Liên kết sản xuất thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững

Minh Phương 07:34, 03/10/2023

Đổi mới hình thức tổ chức sản xuất - kinh doanh theo chuỗi giá trị, thúc đẩy hợp tác xã (HTX) phát triển, liên kết chặt chẽ giữa các hộ dân… là những giải pháp được xã Minh Lập (Đồng Hỷ) tập trung thực hiện nhằm phát triển các mô hình kinh tế mới tại địa phương. Thông qua đó, nhiều doanh nghiệp, HTX đã mạnh dạn đầu tư, trở thành “hạt nhân” trong sản xuất nông sản hàng hóa ở địa phương.

Sản phẩm chè của HTX Chè an toàn Nguyên Việt được sản xuất và thu mua tại vùng nguyên liệu chè VietGAP Trại Cài. 
HTX chè an toàn Nguyên Việt thu mua nguyên liệu tại vùng chè VietGAP Trại Cài, xã Minh Lập. 

Điển hình là mô hình liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm của HTX nếp hoa vàng Minh Lập. HTX được thành lập đầu năm 2022, với sự tham gia của 30 thành viên. Sản phẩm chính của HTX là gạo nếp cái hoa vàng được cấp giấy chứng nhận VietGAP. Từ khi HTX đi vào hoạt động đã góp phần giải quyết việc làm, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, nhất là những nông dân thiếu vốn sản xuất.

Ông Lăng Quốc Nhật, Giám đốc HTX nếp hoa vàng Minh Lập, chia sẻ: Thời gian đầu, HTX triển khai mô hình cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa nếp cái hoa vàng theo tiêu chuẩn VietGAP, với diện tích 10ha tại xóm Bình Minh. Trong quá trình sản xuất, người dân được tập huấn về kỹ thuật canh tác lúa, phòng trừ sâu bệnh; đại diện cán bộ xóm bám sát hộ dân, thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn biện pháp chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại, theo dõi các chỉ tiêu đề ra. Đến thời điểm thu hoạch, HTX bao tiêu sản phẩm, không lo tư thương ép giá. Giá trị sản phẩm được nâng cao, thu nhập người dân được đảm bảo. Từ đó, ngày càng có thêm nhiều người dân tin tưởng và tham gia liên kết với chúng tôi. Đến nay, vùng nguyên liệu của HTX đã được mở rộng lên 15ha.

Còn tại xóm Cà Phê, thay vì tư duy "mạnh ai nấy làm", năm 2021, các hộ dân đã liên kết và thành lập HTX chăn nuôi bò BBB (3B) Thanh Bình để cùng giúp nhau về vốn, khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực chăn nuôi và sản xuất giống trâu, bò.

Ông Quách Thanh Bình, Giám đốc HTX chăn nuôi bò BBB, cho biết: Với 32 thành viên, mặc dù hoạt động chưa lâu nhưng HTX đã tích cực hỗ trợ người dân trong xóm cũng như vùng lân cận về con giống, kỹ thuật nuôi, chăm sóc và xuất bán bò thương phẩm. Mục tiêu và chiến lược phát triển của HTX là nhân rộng mô hình, quy mô chăn nuôi bò 3B tại địa phương. Đồng thời, HTX sẽ thu mua và tiêu thụ sản phẩm cho tất cả các hộ chăn nuôi quanh khu vực. Chúng tôi cũng sẽ xây dựng nhà kho, xưởng chế biến thương phẩm, phát triển đa dạng các sản phẩm từ bò 3B và xây dựng khu chăn nuôi, cung ứng thức ăn cho bò, đảm bảo tiêu chuẩn chăn nuôi do Nhà nước quy định và đáp ứng tiêu chuẩn VietGAP.

Trong 2 năm qua, trung bình mỗi năm, HTX chăn nuôi bò BBB đã cung cấp trên 300 con bò giống cho các thành viên; trên 1.000 con bò giống cho các trang trại, hộ dân trong và ngoài tỉnh; xuất sang Trung Quốc 1.000 con. Đối với bò thịt thương phẩm, HTX thu mua lại và xuất cho các lò mổ trên 700 con; xuất sang Trung Quốc 2.000 con. Ngoài ra, HTX còn lai tạo được bò cái 3B F1 sinh sản, F2 sinh sản; đồng thời, tư vấn kỹ thuật chăn nuôi, thú y cho các thành viên và nhiều trang trại trong, ngoài tỉnh.

Cùng với 2 mô hình trên, hiện nay, trên địa bàn xã Minh Lập có tổng cộng 11 HTX, trong đó có 9 HTX về sản xuất và chế biến chè, 2 HTX về chăn nuôi. Các HTX này đóng vai trò “hạt nhân” trong phát triển sản phẩm OCOP của địa phương. Đến nay, Minh Lập có 6 sản phẩm được công nhận OCOP.

Cùng với đó, các vùng sản xuất chuyên canh nông, lâm nghiệp, với những loại cây trồng thế mạnh được quy hoạch tập trung, như: vùng sản xuất chè; vùng trồng lúa; vùng trồng rừng; vùng cây ăn quả; vùng trồng hoa đào... Tại các vùng sản xuất chuyên canh này, ngoài việc diện tích sản xuất được mở rộng và thay thế giống mới, người dân còn tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật và sản xuất theo quy trình VietGAP. Toàn xã hiện có 15ha chè được cấp mã số vùng trồng cho 3 HTX gồm: HTX chè Minh Đeng, HTX chè Nguyên Việt, HTX chè Sáo Thịnh.

Ông Vũ Văn Mác, Chủ tịch UBND xã Minh Lập, cho rằng: Việc liên kết sản xuất này đã khắc phục được nhược điểm của quy mô kinh tế hộ nhỏ lẻ, giúp phát huy lợi thế của kinh tế HTX, tạo ra các mô hình phát triển kinh tế bền vững, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho các hộ dân. Thúc đẩy chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp được xem là giải pháp quan trọng để nâng cao giá trị sản phẩm một cách bền vững. Vì vậy, thời gian tới, xã Minh Lập tiếp tục tập trung chỉ đạo và thực hiện tốt các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể; chú trọng phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng các vùng sản xuất tập trung; ứng dụng cơ giới hóa, nông nghiệp hữu cơ; củng cố và phát triển các chuỗi liên kết hiện có, xây dựng mới các chuỗi liên kết đối với các nhóm sản phẩm chủ lực của địa phương...