Phú Bình - đích đến thị xã không còn xa

Thúy Hằng - Mạnh Hùng 18:16, 12/11/2023

Với sự nỗ lực, quyết tâm cao, sau nửa nhiệm kỳ thực hiện nghị quyết đại hội đảng các cấp, Phú Bình đã đạt được những kết quả ấn tượng, nổi bật nhất là huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Phát huy lợi thế là một cực tăng trưởng phía Nam của tỉnh, trong nửa nhiệm kỳ còn lại, Phú Bình tiếp tục khai thác mọi nguồn lực đầu tư phát triển đô thị, phấn đấu trở thành thị xã trước năm 2030.

Dự án Khu đô thị số 12 - Danko River đã được hoàn thành giải phóng mặt bằng trên 90% diện tích.
Dự án Khu đô thị số 12 - Danko River đã được hoàn thành giải phóng mặt bằng trên 90% diện tích.

Tạo tiền đề vững chắc

Phú Bình nằm ở cửa ngõ phía Nam của tỉnh, có hệ thống giao thông thuận lợi cho giao thương, phát triển kinh tế và thu hút đầu tư. Theo quy hoạch, cùng với TP. Sông Công và TP. Phổ Yên, Phú Bình hợp thành khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, có tầm ảnh hưởng quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Để đưa Phú Bình cơ bản đạt tiêu chuẩn thị xã vào năm 2025 và trở thành thị xã trước năm 2030, ngày 31/5/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU về xây dựng, phát triển huyện Phú Bình giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Bám sát mục tiêu Nghị quyết số 03 của Tỉnh ủy và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Phú Bình đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, cùng cách làm sáng tạo của cấp ủy, chính quyền để phát huy sức mạnh đoàn kết, chung sức đồng lòng của nhân dân thực hiện thắng lợi mục tiêu đưa huyện đạt chuẩn NTM.

Ông Nguyễn Thế Hoành, Trưởng xóm Trung 1, xã Điềm Thụy: Những năm qua, huyện đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, tạo nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Nhờ vậy, kinh tế - xã hội của xã và huyện phát triển nhanh.
Ông Nguyễn Thế Hoành, Trưởng xóm Trung 1, xã Điềm Thụy: Những năm qua, huyện đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, tạo nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Nhờ vậy, kinh tế - xã hội của xã và huyện phát triển nhanh.

Trong quá trình xây dựng NTN, huyện Phú Bình đã huy động được gần 5.500 tỷ đồng, đầu tư xây dựng trên 900km đường giao thông nông thôn, gần 1.000 phòng học… đời sống nhân dân ngày càng khởi sắc; thu nhập bình quân đầu người đạt gần 70 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5,69% (giảm hơn 19% so với năm 2011). 100% xã đã đạt chuẩn NTM; 5/19 xã đạt chuẩn NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025. Với quyết tâm vượt bậc, huyện Phú Bình đã đạt chuẩn NTM năm 2022, tạo cơ sở vững bước trở thành thị xã.

Khu dân cư số 2 Phú Bình.
Khu dân cư số 2 Phú Bình.

Cải thiện môi trường đầu tư

Trong tiến trình phấn đấu đạt tiêu chuẩn của thị xã, Phú Bình đã tập trung huy động mọi nguồn lực để từng bước xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, mở rộng không gian đô thị. Theo đó, huyện đã công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, tạo thuận lợi, công bằng, bình đẳng, minh bạch trong tiếp cận đất đai, mặt bằng kinh doanh, tìm kiếm cơ hội đầu tư trên địa bàn.

Với quan điểm đồng hành cùng doanh nghiệp, định kỳ hằng năm, UBND huyện tổ chức đối thoại với các doanh nghiệp đang triển khai dự án trên địa bàn, để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh trên địa bàn.

UBND huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn chủ động khảo sát, nắm bắt, ghi nhận, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc và đề xuất của doanh nghiệp tập trung giải quyết. Đồng thời cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi, đặc biệt là về thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng (GPMB).

Để triển khai các dự án đúng tiến độ, công tác GPMT có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Ông Dương Đại Đồng, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện, cho biết: Chúng tôi tập trung cao độ tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện trong công tác bồi thường, GPMB, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, đúng quy định của pháp luật, tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Các dự án lớn như: Đường vành đai V, đường liên kết, tỉnh lộ, các khu, cụm công nghiệp, khu đô thị, khu dân cư được quan tâm GPMB, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư. Vì vậy, các dự án trên địa bàn huyện cơ bản được triển khai đồng bộ, đúng kế hoạch.

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng Phòng GPMB Dự án Danko River Phú Bình: Đây là dự án thứ 3 Tập đoàn Danko đầu tư trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Đối với Phú Bình, xu hướng đô thị hóa, công nghiệp hóa đang phát triển mạnh. Vì thế, Tập đoàn quyết định đầu tư Khu đô thị với các loại hình bất động sản gồm shophouse, nhà liền kề, cùng đầy đủ tiện ích như trung tâm thương mại, phố đi bộ, công viên…
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng Phòng GPMB Dự án Danko River Phú Bình: Đây là dự án thứ 3 Tập đoàn Danko đầu tư trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Đối với Phú Bình, xu hướng đô thị hóa, công nghiệp hóa đang phát triển mạnh. Vì thế, Tập đoàn quyết định đầu tư Khu đô thị với các loại hình bất động sản gồm shophouse, nhà liền kề, cùng đầy đủ tiện ích như trung tâm thương mại, phố đi bộ, công viên…

Đúng như khẳng định của ông Dương Đại Đồng, có mặt tại Dự án Danko River - Khu đô thị số 12, thị trấn Hương Sơn, chúng tôi nhận thấy công tác GPMB được chỉ đạo rất quyết liệt. Dự án được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư ngày 25/12/2021; ngày 1/7/2022, UBND tỉnh chấp thuận cho Công ty CP Tập đoàn Suntimes là nhà đầu tư thực hiện. Trong khoảng thời giai ngắn, 9,56ha dự án đã được hoàn thành GPMB trên 90%. Trong số 127 hộ ảnh hưởng, có 11 hộ có đất ở, 8 hộ được tái định cư tại chỗ.

Cùng với 34 dự án khu dân cư, khu đô thị, điểm dân cư đã được lập quy hoạch chi tiết trên địa bàn, Dự án Khu đô thị số 12 - Danko River hoàn thành sẽ là một trong những khu đô thị kiểu mẫu, có kiến trúc mang phong cách châu Âu tân cổ điển cùng với cảnh quan, dịch vụ tiện ích, hiện đại, thông minh… sẽ góp phần thay đổi diện mạo đô thị địa phương. Các dự án được triển khai sẽ tạo “đòn bẩy” tích cực để Phú Bình trở thành điểm đến lý tưởng của nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Đường vành đai V hoàn thành góp phần thúc đẩy tiến độ xây dựng hạ tầng Cụm công nghiệp Bảo Lý - Xuân Phương và Cụm công nghiệp Hạnh Phúc - Xuân Phương.
Đường vành đai V hoàn thành góp phần thúc đẩy tiến độ xây dựng hạ tầng Cụm công nghiệp Bảo Lý - Xuân Phương và Cụm công nghiệp Hạnh Phúc - Xuân Phương.

Huy động mọi nguồn lực

Một trong những khâu đột phá để sớm đưa huyện Phú Bình trở thành thị xã là địa phương tập trung phát triển công nghiệp. Đến nay, Phú Bình đã được tỉnh quy hoạch 6 khu công nghiệp và 8 cụm công nghiệp với tổng diện tích gần 2.000ha; trong đó Khu công nghiệp Điềm Thụy (phần diện tích thuộc huyện Phú Bình 220ha) đã thu hút được 60 dự án, tạo việc làm cho hơn 16.000 lao động; Cụm công nghiệp Kha Sơn diện tích 11,4ha đã đi vào hoạt động; 3 cụm công nghiệp khác đã lựa chọn được nhà đầu tư.

Hiện nay, huyện đang tiến hành GPMB Cụm công nghiệp Điềm Thụy quy mô 44ha, Cụm công nghiệp Bảo Lý - Xuân Phương quy mô gần 27ha, Cụm công nghiệp Hạnh Phúc - Xuân Phương gần 74ha...

Bà Nguyễn Thị Loan, Bí thư Huyện ủy Phú Bình: Huyện được xác định là một trong những cực tăng trưởng phía Nam của tỉnh. Quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng huyện đã xác định được khu vực phát triển công nghiệp, các khu dân cư, khu đô thị trên địa bàn. Các khu, cụm công nghiệp, khu dân cư, khu đô thị được hình thành là yếu tố quan trọng để sớm đưa Phú Bình trở thành thị xã.
Bà Nguyễn Thị Loan, Bí thư Huyện ủy Phú Bình: Huyện được xác định là một trong những cực tăng trưởng phía Nam của tỉnh. Quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng huyện đã xác định được khu vực phát triển công nghiệp, các khu dân cư, khu đô thị trên địa bàn. Các khu, cụm công nghiệp, khu dân cư, khu đô thị được hình thành là yếu tố quan trọng để sớm đưa Phú Bình trở thành thị xã.

Bà Nguyễn Thị Loan, Bí thư Huyện ủy Phú Bình, khẳng định: Sau khi Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU, Ban Thường vụ Huyện ủy đã xây dựng kế hoạch, chương trình hành động để thực hiện. Huyện ủy giao UBND huyện và các cơ quan chuyên môn rà soát các tiêu chí để trở thành đô thị Phú Bình. Trong những năm qua, huyện đã tập trung các nguồn lực hoàn thành nhiều tiêu chí trong chương trình phát triển đô thị, trọng tâm là hạ tầng đô thị, phấn đấu 11 xã trở thành phường. Song song với đó, huyện cũng chỉ đạo các xã tập trung xây dựng NTM nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí trở thành đô thị.

Huyện Phú Bình cũng quan tâm đầu tư, cải tạo, nâng cấp các chợ trên địa bàn, quy hoạch chợ đầu mối Điềm Thụy với quy mô 20ha, thu hút đầu tư xây dựng một số trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích nhằm thúc đẩy phát triển thương mại - dịch vụ.

Cụm công nghiệp Bảo Lý - Xuân Phương quy mô gần 27ha, có tổng mức đầu tư 182,5 tỷ đồng, sau khi đi vào hoạt động sẽ ưu tiên thu hút dự án công nghệ cao.
Cụm công nghiệp Bảo Lý - Xuân Phương quy mô gần 27ha, có tổng mức đầu tư 182,5 tỷ đồng, sau khi đi vào hoạt động sẽ ưu tiên thu hút dự án công nghệ cao.

Về cơ bản, các xã phấn đấu lên phường đã đạt từ 10 đến 17/18 tiêu chuẩn trở thành phường. Huyện tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện các tiêu chuẩn chưa đạt, trong đó có vấn đề cân đối thu chi ngân sách, xử lý nước thải, rác thải... Huyện ưu tiên đầu tư xây dựng và nâng cấp các công trình trọng điểm, tuyến đường huyện, liên xã, hệ thống chiếu sáng, thoát nước.

Đến thời điểm này, trong số 5 tiêu chuẩn của thị xã, Phú Bình đã đạt 2 tiêu chuẩn về quy mô dân số và diện tích tự nhiên. Để đẩy nhanh tốc độ, sớm “về đích” trở thành thị xã, huyện đang tập trung thu hút đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, phấn đấu xây dựng huyện đạt đô thị loại IV vào năm 2024, cơ bản đạt tiêu chuẩn thị xã vào năm 2025.

Huyện Phú Bình đã cơ bản đạt 3/5 tiêu chí đô thị loại IV, gồm: Vị trí, chức năng, cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội; quy mô dân số (yêu cầu trên 100.000 người, huyện đã đạt trên 165.000 người); tỷ lệ lao động phi nông nghiệp đạt từ 55-65% (huyện đạt 60,5%). Còn 2 tiêu chí chưa đạt gồm: Mật độ dân số toàn đô thị (yêu cầu của tiêu chí từ 1.200-1.400 người/km2, huyện hiện đạt 686 người/km2); trình độ phát triển cơ sở hạ tầng và kiến trúc, cảnh quan đô thị.

Theo chỉ tiêu đánh giá tiêu chuẩn đô thị loại IV, huyện Phú Bình đạt 44/63 chỉ tiêu. Đối với các tiêu chuẩn trở thành thị xã, địa phương đạt 2/5 tiêu chuẩn, còn 3 tiêu chuẩn chưa đạt là: Đơn vị hành chính trực thuộc; được công nhận là đô thị loại IV; đạt tiêu chuẩn về cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội.