Lần đầu trong 6 tháng gần đây, chỉ số đo lường tình trạng hoạt động kinh tế của ngành sản xuất (PMI) Việt Nam trong tháng 8/2023 đã tăng trở lại trên ngưỡng 50 điểm.
Ngành dầu khí đóng góp lớn cho ngân sách Nhà nước. |
Số lượng đơn hàng mới tăng, xuất khẩu nhiều ngành hàng cũng đạt được nhiều kết quả tích cực đã tạo đà cho hoạt động sản xuất công nghiệp tháng 8/2023 của Việt Nam khởi sắc hơn.
Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp tăng 2,9%
Báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp, thương mại của Bộ Công Thương cho thấy, lần đầu trong 6 tháng gần đây, chỉ số đo lường tình trạng hoạt động kinh tế của ngành sản xuất (PMI) Việt Nam, trong tháng 8/2023 đã tăng trở lại trên ngưỡng 50 điểm (cao hơn so với mức 48,7 điểm của tháng trước) cho thấy các điều kiện kinh doanh trong ngành sản xuất đã cải thiện, sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới, hoạt động xuất khẩu và hoạt động mua hàng đều tăng trở lại...
Do vậy, sản xuất công nghiệp tháng 8 tiếp tục xu hướng tích cực hơn tháng trước, Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tính tăng 2,9% so với tháng 7 và tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước, ghi nhận mức tăng 4 tháng liên tiếp so với cùng kỳ năm trước.
Một số ngành tăng cao, trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 3,5%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 3,7%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 1,8%; riêng ngành khai khoáng giảm 6,2%.
Tuy nhiên, do những khó khăn từ suy giảm kinh tế toàn cầu, đặc biệt là từ những tháng đầu năm đã ảnh hưởng đến kết quả sản xuất công nghiệp trong nước nên tính chung 8 tháng, IIP toàn ngành vẫn giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 9,2%).
Song đi vào chi tiết cho thấy, lũy kế tháng so với cùng kỳ năm trước, mức suy giảm trong sản xuất công nghiệp có xu hướng ngày càng thu hẹp, trong đó, ngành chế biến, chế tạo giảm 0,6% (cùng kỳ tăng 10,1%); ngành sản xuất và phân phối điện tăng 1,7%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,8%; ngành khai khoáng giảm 2,5%.
Đáng chú ý, trong 8 tháng vừa qua, chỉ số IIP ở 49 địa phương tăng, trong đó, một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá cao do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng cao so với cùng kỳ năm trước, như: Bắc Giang tăng 16,4%; Phú Thọ tăng 15,7%; Nam Định tăng 13,8%; Kiên Giang tăng 13%; Hải Phòng tăng 12,1%; Phú Yên tăng 11,8%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao (Hậu Giang tăng 183,8%; Thái Bình tăng 91%; Trà Vinh tăng 34,7%).
Theo đại diện Bộ Công Thương, nguyên nhân của sự suy giảm trong sản xuất công nghiệp trong 8 tháng đặc biệt là giai đoạn đầu năm là do các nền kinh tế lớn là đối tác xuất khẩu của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU giảm chi tiêu mua sắm các sản phẩm thông thường và xa xỉ khiến khối lượng đơn đặt hàng giảm.
Trong khi đó, các ngành sản xuất công nghiệp trong nước chủ yếu hướng vào xuất khẩu, phụ thuộc lớn vào thị trường toàn cầu do sản lượng sản xuất trong nước vượt xa nhu cầu của thị trường nội địa, đặc biệt là đối với các ngành hàng như dệt may, da giày, điện tử… chỉ cung ứng cho nhu cầu nội địa 10% sản lượng, 90% sản lượng còn lại là để xuất khẩu.
Sản xuất các đơn hàng da giày phục vụ xuất khẩu. |
Bên cạnh đó, giá hàng hoá xuất khẩu có xu hướng giảm trong 8 tháng năm 2023, trong đó, một số mặt hàng công nghiệp chế biến như phân bón các loại (giảm 35,4%), sắt thép các loại (giảm 24,8%), chất dẻo nguyên liệu (giảm 24,1%)... đã tác động đến kết quả chung của toàn ngành.
Tập trung các giải pháp thúc đẩy sản xuất
Trong bối cảnh biến động của địa chính trị và kinh tế thế giới diễn ra phức tạp, nền kinh tế Việt Nam vẫn duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định xã hội. Nhiều khó khăn thách thức sẽ tiếp tục tạo ra những thuận lợi trong thu hút đầu tư và thúc đẩy sản xuất kinh doanh thời gian tới. Các tổ chức quốc tế uy tín tiếp tục đánh giá và dự báo tích cực về triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2023 và thời gian tới.
Cùng với đó, Chính phủ đang tiếp tục nỗ lực đẩy nhanh giải ngân đầu tư công trong năm 2023, nhất là trong những tháng cuối năm sẽ có tác động tích cực đến phục hồi và tăng trưởng ở một số ngành như: thép, vật liệu xây dựng, cơ khí…. Theo đó, giải ngân đầu tư công sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong thời gian tới, từ đó góp phần quan trọng kích cầu và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong nước.
Nhiều chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh được triển khai, bao gồm cả thuế, phí sẽ giúp cộng đồng doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới sẽ là những điều kiện thuận lợi tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục và phát triển các hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Về phía Bộ Công Thương, cơ quan này đang triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để thúc đẩy phát triển sản xuất trên cơ sở bám sát tình hình sản xuất của các ngành, lĩnh vực, một số địa phương trọng điểm về công nghiệp, kịp thời nắm bắt tháo gỡ khó khăn thúc đẩy phát triển sản xuất.
Ngoài ra, Bộ Công Thương tập trung các giải pháp nhằm kết nối các doanh nghiệp trong nước tham gia được vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) lớn toàn cầu đang đầu tư tại Việt Nam, cũng như hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa phục hồi, phát triển sản xuất thông qua tạo thuận lợi hóa trong các thủ tục hành chính, tiếp cận tín dụng…
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng đại diện Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại New York cho biết hiện còn nhiều dư địa xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ. Phía Thương vụ sẽ đồng hành, phối hợp với các doanh nghiệp đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại để sản phẩm cơ khí tiếp cận thuận lợi tại thị trường này.
Trong khi đó, ông Tạ Đức Minh, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản thông tin, Nhật Bản hiện đang thực hiện chính sách mới nhằm tránh phụ thuộc nguồn cung vào Trung Quốc và mở rộng sang khối các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp cơ khí tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường xuất khẩu các sản phẩm trong nước.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin