Là xã miền núi còn nhiều khó khăn của huyện Đại Từ, nhưng trong những năm gần đây, Đảng bộ xã Phúc Lương đã tập trung lãnh đạo nhân dân phát triển kinh tế và đạt được một số kết quả tích cực. Qua đó ghi dấu nhiều thành tựu trên chặng đường phát triển, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn vùng khó.
Hiện nay, 100% các tuyến đường trục xã, xóm ở xã Phúc Lương (Đại Từ) đã được cứng hóa. |
Đồng chí Triệu Quang Hưởng, Bí thư Đảng uỷ xã Phúc Lương, cho biết: Xã hiện có gần 1.200 hộ dân, với 5.000 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số (chủ yếu là dân tộc Tày) chiếm trên 90%. Xác định nâng cao thu nhập cho người dân là nhiệm vụ trọng tâm, Đảng bộ, chính quyền xã đã lãnh đạo, chỉ đạo các xóm đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao giá trị; hỗ trợ người dân vay vốn ưu đãi để đầu tư sản xuất, vươn lên thoát nghèo...
Toàn xã hiện có 14 tổ tiết kiệm và vay vốn, cho 582 hộ vay, dư nợ đạt gần 28 tỷ đồng, không có nợ quá hạn. Năm 2023, xã phối hợp với cơ quan chuyên môn của huyện Đại Từ mở phiên giao dịch việc làm tại địa phương. Thông qua phiên giao dịch, có 85 người được tìm được việc làm mới, 5 người tham gia xuất khẩu lao động.
Ngoài ra, xã còn phối hợp tổ chức lớp dạy nghề dành cho lao động nông thôn, với 90 học viên tham gia; phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, đào tạo nghề cho bà con... Với 246ha đất dành cho sản xuất chè, 2 năm qua, xã đã phối hợp hướng dẫn người dân thành lập 4 tổ hợp tác sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP, quy mô 20ha. Năm 2023, sản lượng chè búp tươi trên địa bàn xã đạt gần 2.700 tấn (tương đương năm 2022).
Chị Dương Thị Thắm, ở xóm Cầu Tuất, cho hay: Gia đình tôi hiện có 4 sào chè giống LDP1. Đầu năm 2023, được sự hướng dẫn của cán bộ chuyên môn, tôi đã sản xuất chè theo hướng VietGAP, sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật thảo mộc… Nhờ đó, giá bán chè búp tươi đạt 30-35 nghìn đồng/kg, cao hơn từ 8-10 nghìn đồng/kg so với trước đây. Trung bình mỗi năm, tôi thu hái 7 lứa chè, có thêm thu nhập gần 100 triệu đồng.
Người dân xã Phúc Lương thu hái chè vụ đông. |
Bên cạnh đó, với 131ha đất lâm nghiệp, xã Phúc Lương đã tuyên truyền, vận động người dân phủ xanh toàn bộ diện tích đất rừng còn trống. Trong năm 2022 và 2023, nhân dân địa phương đã trồng mới được 53ha rừng; sản lượng khai thác lâm sản đạt trên 3.700m3 gỗ các loại... Với những giải pháp tổng thể trong phát triển kinh tế, năm 2023, thu nhập bình quân của nhân dân xã Phúc Lương đạt 42 triệu đồng/người/năm (tăng 3 triệu đồng so với năm 2022); số hộ nghèo giảm còn 53 hộ (giảm 35 hộ so với năm 2022).
Song song với phát triển kinh tế, thực hiện Nghị quyết của Huyện ủy Đại Từ về “Mở rộng đường xóm 6m”, xã Phúc Lương đã vận động nhân dân ở 10/10 xóm tham gia mở rộng, nâng cấp các tuyến đường. Cùng với sự hỗ trợ xi măng của Nhà nước, tính từ năm 2020 đến nay, xã đã tuyên truyền, vận động hàng trăm hộ dân hiến trên 30.000m2 đất để xây dựng 10,5km đường trục chính của xã và khoảng 10km đường trục xóm, liên xóm. Đến nay, 100% các tuyến đường trên địa bàn xã đã được cứng hóa, đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương của người dân, đảm bảo tiêu chí nông thôn mới...
Phát huy những kết quả đạt được, xã Phúc Lương đang nỗ lực nâng cao chất lượng các tiêu chí, với mục tiêu phấn đấu trở thành xã nông thôn mới nâng cao vào năm 2025.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin