Với nhiều giải pháp thiết thực, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GGNN-GGTX) huyện Võ Nhai không chỉ bảo đảm tốt công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn mà còn góp phần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn huyện vùng cao.
Nông dân xóm Khuổi Mèo, xã Sảng Mộc (Võ Nhai) thực hành kỹ thuật trồng cây có múi sau khi được tham gia khóa đào tạo nghề trồng cây có múi tại Trung tâm GGNN-GGTX huyện. |
Dù đã có kinh nghiệm một vài năm trồng cây cam thương phẩm cho thu nhập nhưng ông Vương Văn Tỵ, ở xóm Khuổi Mèo, xã Sảng Mộc (Võ Nhai) khá bất ngờ khi được biết những kinh nghiệm của mình đã lạc hậu. Khi tham gia khóa đào tạo nghề do Trung tâm GGNN-GGTX huyện tổ chức năm 2022, ông Tỵ được tiếp thu những kiến thức mới và áp dụng ngay vào vụ sản xuất cam năm nay.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Tỵ cho biết: Tôi đã trồng được trên 500 cây cam sành, cam Vinh, mỗi năm cho thu nhập khoảng 20 triệu đồng/năm. Năm nay, với những kiến thức mới, tôi kỳ vọng cam sẽ có nhiều quả hơn, chất lượng cao hơn và đạt thu nhập trên 25 triệu đồng.
Cùng với ông Tỵ, mỗi năm có trung bình trên 300 nông dân của huyện vùng cao Võ Nhai được tham gia các khóa đào tạo nghề theo nhu cầu do Trung tâm GGNN-GGTX huyện tổ chức. Tính từ năm 2017 đến nay, Trung tâm GDNN-GDTX Võ Nhai đã tổ chức được gần 60 lớp dạy nghề cho trên 1,7 nghìn lao động nông thôn với tổng kinh phí gần 3 tỷ đồng với các ngành nghề chính như: Trồng rừng kinh tế; chăn nuôi gà, lợn, trâu, bò; sửa chữa máy nông nghiệp, trồng rau an toàn, may công nghiệp, sử dụng thuốc thú y…
Từ đầu năm, đến nay, Trung tâm đã tổ chức được 11 khóa đào tạo nghề cho 330 lao động nông thôn với một số nghề như: Trồng và nhân giống nấm, chế biến chè, trồng cây có múi… Kinh phí cho các khóa học lên tới gần 1,4 tỷ đồng từ nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và ngân sách địa phương.
Theo đánh giá của UBND huyện Võ Nhai, qua các khóa học, đã có trên 90% học viên có việc làm và biết vận dụng kiến thức đã học vào thực tế sản xuất, kinh doanh tại địa phương, gia đình. Kết quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn của Trung tâm cũng đóng góp tích cưc nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn. Tính đến nay, huyện Võ Nhai đã có trên 27,1 nghìn lao động qua đào tạo, chiếm 59,58% tổng số lao động. Trong đó, có trên 17,4 nghìn lao động được cấp văn bằng, chứng chỉ, chiếm tỷ lệ 38,22% tổng số lao động, tăng 25,72% so với năm 2011.
Ông Vũ Phong Sơn, Phó giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX Võ Nhai cho biết: Bên cạnh đào tạo tập trung, chúng tôi tổ chức các lớp lưu động tại các xã, xóm… Lao động nông thôn tham gia học nghề được trang bị đầy đủ kiến thức theo ngành nghề đào tạo, được trực tiếp tham gia thực hành, thực tế vận dụng vào sản xuất, được tư vấn nghề nghiệp, tìm kiếm việc làm, hoặc tự tạo việc làm. Với nghề phi nông nghiệp, Trung tâm hợp đồng liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp để đảm bảo việc làm cho học viên sau đào tạo. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng chú trọng điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề, nhu cầu của thị trường lao động, gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm…
Theo ông Sơn, năm 2024, huyện Võ Nhai đặt mục tiêu đào tạo nghề cho 330 lao động nông thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Để thực hiện mục tiêu này, Trung tâm sẽ tiếp tục khảo sát, tổng hợp nhu cầu đào tạo các nghề; tăng cường phối hợp tổ chức các lớp đào tạo nghề gắn với nhu cầu của người lao động và người sử dụng lao động...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin