Trên địa bàn huyện Định Hóa có gần 33.680ha rừng, chiếm 64% diện tích đất tự nhiên, trong đó rừng đặc dụng là trên 5.500ha, rừng phòng hộ gần 9.960ha, rừng sản xuất trên 17.900ha. Với diện tích rừng lớn nên từ lâu, phát triển kinh tế đồi rừng đã trở thành hướng đi chính của nhân dân địa phương.
Hiện nay, trồng rừng là hướng phát triển kinh tế chính của nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Định Hóa. Trong ảnh: Người dân xóm Đồng Đình, xã Kim Phượng, kiểm tra rừng quế. Ảnh: T.L |
Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Văn Thắng, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm rừng ATK Định Hóa, cho biết: Diện tích rừng của huyện Định Hóa tập trung ở một số xã phía Bắc, như Tân Dương, Linh Thông, Quy Kỳ, Lam Vĩ… Những năm gần đây, đời sống của bà con trồng rừng sản xuất được nâng lên đáng kể, nhiều hộ đã thoát nghèo, thậm chí làm giàu từ rừng.
Ông Hứa Đình Đại, ở xóm Nà Toàn, gia đình có diện tích rừng lớn nhất xã Lam Vĩ, chia sẻ: Việc phát triển rừng trồng trên địa bàn huyện Định Hóa đã có từ cách đây gần 40 năm. Ban đầu, người dân trồng rừng chủ yếu theo Chương trình phủ xanh đất trống, đồi núi trọc để đổi lấy gạo ăn. Tuy nhiên, khi được Nhà nước giao đất rừng, một số hộ lại không nhận (do thời đó gỗ rừng trồng khó bán), nhưng gia đình tôi vẫn mạnh dạn nhận hơn 10ha.
Sau đó, ông Đại tiếp tục nhận chuyển nhượng của các hộ xung quanh nên hiện nay gia đình có khoảng 50ha rừng, chủ yếu trồng keo, mỡ, bồ đề, cho thu nhập khoảng 500-600 triệu đồng/năm từ tiền bán cây.
Còn ông Phùng Sỹ Khiêm, Trưởng xóm Làng 7, xã Tân Dương, cho biết: Diện tích rừng sản xuất của xóm hơn 300ha, khoảng 95% số hộ dân trong xóm có rừng, nhà nhiều nhất hơn 20ha, ít cũng từ 3-5ha. Hiện nay, trồng rừng đã trở thành hướng phát triển kinh tế chính của người dân. Những gia đình có nhiều cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Trước đây, trồng rừng kinh tế ở các xã phía Bắc của huyện Định Hóa cũng gặp nhiều khó khăn do giao thông chia cắt, đường vào các xóm chủ yếu là đường đất nên vào mùa mưa xe chở gỗ không di chuyển được. Vì vậy, giá bán gỗ rừng trồng rất thấp và khó bán. Đến nay, đường giao thông vào tất cả các xóm đã được đổ bê tông nên giá bán cây tăng lên và mùa nào cũng bán được.
Hộ nào có khoảng 5ha cây rừng trở lên là có thu nhập ổn định và ở mức cao, dao động từ 80-90 triệu đồng/ha/năm đối với cây keo, từ 130-150 triệu đồng/ha đối với cây mỡ, bồ đề. Các hộ thường trồng và thu hoạch gối vụ nên có thu nhập đều hàng năm. Ngoài ra, trong quá trình trồng rừng chỉ mất 2 năm đầu chăm sóc, phát cỏ, từ thời điểm cây rừng được khoảng 3 tuổi thì chủ rừng chỉ cần tỉa cành, chặt tỉa cây bị sâu bệnh.
Xưởng cưa của gia đình ông Ma Ngọc Thanh, ở xóm Hợp Thành, xã Trung Hội (Định Hóa) chủ yếu tiêu thụ nguồn gỗ nguyên liệu từ rừng trồng của bà con nhân dân địa phương. |
Bên cạnh đó, những năm qua, người dân trên địa bàn huyện Định Hóa đã chuyển dần diện tích rừng trồng keo sang trồng quế, với giá trị kinh tế cao hơn rất nhiều so với các loại cây trồng khác, bởi loại cây này phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương.
Từ năm 2015 đến nay, toàn huyện đã trồng được hơn 4.000ha quế, trong đó một số diện tích đã cho thu nhập từ bán lá và cành tươi, với giá 1,5 nghìn đồng/kg, còn vỏ quế tươi được bán với giá 20 nghìn đồng/kg. Huyện phấn đấu đến năm 2030 sẽ có 10.000ha quế và đưa cây trồng này trở thành cây chủ lực trong phát triển kinh tế của huyện.
Việc phát triển rừng gắn với tiêu thụ sản phẩm là giải pháp cần thiết để nâng cao hiệu quả từ rừng trồng cho bà con nhân dân. Vì vậy, thời gian qua, huyện Định Hóa đã khuyến khích nhiều tổ chức, cá nhân và các hợp tác xã đầu tư xây dựng các cơ sở chế biến lâm sản (như gỗ băm, bóc, ván ép...) để tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có của địa phương.
Trên địa bàn huyện Định Hóa hiện có 83 cơ sở chế biến lâm sản, trong đó có 8 doanh nghiệp, 2 hợp tác xã và 73 hộ gia đình. Các cơ sở chế biến lâm sản tiêu thụ hàng trăm nghìn mét khối gỗ/năm, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương.
Ông Ma Ngọc Thanh, ở xóm Hợp Thành, xã Trung Hội, cho biết: Nhận thấy trên địa bàn có diện tích rừng trồng lớn nên gia đình tôi đã vay vốn đầu tư làm xưởng cưa. Việc thu mua gỗ nguyên liệu chủ yếu là ở trong xã và các xã lân cận nên giảm được nhiều chi phí vận chuyển. Hiện nay, xưởng cưa của gia đình tôi hoạt động ổn định, tạo việc làm, thu nhập cho hàng chục lao động địa phương với mức thu nhập bình quân hơn 6 triệu đồng/người/tháng...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin