Thời gian qua, xã Minh Tiến (Đại Từ) đã tập trung khai thác các tiềm năng, thế mạnh của địa phương để phát triển kinh tế, nhất là về đất rừng (2.100ha) và cây chè (trên 200ha). Từ đó giúp nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của nhân dân.
Hiện nay, Hợp tác xã chè Tân Tiến, ở xóm Hoà Tiến 2 (xã Minh Tiến) đã xây dựng được vùng nguyên liệu 10,1ha chè, sản xuất theo quy trình VietGAP, hướng đến hướng hữu cơ. |
Đến xã Minh Tiến một ngày trung tuần tháng 3, chúng tôi bắt gặp không khí lao động sản xuất rất nhộn nhịp của người dân trên những nương chè; toàn bộ diện tích đất đồi được phủ bởi một màu xanh của những cánh rừng tươi tốt… Ông Hoàng Văn Tiệm, Chủ tịch UBND xã Minh Tiến cho biết: Chúng tôi đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân đưa các giống chè mới, cho năng suất và chất lượng cao vào sản xuất. Cùng với đó là phối hợp với cơ quan chuyên môn của huyện hỗ trợ bà con về giống, phân bón, kỹ thuật canh tác, sản xuất… Trong phát triển kinh tế đồi rừng, xã khuyến khích người dân tích cực trồng cây, phủ xanh toàn bộ diện tích đất đồi hiện có; lựa chọn các dự án trồng rừng phù hợp khi được cấp trên đưa về địa phương. Qua đó, giúp bà con có thêm điều kiện nâng cao thu nhập.
Xóm Hoà Tiến 2 hiện có 25ha chè, trong đó 110/125 hộ làm chè theo quy trình VietGAP, hướng đến sản xuất theo hướng hữu cơ. Ông Trần Đại Quân, Trưởng xóm Hoà Tiến 2 chia sẻ: Trước kia, bà con chủ yếu làm chè theo phương pháp truyền thống, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón chưa đảm bảo thời gian, hướng dẫn. Khoảng 3 năm trở lại đây, được sự hỗ trợ của cơ quan chuyên môn huyện, người dân trong xóm đã áp dụng sản xuất chè theo quy trình VietGAP, có sổ nhật ký sản xuất, ghi chép đầy đủ thông tin về giống, phân bón, ngày bón phân…; chỉ sử dụng phân chuồng ủ hoai mục và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, thảo mộc. Nhờ đó, giá trị sản phẩm chè của xóm ngày càng nâng cao và được nhiều người biết đến.
Với việc áp dụng đồng bộ tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, canh tác, năm 2023, sản lượng chè búp tươi của xã Minh Tiến đạt 2.350 tấn (tăng 465 tấn so với năm 2019). Địa phương đã thành lập được 2 hợp tác xã (HTX) sản xuất chè là Tân Tiến, thuộc xóm Hoà Tiến 2 và Núi Hồng, thuộc xóm Trung tâm. Cả 2 HTX đều có sản phẩm được cấp có thẩm quyền công nhận OCOP.
Bên cạnh phát triển chè là cây trồng chủ lực, xã Minh Tiến cũng khai thác thế mạnh về đồi rừng. Với trên 2.100ha đất rừng sản xuất, nhân dân địa phương (khoảng 700/1.300 hộ) đã tích cực, chủ động trồng rừng, không để đất trống. Ông Vũ Minh Bằng, ở xóm Lưu Quang 1, cho hay: Gia đình tôi hiện có 3ha rừng, toàn bộ là giống keo lai. Ngoài ra, tôi còn liên kết với Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đại Từ trồng thêm 6ha. Trung bình từ 8-10 năm gỗ được khai thác, gia đình tôi có thêm thu nhập từ 80-90 triệu đồng/ha từ trồng rừng mà không tốn nhiều công chăm sóc như các loại cây trồng khác.
Năm 2023, xã Minh Tiến khai thác 3.500m3 gỗ các loại. Bên cạnh đó, địa phương có 653ha rừng được cấp chứng chỉ rừng quốc tế FSC, với 796 thửa, 480 hộ tham gia. Đây là chứng nhận giúp người dân, doanh nghiệp có rừng nhận được sự tin tưởng của khách hàng, đối tác, tăng khả năng phát triển và mở rộng quy mô của doanh nghiệp, tạo cơ hội tiếp cận những dự án lớn, hạn chế rủi ro có thể phát sinh… Cùng với đó, địa phương cũng thành lập được 30 tổ quản lý chứng chỉ FSC, qua đó ngày càng khẳng định thương hiệu, nâng cao giá bán sản phẩm gỗ.
Nhờ khai thác tiềm năng, thế mạnh và phát triển kinh tế đúng hướng, đời sống của người dân xã Minh Tiến không ngừng được nâng cao. Năm 2023, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt 45 triệu đồng/người (tăng gần 10 triệu đồng/người/năm so với năm 2019); số hộ nghèo còn 82 hộ (giảm 123 hộ so với năm 2019)…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin