Hướng đến mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững, thời gian qua, huyện Phú Bình đã tích cực hướng dẫn, hỗ trợ nông dân và các HTX nông nghiệp xây dựng mã số vùng trồng. Giải pháp này không chỉ giúp bà con nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất mà còn góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ cho nông sản địa phương.
Vùng trồng lúa nếp Thầu Dầu đạt tiêu chuẩn VietGAP của HTX dịch vụ nông nghiệp Hồng Kỳ, xã Úc Kỳ (Phú Bình). |
Xác định được tầm quan trọng và những lợi ích của mã số vùng trồng mang lại cho người sản xuất và tiêu dùng, thời gian qua, UBND huyện Phú Bình đã chỉ đạo các xã, thị trấn xác định sản phẩm nông nghiệp chủ lực để quy hoạch, phát triển vùng sản xuất nông sản chất lượng cao.
Thông qua đó, trên địa bàn huyện đã hình thành được một số vùng sản xuất tập trung, nổi bật như: Vùng sản xuất lúa nếp Thầu Dầu tại các xã Úc Kỳ, Xuân Phương, Bảo Lý, Nhã Lộng, Nga My; vùng sản xuất lúa J02 tại xã Tân Đức, Lương Phú, Dương Thành, Thanh Ninh; vùng sản xuất rau màu tại xã Nhã Lộng, Lương Phú, Tân Đức, Dương Thành, Thanh Ninh...
Trên cơ sở những vùng sản xuất được quy hoạch, căn cứ vào kế hoạch xây dựng xã nông thôn mới nâng cao và năng lực sản xuất của các HTX, nhóm hộ nông dân, từ năm 2022 đến nay, UBND huyện đã phân bổ trên 700 triệu đồng để thực hiện các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm lúa gạo tại nhiều HTX ở các xã: Tân Khánh, Dương Thành, Thanh Ninh, Thượng Đình, Hà Châu, Tân Đức, Lương Phú, Úc Kỳ, Xuân Phương.
Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ giá vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, bao bì, nhãn mác sản phẩm, lắp biển vùng sản xuất trên cánh đồng tập trung. Bên cạnh hỗ trợ vật tư sản xuất, cơ quan chuyên môn đặc biệt chú trọng mở các lớp tập huấn để tuyên truyền, hướng dẫn bà con nông dân về quy trình sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP; khuyến cáo bà con sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng của cây trồng, đảm bảo đúng quy định, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.
Sản phẩm gạo J02 của HTX dịch vụ nông nghiệp Ngọc Hiền, xã Tân Đức (Phú Bình) được tiêu thụ trên thị trường trong và ngoài tỉnh. |
Từ những giải pháp nêu trên, đến nay toàn huyện đã được cấp 9 mã số vùng trồng tại các xã: Tân Đức, Thanh Ninh, Dương Thành, Lương Phú, Hà Châu, Thượng Đình, Tân Khánh, Úc Kỳ, Xuân Phương, với tổng diện tích lúa tại các vùng trồng là 44,66ha. Với việc được cấp mã số vùng trồng giúp bà con nông dân chuẩn hóa quy trình chăm sóc và quản lý cây trồng, nâng cao khả năng cạnh tranh và mở rộng thị trường tiêu thụ.
Nổi bật như tại HTX dịch vụ nông nghiệp Hồng Kỳ, xã Úc Kỳ, được sự hỗ trợ của Nhà nước trong xây dựng mã số vùng trồng, HTX đã liên kết và vận động được 91 hộ dân tham gia quy trình sản xuất lúa gạo theo tiêu chuẩn VietGAP. Toàn bộ quá trình chăm sóc lúa được kiểm soát chặt chẽ, ghi trong sổ sách của nông hộ. Nhờ đó, đến cuối năm 2022, Cục Bảo vệ thực vật đã cấp mã số vùng trồng cho sản phẩm lúa của HTX với diện tích 9,83ha.
Ông Dương Văn Duy, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Hồng Kỳ, cho biết: Trước kia, sản phẩm gạo nếp Thầu Dầu và tương nếp của HTX rất khó cạnh tranh trên thị trường, chủ yếu chỉ bán lẻ và kết nối tiêu thụ với một số cửa hàng nông sản sạch trong tỉnh. Kể từ khi được cấp mã số vùng trồng, chất lượng sản phẩm của chúng tôi đã được chứng minh, tạo niềm tin với người tiêu dùng.
Nhờ vậy, đến nay HTX dịch vụ nông nghiệp Hồng Kỳ đã kết nối cung ứng sản phẩm cho nhiều siêu thị lớn trên địa bàn tỉnh (như: GO!, Aloha, Minh Cầu). Mới đây, một số công ty thương mại ở Hà Nội đã kết nối với HTX để nhập sản phẩm. Từ đầu năm đến nay, HTX đã xuất bán được 12 nghìn lít tương (tăng 3 nghìn lít so với cả năm 2021) và 55 tấn gạo nếp Thầu Dầu (tăng 15 tấn).
Bà Trần Thị Tuyên, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Bình, cho biết: Mã số vùng trồng được ví như “giấy thông hành” để nông sản có thể được kết nối tiêu thụ ở thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu chính ngạch ra thị trường quốc tế. Với lợi ích đó, thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng mã số vùng trồng tại các xã có kế hoạch về đích nông thôn mới nâng cao; tổ chức chương trình xúc tiến, kết nối tiêu thụ các sản phẩm chủ lực, đặc biệt là những sản phẩm đã có mã số vùng trồng; tăng cường tuyên truyền để bà con nông dân và các HTX nâng cao ý thức trong việc thực hiện quy trình sản xuất sản phẩm an toàn...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin