Với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, những năm gần đây, đồng bào dân tộc Mông trên địa bàn huyện Võ Nhai đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đẩy mạnh thâm canh nhằm tăng năng suất, hiệu quả kinh tế nông nghiệp. Qua đó nâng cao đời sống, giảm tỷ lệ hộ nghèo tại vùng có đông bà con dân tộc Mông sinh sống.
Anh Phùng Văn Lành, người dân tộc Mông, ở xóm Khuổi Mèo, xã Sảng Mộc (Võ Nhai), kiểm tra vườn cam của gia đình. |
40 tuổi, anh Phùng Văn Lành, người dân tộc Mông, đã là chủ một mô hình kinh tế có quy mô và nguồn thu lớn nhất ở xóm vùng cao Khuổi Mèo, xã Sảng Mộc (Võ Nhai). Hơn 10 năm trước, được sự hỗ trợ của Nhà nước về giống, kỹ thuật, anh Lành đã mạnh dạn đầu tư trồng cây keo lai trên một phần đất đồi trồng cấy không hiệu quả của gia đình. Nhận thấy cây keo phù hợp với đồi đất của gia đình, anh Lành liên tục mở rộng diện tích.
Qua hơn 10 năm, anh Lành đã có hơn 6ha keo lai. Không chỉ phát triển kinh tế rừng, anh Lành còn dành một phần diện tích đồi rừng để trồng hơn 500 gốc cam sành, cam Vinh; một phần diện tích trồng giống ngô cao sản. Từ mô hình kinh tế tổng hợp, mỗi năm, gia đình anh Lành có thu nhập hơn 80 triệu đồng.
Chia sẻ với chúng tôi, anh Lành, nói: Tôi thấy mình may mắn khi nhận được sự hỗ trợ, động viên của chính quyền để tiếp cận với những kỹ thuật mới, đồng thời được hỗ trợ để chuyển đổi cây trồng hiệu quả.
Khuổi Mèo là xóm đặc biệt khó khăn của xã Sảng Mộc, với 120 hộ người dân tộc Mông sinh sống. Tại xóm vùng cao này, câu chuyện về các gia đình, cá nhân mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi tương tự anh Lành đã ngày một phổ biến hơn.
Anh Vương Văn Hình, 32 tuổi, Trưởng xóm Khuổi Mèo, cho biết: Với sự hỗ trợ của Nhà nước, Khuổi Mèo đã có đường bê tông đến xóm, 100% người dân được sử dụng điện lưới Quốc gia, nước sạch hợp vệ sinh. Đặc biệt, chỉ tính trong 5 năm trở lại đây, Khuổi Mèo đã được hỗ trợ trên 1 tỷ đồng để người dân phát triển sản xuất, trọng tâm là thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Đến nay, Khuổi Mèo đã có hàng chục mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hiệu quả, với trên 30ha rừng, gần 10ha cây ăn quả, trên 100 con trâu, bò…; 100% số hộ mua được xe máy, tivi và các thiết bị đắt tiền khác.
Tương tự Khuổi Mèo, khu Lân Thùng, thuộc xóm Đồng Dong, xã Phương Giao, cũng nhận được sự quan tâm của Nhà nước. Tại đây đã có đường bê tông hai làn xe từ xã đến trung tâm xóm; 100% hộ dân được sử dụng điện lưới Quốc gia, nước sạch hợp vệ sinh; 100% người dân được tiếp cận với các ưu đãi của Nhà nước về phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi…
Ông Ngô Văn Xinh, Phó xóm Đồng Dong, phụ trách khu Lân Thùng, chia sẻ: 5 năm gần đây, các cấp, ngành của huyện Võ Nhai đã đầu tư hàng trăm triệu đồng phát triển một số mô hình điểm trồng cây ăn quả như na, nhãn và chăn nuôi gia súc thương phẩm ngay tại xóm để khuyến khích bà con phát triển kinh tế. Đến nay, xóm có 90% số hộ chăn nuôi trâu, bò với quy mô nhỏ, từ 1 đến 3 con, cho thu nhập 10-30 triệu đồng/hộ/năm.
Huyện Võ Nhai có 12 xóm có đông đồng bào dân tộc Mông sinh sống, với tổng số trên 1.400 hộ. Trong đó có gần 990 hộ, với gần 6.300 nhân khẩu người dân tộc Mông, chiếm tỷ lệ 68%. Phần đa các xóm có đông đồng bào người dân tộc Mông sinh sống có tỷ lệ hộ nghèo cao, hạ tầng giao thông, giáo dục, y tế… còn hạn chế.
Trong 5 năm gần đây, bằng nhiều nguồn lực khác nhau, Võ Nhai đã đầu tư hàng chục tỷ đồng hỗ trợ các xóm có đồng bào người dân tộc Mông sinh sống. Cụ thể, hỗ trợ cộng đồng bà con người dân tộc Mông trên 8,2 tỷ đồng triển khai các dự án, mô hình phát triển sản xuất theo hướng khuyến khích chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; hỗ trợ hàng chục tỷ đồng cứng hoá đường bê tông, kênh mương; xây dựng 8 công trình nước sạch cho các xóm có người dân tộc Mông… Kết quả, tính đến nay, gần 50% số hộ người dân tộc Mông có nhà bán kiên cố; 100% hộ dân có thể xem truyền hình, nghe đài phát thanh; 94% số người dân tham gia bảo hiểm y tế…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin