Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng ngay từ những ngày đầu Xuân Giáp Thìn 2024, không khí lao động sản xuất tại các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu trên địa bàn tỉnh đã diễn ra khá sôi động. Nhiều DN đã ký kết được các đơn hàng xuất khẩu đến hết quý I, thậm chí là quý II, quý III năm nay.
Sản xuất dây điện cao áp cho xe ô tô tại Công ty TNHH Hansol Harness Vina (Khu công nghiệp Sông Công II). |
Đến thăm nhà máy của Công ty TNHH Hansol Harness Vina (viết tắt là Hansol Harness Vina) tại Khu công nghiệp (KCN) Sông Công II dịp đầu xuân Giáp Thìn 2024, chúng tôi chứng kiến các công nhân của đơn vị đang hối hả làm việc để bảo đảm tiến độ giao đơn hàng sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Hansol Harness Vina là DN chuyên sản xuất dây điện cao áp cho xe ô tô của các hãng nổi tiếng như KiA, Hyundai... Năm 2024, Công ty đặt mục tiêu sản xuất và tiêu thụ 4,6 triệu sản phẩm. Đến thời điểm này, Công ty đã ký được các đơn hàng đến hết tháng 4-2024 với sản lượng trung bình từ 340-390 nghìn sản phẩm/tháng, tương ứng khoảng 70% công suất thiết kế của nhà máy. Theo bà Bùi Thị Lan, Kế toán trưởng của Hansol Harness Vina: Để đáp ứng số lượng đơn hàng phục vụ nhu cầu của thị trường, Công ty đang duy trì hơn 300 người lao động, đồng thời tăng ca, kíp làm việc mỗi ngày.
Tại một số DN có vốn đầu tư nước ngoài khác như Công ty TNHH Dowooinsys Vina ở KCN Sông Công II (đơn vị chuyên sản xuất, lắp ráp, gia công các linh kiện điện tử) cũng đã ký được các đơn hàng xuất khẩu đến hết tháng 9 năm nay. Hay như Công ty TNHH Samju Vina ở KCN Điềm Thụy (100% vốn đầu tư của Hàn Quốc) - chuyên sản xuất băng, phim, xốp có tác dụng lót, đệm, chống thấm, giảm chấn, cách nhiệt, cách điện, bảo vệ màn hình và các phụ kiện cho xe ô tô, điện thoại di dộng và các thiết bị điện tử... cũng đang tập trung sản xuất các đơn hàng trong quý I-2024. Được biết, năm nay, Công ty phấn đấu sản xuất khoảng 600 triệu sản phẩm, tương đương doanh thu đạt hơn 3.000 tỷ đồng và nộp ngân sách Nhà nước 50 tỷ đồng.
Cũng với khối DN có vốn đầu tư nước ngoài, hoạt động xuất khẩu các DN trong nước có những chuyển biến tích cực ngay từ những tháng đầu năm. Trong đó, tập trung vào một số mặt hàng chính như: May, giấy và các sản phẩm từ giấy, tinh quặng màu và tinh quặng kim loại...
May hàng xuất khẩu sang các nước Mỹ, Pháp.... tại Nhà máy TNG Sơn Cẩm (thuộc Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG). |
Theo đánh giá của ngành chuyên môn, sở dĩ, hoạt động xuất khẩu những tháng đầu năm chuyển biến tích cực là do kinh tế toàn cầu dần hồi phục, đơn hàng xuất khẩu được cải thiện kể từ quý IV-2023. Bên cạnh đó, nhiều DN chủ động tiếp cận thêm một số thị trường mới như châu Á, Đông Nam Á…, cơ cấu lại, đa dạng hóa các sản phẩm, mặt hàng. Mặc dù vậy, theo đại diện nhiều DN, hoạt động xuất nhập khẩu trong năm 2024 vẫn đối diện với nhiều rủi ro và khó đoán định do xu hướng bảo hộ thương mại xuất hiện nhiều hơn, nhiều nước có các biện pháp đưa đầu tư về trong nước, dựng nên các rào cản thương mại để bảo vệ, thúc đẩy sản xuất trong nước. Các thị trường phát triển như Liên minh châu Âu (EU) đang rất chú trọng đến phát triển bền vững. Ngoài ra, tình trạng căng thẳng gần đây ở khu vực Biển Đỏ khiến các tuyến tàu phải đổi hướng cũng làm gia tăng thời gian và chi phí cho DN xuất nhập khẩu...
Trước bối cảnh này, năm nay, phần lớn các DN xuất khẩu trên địa bàn tỉnh đề ra mục tiêu đạt sản lượng, doanh thu tương đương so với năm trước hoặc tăng trưởng ở mức khiêm tốn. Để duy trì nhịp tăng trưởng, các đơn vị cũng đề ra nhiều giải pháp như: Đầu tư cải tiến dây chuyền sản xuất, nâng cao tay nghề cho công nhân viên để bảo đảm chất lượng sản phẩm có thể cạnh tranh trên thị trường; tiếp tục cơ cấu lại thị trường, hàng hóa kinh doanh... Cùng với các giải pháp tự thân, các DN cũng mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ các cấp chính quyền địa phương, ngành chức năng về vốn, thuế, cung ứng nguồn lao động...
Ông Lê Kim Phúc, Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh, cho biết: Để đồng hành tháo gỡ khó khăn cùng DN, trong năm 2024, Ban tập trung các giải pháp về thu hút đầu tư. Theo đó, Ban phấn đấu thu hút thêm 15 dự án đầu tư mới vào các KCN, thu hút vốn đầu tư đăng ký mới đạt 500 triệu USD và 4.500 tỷ đồng; tiếp tục rà soát hồ sơ trình UBND tỉnh xin giao đất tại KCN Sông Công II, Điềm Thụy - khu A; bám sát chỉ đạo của UBND tỉnh để phối hợp với các sở, ngành hoàn thiện thủ tục giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các DN. Bên cạnh đó, Ban sẽ phối hợp với các sở, ban ngành của tỉnh hỗ trợ DN tận dụng cam kết trong các Hiệp định FTA để đẩy mạnh xuất khẩu, thông qua tuyên truyền về quy tắc xuất xứ và cấp giấy chứng nhận xuất xứ, cơ hội và cách thức tận dụng cơ hội từ các FTA. Đồng thời, tăng cường hoạt động cung cấp thông tin thị trường trên nền tảng số cho địa phương, hiệp hội ngành hàng, DN...
Tính đến hết tháng 1-2024, tổng giá trị xuất, nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh đạt 3,8 tỷ USD, tăng 16,5% so với tháng 12-2023. Trong đó, giá trị xuất khẩu đạt 2,1 tỷ USD, tăng 31,2% và giá trị nhập khẩu đạt 1,7 tỷ USD, tăng 2,6%. |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin