Hỗ trợ nông dân kinh doanh trực tuyến hiệu quả

Vũ Công 16:20, 02/01/2024

Trong thời đại công nghệ, hình thức livestream bán nông sản không chỉ thúc đẩy doanh số bán hàng mà còn góp phần giải quyết bài toán đầu ra của sản phẩm cho bà con nông dân. Nhằm khai thác tối đa các nền tảng số, ngành Nông nghiệp tỉnh đã triển khai nhiều chương trình giúp bà con nông dân trở thành những người livestream bán nông sản do chính mình làm ra.

Các nhóm bán hàng livestream bán sản phẩm na Võ Nhai và nông sản Thái Nguyên trên nền tảng mạng xã hội. Ảnh: T.L
Các nhóm bán hàng livestream bán sản phẩm na Võ Nhai và nông sản Thái Nguyên trên nền tảng mạng xã hội. Ảnh: T.L

Thời gian gần đây, việc mời các tiktoker, streamer có đông lượng người theo dõi để cùng nông dân bán các sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh thông qua hình thức livestream đã mang lại hiệu quả thiết thực. Đơn cử như tại chương trình livestream Phiên chợ na La Hiên và nông sản, sản phẩm OCOP, được tổ chức tháng 8-2023, chỉ sau 4 giờ livestream, các chủ thể đã bán được gần 2.000 đơn hàng. Hay tại Phiên chợ xúc tiến, tiêu thụ sản phẩm miến dong Việt Cường, bà con đã bán được 1.500 sản phẩm sau 4 tiếng livestream...

Hiệu quả là vậy nhưng đối với nhiều chủ thể có sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu trên địa bàn tỉnh, việc livestream bán hàng vẫn còn tương đối mới mẻ. Ông Phạm Văn Tiến, Giám đốc Hợp tác xã trà Cao Sơn (xã Bình Sơn, TP. Sông Công) chia sẻ: Chúng tôi hiện sản xuất các loại chè đinh, tôm nõn, móc câu, hương sen, bột trà xanh, trong đó có 5 sản phẩm OCOP. Mặc dù đã được nghe, xem nhiều người bán hàng qua các nền tảng trực tuyến như Zalo, Facebook, Tiktok nhưng các thành viên trong Hợp tác xã lại chưa thử bao giờ. Bởi không ai biết bắt đầu từ đâu và bán như thế nào cho hiệu quả.

Còn theo anh Đinh Xuân Hưởng, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Chế biến nông sản Đức Nam (xã Vạn Phái, TP. Phổ Yên): Trung bình mỗi tháng, Công ty sản xuất 5.000-6.000 lít dầu thực vật. Sản phẩm của chúng tôi chủ yếu được đưa vào một số siêu thị và các cửa hàng kinh doanh. Với mong muốn mở rộng thị trường và quảng bá sản phẩm, chúng tôi cũng tự mày mò làm thương mại điện tử, livestream bán hàng nhưng gặp rất nhiều khó khăn, vì chưa thực sự hiểu các nền tảng công nghệ cũng như không có kinh nghiệm.

Hiện nay, chị Hoàng Thị Tân (ngoài cùng bên phải), Giám đốc Hợp tác xã Tâm Trà Thái (TP. Thái Nguyên) đã có thể tự mình tổ chức một buổi livestream bán hàng.
Hiện nay, chị Hoàng Thị Tân (ngoài cùng bên phải), Giám đốc Hợp tác xã Tâm Trà Thái (TP. Thái Nguyên) đã có thể tự mình tổ chức một buổi livestream bán hàng.

Với mong muốn giúp người nông dân nói chung và các chủ thể OCOP, sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh nói riêng tự mình dẫn dắt livestream để bán các loại hàng hóa nông sản, thời gian qua, ngành Nông nghiệp đã đẩy mạnh tập huấn, đào tạo để nâng cao kiến thức cho người sản xuất về tiêu thụ nông sản thông qua hình thức livestream. 

Ông Trần Nho Hưởng, Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh, cho biết: Đơn vị đã nhiều lần mời đại diện Tiktok Việt Nam và các các tiktoker về dẫn dắt, hướng dẫn các hợp tác xã, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp bán hàng nông sản thông qua livestream. Khi tham gia tập huấn, ngoài việc được trực tiếp xem các tiktoker bán hàng qua hình thức livestream, đại diện các hợp tác xã, doanh nghiệp còn được nghe chia sẻ về tiềm năng của kinh doanh online; cách tạo tài khoản, lập kênh, lập gian hàng; cách vận hành một phiên livestream; những sản phẩm được bán, không được bán, các từ khóa cần tránh....

Với sự đồng hành của ngành Nông nghiệp, đến nay, nhiều hợp tác xã, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tự mình tổ chức các buổi livestream. Có đơn vị đã xây dựng được phòng livestream riêng, như các hợp tác xã: chè Hảo Đạt, miến Việt Cường, Tâm Trà Thái, chè La Bằng...

Từ thực tế có thể thấy, việc livestream bán sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu trên nền tảng mạng xã hội được xem là bước đi tất yếu, không chỉ góp phần mở rộng thị trường, giải quyết bài toán đầu ra cho nông sản mà từ đó còn xây dựng hình ảnh và nâng tầm giá trị thương hiệu nông sản, sản phẩm đặc trưng của tỉnh.