghĩa vụ trao lại con bê sinh ra đầu tiên cho hộ nghèo khác.
Nhiều hộ nghèo ở Phú Lương được luân phiên hỗ trợ nên đã tự tạo được việc làm, phát triển chăn nuôi và có thêm thu nhập để cải thiện đời sống. Trong số này, hơn 10 hộ đã thoát nghèo bền vững.
Một số hộ sau khi hoàn thành nghĩa vụ với Ngân hàng bò, tiếp tục chăn nuôi và có bò thương phẩm bán ra thị trường. Điển hình như gia đình anh Lý Văn Tài, xóm Phú Thọ và chị Trần Thị Vinh, xóm Pháng 1, xã Phú Đô; anh Lý Văn Chơ, xóm Đồng Tâm, xã Động Đạt…
Bà Dương Thị Thu Lê, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Phú Lương, cho biết: Việc thực hiện chương trình Ngân hàng bò cho hộ nghèo được triển khai trên địa bàn huyện Phú Lương đảm bảo quy trình xét chọn từ cấp cơ sở, có sự phối hợp của xóm và chính quyền địa phương và được thực hiện công khai, minh bạch. Thời gian tới, Hội Chữ thập đỏ huyện sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình này đến 15 xã, thị trấn trên địa bàn...
Chương trình Ngân hàng bò hỗ trợ người nghèo tại huyện Phú Lương bước đầu đã đạt kết quả khả quan. Hy vọng chương trình sẽ tiếp tục được duy trì, nâng cao hiệu quả để ngày càng có nhiều hộ nghèo được tiếp cận và có cơ hội thay đổi, cải thiện cuộc sống. Qua đó góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, hướng tới mục tiêu rút ngắn khoảng cách giữa các hộ và các vùng miền trên địa bàn huyện Phú Lương.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin