Dựa trên lợi thế về vị trí địa lý, hệ thống giao thông với nhiều tuyến đường quan trọng, có khu công nghiệp lớn trên địa bàn, những năm qua, huyện Phú Bình đã tập trung phát triển thương mại - dịch vụ nhằm nâng cao thu nhập cho nhân dân và góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Trên địa bàn huyện Phú Bình ngày càng xuất hiện nhiều siêu thị, cửa hàng tiện lợi, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. |
Phú Bình nằm ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh. Huyện lỵ Phú Bình cách trung tâm TP. Thái Nguyên hơn 20km, nằm trong quy hoạch vùng Thủ đô Hà Nội. Trên địa bàn huyện có đường vành đai V, Quốc lộ 37 và 68km tỉnh lộ đi qua. Các tuyến đường này góp phần kết nối huyện Phú Bình với các vùng kinh tế trọng điểm trong và ngoài tỉnh. Cùng với đó, trên địa bàn huyện có Khu công nghiệp Điềm Thụy với hàng chục nghìn lao động đang làm việc. Đây là tiềm năng để huyện khai thác, phát triển thương mại - dịch vụ.
Phát huy lợi thế sẵn có, UBND huyện đã huy động các nguồn lực để đầu tư nâng cấp, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông và hạ tầng thương mại. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, giao thương hàng hóa và phát triển dịch vụ, kinh doanh. Từ năm 2021 đến nay, huyện đã đầu tư xây dựng, sửa chữa khoảng 233km đường giao thông và cải tạo, xây mới 6 cây cầu, với tổng mức đầu tư khoảng 1.109 tỷ đồng.
Về hạ tầng thương mại, chỉ tính riêng năm 2022, UBND huyện đã phân bổ kinh phí nâng cấp chợ Đình và chợ Cầu Mây (xã Xuân Phương). Năm 2023, huyện đầu tư nâng cấp một số hạng mục tại chợ Đồn, xã Kha Sơn và chợ Tân Khánh, xã Tân Khánh. Dự kiến, các dự án sẽ triển khai thi công vào tháng 12 tới.
Cùng với đó, huyện đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp nhằm thu hút công nhân đến làm việc, sinh sống trên địa bàn. Điều này giúp tăng sức mua và mở ra cơ hội việc làm trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ cho một lượng lớn lao động.
Cụ thể, chỉ tính riêng Khu công nghiệp Điềm Thụy đã thu hút được 70 dự án đầu tư, tạo việc làm cho trên 17.500 lao động. Từ đó kéo theo sự phát triển đa dạng các loại hình kinh doanh dịch vụ như: nhà trọ, hàng tạp hóa, cửa hàng kinh doanh ăn uống, giải trí... Qua thống kê, chỉ riêng xã Điềm Thụy có trên 200 hộ kinh doanh thương mại - dịch vụ...
Để thúc đẩy thương mại - dịch vụ, UBND huyện cũng phối hợp thực hiện tốt việc quản lý, kiểm soát thị trường nhằm ngăn chặn hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại. Trong năm 2023, các cơ quan chức năng đã tổ chức kiểm tra trên 890 vụ việc. Trong đó, lập hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính trên 101 vụ việc; truy tố hình sự 38 vụ việc vi phạm về hoạt động thương mại.
Nhờ những giải pháp đồng bộ, hoạt động thương mại - dịch vụ của huyện ngày càng phát triển. Toàn huyện hiện có gần 9.500 cơ sở kinh tế cá thể phi nông, lâm, thủy sản (tăng gần 200 cơ sở so với năm 2018). Năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội trên địa bàn dự ước đạt trên 2.900 tỷ đồng (tăng hơn 450 tỷ đồng so với năm 2022); giá trị sản xuất ngành Thương mại - dịch vụ chủ yếu dự ước đạt gần 980 tỷ đồng (tăng 88,8 tỷ đồng).
Theo ông Dương Thanh Tùng, Phó phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Phú Bình: Phát huy những lợi thế sẵn có, thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh thu hút nhà đầu tư xây dựng các trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn; ưu tiên nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng thương mại và nâng cấp chợ truyền thống. Đồng thời, tăng cường phối hợp liên ngành trong công tác kiểm tra, giám sát chất lượng hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm... để bảo vệ các cơ sở sản xuất, kinh doanh chân chính cũng như đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin