Quản lý kinh doanh thương mại điện tử:
Bài toán khó vẫn có cách giải

Thu Hằng 08:58, 22/09/2023

Những năm gần đây, hoạt động kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT) ngày càng phát triển và dần chiếm ưu thế, đem lại nguồn lợi nhuận không nhỏ cho nhiều người kinh doanh, đặc biệt là từ khi dịch COVID-19 xuất hiện. Tuy nhiên, công tác quản lý của các cơ quan chức năng đối với loại hình kinh doanh này lại đang tồn tại nhiều bất cập, trong đó có quản lý thuế.

Công chức Chi cục Thuế TP. Thái Nguyên thực hiện việc rà soát hoạt động kinh doanh TMĐT của các tổ chức, cá nhân trên sàn TMĐT Shopee.
Công chức Chi cục Thuế TP. Thái Nguyên thực hiện rà soát hoạt động kinh doanh của các tổ chức, cá nhân trên sàn TMĐT Shopee.

Theo Hiệp hội Thương mại Việt Nam, Thái Nguyên là tỉnh có tốc độ phát triển kinh doanh TMĐT đứng thứ 23/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Hình thức kinh doanh TMĐT phổ biến trên địa bàn tỉnh hiện nay là các tổ chức, cá nhân bán hàng qua các trang mạng xã hội, như: Facebook, Zalo…; bán hàng qua các sàn giao dịch TMĐT, như: Shopee, Lazada, Sendo…; hoặc tự thiết lập website để phục vụ hoạt động xúc tiến thương mại, bán hàng, cung ứng dịch vụ…

Không thể phủ nhận những tiện ích của loại hình kinh doanh này mang lại, song do chủ yếu mang tính tự phát nên việc quản lý kinh doanh TMĐT của cơ quan Thuế đang gặp không ít khó khăn. Nguyên nhân là do phần lớn tổ chức, cá nhân tìm cách trốn tránh thực hiện nghĩa vụ đối với ngân sách Nhà nước (NSNN). Chính vì thế, số hộ, cá nhân hoạt động kinh doanh TMĐT và cung cấp dịch vụ TMĐT được đưa vào diện quản lý rất ít.

Năm 2021, Thái Nguyên có 68 trường hợp kinh doanh TMĐT thực hiện nghĩa vụ thuế, với số thuế thu được gần 1,1 tỷ đồng. Năm 2022, có 83 trường hợp nộp thuế, số tiền thu được hơn 2,9 tỷ đồng.

Trước thực tế này, để việc quản lý đối với các hộ, cá nhân kinh doanh đi vào nền nếp, góp phần tăng thu cho NSNN, đồng thời tạo sự bình đẳng trong sản xuất - kinh doanh của các tổ chức, cá nhân, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh đã giao Đoàn Thanh niên của đơn vị nghiên cứu, đề xuất giải pháp để đưa công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT đi vào nền nếp.

Sau khi tổ chức thành công Hội thảo về chủ đề này, lãnh đạo Cục Thuế tỉnh tiếp tục chỉ đạo Đoàn Thanh niên cơ quan triển khai các phần việc và giao Chi cục Thuế TP. Thái Nguyên triển khai thí điểm, rà soát hoạt động kinh doanh TMĐT của các tổ chức, cá nhân trên sàn TMĐT Shopee. 

Hoạt động kinh doanh TMĐT phát triển đã kéo theo sự ra đời của hàng loạt đơn vị vận chuyển trên địa bàn tỉnh.
Hoạt động kinh doanh TMĐT phát triển kéo theo sự tăng trưởng dịch vụ giao hàng trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, bắt đầu từ tháng 6 đến đầu tháng 9/2023, Chi cục Thuế TP. Thái Nguyên đã tiến hành rà soát, thống kê được 6.546 gian hàng trên Shopee có địa chỉ tại tỉnh. Trong đó có hơn 900 gian hàng có địa chỉ tại TP. Thái Nguyên (863 gian hàng có địa chỉ cụ thể; 190 gian hàng có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm, thuộc diện phải nộp thuế).

Các gian hàng này đều được Chi cục Thuế TP. Thái Nguyên đưa vào diện quản lý. Đối với các gian hàng thuộc diện phải nộp thuế, cơ quan Thuế đã xác định được tổng doanh thu kê khai là 421 tỷ đồng, số thuế phát sinh qua kê khai là 7,8 tỷ đồng.

Anh Phạm Phan Quyền, tổ 1, phường Túc Duyên (TP. Thái Nguyên), chuyên kinh doanh tinh dầu thơm và nến thơm, chia sẻ: Tôi bắt đầu kinh doanh trên sàn TMĐT Shopee từ năm 2021. Do chưa nắm bắt được các chính sách về thuế nên tôi cứ nghĩ việc sàn TMĐT cắt 15% tổng doanh thu, gồm phí thường niên, phí sàn, phí vận chuyển… đã bao gồm cả việc nộp thuế. Hiện tại, khi được cán bộ Chi cục Thuế TP. Thái Nguyên giải thích, tôi đã chấp hành việc nộp thuế và từ nay sẽ thực hiện đầy đủ các quy định với NSNN.

Cùng với đó, cơ quan Thuế cũng phối hợp với các ngân hàng thương mại, đơn vị vận chuyển để xác định doanh thu, địa chỉ kinh doanh của các tổ chức, cá nhân kinh doanh TMĐT. Đối với những trường hợp không hợp tác, cơ quan Thuế sẽ phối hợp với Ban Chỉ đạo 389 của thành phố và các lực lượng Công an, Quản lý thị trường, UBND các xã, phường… để kiểm tra, giám sát.

Có thể nói, 7,8 tỷ đồng tiền truy thu không phải là con số lớn so với tổng thu hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm mà Chi cục Thuế TP. Thái Nguyên được giao thực hiện. Song số tiền này cũng tương đương với số thuế khoán của trên 6.000 hộ kinh doanh trên địa bàn thành phố trong 1 quý của địa phương. Và điều quan trọng hơn nữa là việc này sẽ góp phần nâng cao tính kỷ cương, kỷ luật trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh. Đây cũng là cơ sở để Chi cục Thuế TP. Thái Nguyên có biện pháp quản lý lâu dài đối với các hộ và là kinh nghiệm quý để các chi cục Thuế trên địa bàn học tập, áp dụng.