Huyện Đại Từ hiện có gần 24.000 người cao tuổi (NCT), trong đó có trên 65% NCT còn sức khỏe để tham gia lao động, phát triển kinh tế. Phát huy tinh thần “Tuổi cao - Gương sáng”, nhiều NCT nỗ lực tham gia lao động, sản xuất - kinh doanh để nâng cao thu nhập, tạo việc làm cho nhiều người dân địa phương.
Bà Nguyễn Thị Thái (bên phải), Giám đốc HTX chè Hồng Thái, xã Lục Ba (Đại Từ) vinh dự là một trong 18 cá nhân trong toàn tỉnh được UBND tỉnh tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào “Người cao tuổi làm kinh tế giỏi”. |
Ở xóm Bình Hương, xã Lục Ba, ai cũng bày tỏ sự mến mộ với tinh thần hăng say lao động của bà Nguyễn Thị Thái, 63 tuổi, Giám đốc HTX chè Hồng Thái. Với mong muốn nâng cao chất lượng sản phẩm chè và từng bước tạo dựng thương hiệu, năm 2018, bà Thái đã liên kết với các hộ dân trong vùng để thành lập HTX chè Hồng Thái. Từ 7 thành viên ban đầu, đến nay, HTX đã có 13 thành viên, với vùng nguyên liệu rộng 6ha. Thông qua mô hình HTX, bà Thái đã giúp người dân thay đổi tư duy sản xuất, từng bước nâng cao thu nhập từ nghề làm chè.
Anh Đoàn Ngọc Liệu, xóm Bình Hương, chia sẻ: Từ khi tham gia HTX, chúng tôi được tập huấn về kỹ thuật chăm sóc, chế biến chè, nhất là thực hành sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ đó, chất lượng chè nâng lên. Chúng tôi cũng không còn lo về đầu ra, giá bán được duy trì ổn định ở mức 150-220 nghìn đồng/kg, cao gấp đôi so với trước chưa tham gia HTX.
Đến nay, HTX chè Hồng Thái đã có 5/6ha chè được chứng nhận VietGAP, thị trường tiêu thụ được mở rộng tại nhiều tỉnh, thành phố như: Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Quảng Ninh... Trung bình mỗi năm, HTX xuất bán ra thị trường 5-6 tấn chè búp khô, doanh thu đạt trên 1 tỷ đồng, tạo việc làm cho 5-6 lao động, với mức lương trung bình 7 triệu đồng/người/tháng.
Tương tự bà Thái, ở tuổi 67, ông Trần Xuân Hoan, xóm Tiên Trường, xã Tiên Hội, vẫn hăng say làm kinh tế. Ông chia sẻ: Nhận thấy xã Tiên Hội có nhiều tiềm năng phát triển cây ăn quả, tôi đã vay vốn ngân hàng để trồng các loại cây ăn quả (bưởi, ổi, cam...) với diện tích 9.500m2 và 7.000m2 chè. Gia đình tôi cũng nuôi ong lấy mật và gà thả đồi, sau khi trừ chi phí mỗi năm thu lãi trên 400 triệu đồng...
Theo kinh nghiệm của ông Hoan, chỉ cần mình cần cù, kiên trì, không ngừng học hỏi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nắm bắt diễn biến thị trường thì sẽ thành công với mô hình đã lựa chọn.
Không chỉ bà Thái, ông Hoan, với ý chí tự lực và những kiến thức, kinh nghiệm trong cuộc sống, những năm qua, đông đảo NCT trên địa bàn huyện Đại Từ đã trực tiếp tham lao động, sản xuất - kinh doanh, tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị, làm giàu cho gia đình và góp phần phát triển kinh tế chung của địa phương.
Tiêu biểu như ông Lê Văn Hoan, 76 tuổi, ở xóm Đồng Cà, xã Khôi Kỳ, với mô hình kinh doanh cơ khí cho thu nhập trên 500 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho 5 lao động; ông Nguyễn Đức Tiến, NCT ở thị trấn Hùng Sơn, với mô hình kinh doanh, dịch vụ sửa chữa máy nông nghiệp, đạt doanh thu trên 10 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho 8 lao động... Giai đoạn 2018-2023, toàn huyện Đại Từ có 423 NCT làm kinh tế giỏi, trong đó gần 50 người có mức thu nhập từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/năm.
Không chỉ tích cực tham gia phát triển kinh tế gia đình, hơn 3.000 NCT ở các xã, thị trấn còn được nhân dân tín nhiệm bầu làm bí thư chi bộ, trưởng xóm, trưởng các tổ chức đoàn thể tại địa phương. NCT trên địa bàn huyện đã có nhiều đóng góp và vận động con cháu hiến đất, ủng hộ hàng tỷ đồng xây dựng các công trình công cộng. Nhằm chung sức xây dựng quê hương, NCT còn tích cực chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ vốn... giúp các hội viên NCT và bà con nhân dân nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin