Thời gian qua, cùng với khuyến khích, vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, TP. Sông Công cũng tạo điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận với các nguồn vốn phát triển sản xuất. Qua đó, nhiều mô hình kinh tế được triển khai hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người dân.
Từ nguồn vốn vay ưu đãi, năm 2023, anh Đồng Văn Hòa (người đội mũ), ở xóm La Cảnh 1, xã Bá Xuyên, đã phát triển mô hình vỗ béo dê lai Boer, góp phần nâng cao thu nhập. |
Gia đình anh Đồng Văn Hòa, ở xóm La Cảnh 1, xã Bá Xuyên, đang vỗ béo gần 100 con dê lai Boer (nguồn gốc từ Thái Lan). Trước đó, thông qua Hội Nông dân xã, anh được hỗ trợ vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội số tiền 100 triệu đồng để đầu tư xây dựng chuồng trại, phát triển mô hình.
Theo anh Hòa, vỗ béo dê không mất nhiều công, thức ăn có thể tận dụng từ những phụ phẩm nông nghiệp, giá đầu ra ổn định từ 120-150 nghìn đồng/kg. Hiện nay, nhu cầu của thị trường về dê tăng cao, do đó vỗ béo dê thịt đã mở ra hướng đi mới và lan tỏa phong trào phát triển kinh từ chăn nuôi của xã Bá Xuyên.
Theo ông Trần Minh Tâm, Chủ tịch Hội Nông dân TP. Sông Công, với hơn 7.600 hội viên sinh hoạt tại 10 xã, phường, thời gian qua, các cấp hội đã đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để hội viên tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi phát triển kinh tế.
Theo đó, từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân trên 4,5 tỷ đồng, Hội đã thực hiện 10 dự án, cho 97 hộ vay; các cấp hội cũng đứng ra uỷ thác với Ngân hàng Chính sách xã hội trên 56 tỷ đồng, cho 962 hộ vay qua 45 tổ tiết kiệm vay vốn; ủy thác với Ngân hàng Nông nghiệp - PTNT trên 30 tỷ đồng, cho hơn 200 hộ vay, thông qua 16 tổ liên kết vay vốn...
Các nguồn vốn được giải ngân kịp thời và sử dụng hiệu quả đã tạo việc làm ổn định, góp phần xây dựng, hình thành các mô hình kinh tế tập thể, mô hình liên kết trong sản xuất.
Bên cạnh việc hỗ trợ vốn cho hội viên, hằng năm, các cấp hội nông dân trên địa bàn cũng phối hợp với Phòng Kinh tế, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho trên 3.000 lượt nông dân tham gia. Từ đó khuyến khích hội viên, nông dân mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, vươn lên thoát nghèo, làm giàu tại địa phương.
Cùng với tạo điều kiện để nông dân tiếp cận nguồn vốn từ các ngân hàng, lồng ghép từ các chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội, TP. Sông Công cũng thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù của địa phương để hỗ trợ nông dân phát triển chăn nuôi và trồng trọt.
Được hỗ trợ 85 triệu đồng để lắp đặt nhà lưới 1.000m2, cùng với trồng dưa chuột Nhật Bản, gia đình ông Dương Văn Huynh, ở tổ dân phố Pha, phường Lương Sơn (TP. Sông Công), đưa dưa vân lưới vào trồng. |
Tính riêng giai đoạn 2021-2023, thành phố đã dành hơn 8 tỷ đồng hỗ trợ 3 nhà lưới trồng rau, hoa với tổng diện tích trên 2.500m2; hỗ trợ ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước đối với 20ha cây ăn quả, cây chè; cấp phân bón vi sinh cho hơn 20ha cây ăn quả tập trung tại xã Bình Sơn và xã Tân Quang…
Đặc biệt, thực hiện Đề án phát triển nông nghiệp bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn TP. Sông Công, giai đoạn 2021-2025, thành phố cũng thực hiện hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP đạt 3 sao và 4 sao là 50 triệu đồng/sản phẩm, 5 sao là 100 triệu đồng/sản phẩm; hỗ trợ hợp tác xã, tổ hợp tác có mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm từ chè 500 triệu đồng/mô hình, từ gia cầm và lợn 500 triệu đồng/mô hình...
Từ nguồn vốn hỗ trợ lắp đặt nhà màng, nhà lưới và vốn vay từ các ngân hàng, anh Đinh Xuân Lợi, ở tổ dân phố Phú Thái, phường Lương Sơn, đã đầu tư nhà kính có diện tích hơn 800m2 để trồng hoa lan hồ điệp.
Anh Lợi chia sẻ: Điều kiện trồng loại hoa này rất khắt khe, nên ngoài việc làm nhà kính có khả năng chống nắng, lọc tia bức xạ tránh hiện tượng cháy lá, cháy cánh hoa, tôi đã lắp đặt hệ thống quạt thông gió, hệ thống điều hòa làm lạnh để cây hoa lan luôn được đảm bảo sinh trưởng và phát triển trong nhiệt độ phù hợp vào ban ngày là 26 độ C, ban đêm 16 độ C. Với hơn 12.000 gốc lan hồ điệp, dự kiến dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 tới, gia đình thu về khoảng 2 tỷ đồng…
Đến nay, giá trị sản xuất trên 1ha đất trồng trọt của TP. Sông Công đạt 124 triệu đồng (tăng 10 triệu đồng so với năm 2021); thu nhập của người dân khu vực nông thôn đạt trên 45 triệu đồng/người/năm (tăng 5 triệu đồng so với năm 2021); tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 1,9%; hằng năm, toàn thành phố có trên 2.500 hộ nông dân đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin