Thị trường bất động sản: Rủi ro chính bởi "đầu cơ", "thổi giá"

Nguyễn San 09:11, 15/03/2024

Thời gian qua, rất nhiều cuộc họp từ Trung ương đến địa phương bàn về vấn đề làm thế nào để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Gần nhất nhất (ngày 11-3) là cuộc họp Tổ công tác của Thủ tướng nhằm gỡ khó trong thực hiện dự án bất động sản do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì. Tại đây, nhiều nguyên nhân khiến thị trường bất động sản "đóng băng" hoặc gặp nhiều rủi ro được chỉ ra, trong đó đáng chú ý là nguyên nhân "đầu cơ và thổi giá".

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tại cuộc họp quan trọng này, đại diện Ngân hàng Nhà nước đã chia sẻ rất thẳng thắn: Đối với ngành bất động sản, rủi ro chính là bởi "đầu cơ" và "thổi giá" khiến khó tiêu thụ sản phẩm, không luân chuyển được dòng vốn, khó thu hồi nợ.

Còn theo các chuyên gia, thời gian qua nhu cầu sử dụng ở nhiều dự án bất động sản, nhất là dự án cao cấp không nhiều, chủ yếu là các nhà đầu tư "lướt sóng", nên tạo ra thị trường "ảo". Cũng có không ít dự án ở phân khúc tầm trung bị các nhà đầu tư chi phối khi bỏ ra một khoản tài chính lớn thâu tóm toàn bộ để đầu cơ, sau đó bằng nhiều thủ thuật đẩy giá lên gấp nhiều lần giá thực.

Chính việc "đầu cơ", "thổi giá" là một trong những tác nhân quan trọng làm lũng đoạn thị trường bất động sản thời gian qua. Do đó, nhiều chuyên gia kiến nghị Chính phủ siết chặt quản lý đầu tư bất động sản hơn nữa để không còn tình trạng "đầu cơ", "thổi giá", lấy lại sự trong sạch của thị trường. Bên cạnh đó, hệ thống ngân hàng cần có cơ chế đặc biệt để giãn, hoãn các khoản nợ từ bất động sản…

Nhà ở giá rẻ hiện đang là cơn khát của thị trường. Cách đây khoảng 1 năm, Chính phủ đã triển khai gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng để cho vay nhà ở xã hội, nhưng đến nay cả nước mới chỉ có 15 dự án với số tiền khoảng 7 nghìn tỷ đồng.

Khó khăn được cho là tại vấn đề pháp lý, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, thủ tục tính tiền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất… của các dự án chưa thông khiến việc giải ngân tin dụng gặp khó. Nhà ở giá rẻ hiện bị mắc ở khía cạnh "cung không đủ cầu". Do nảy sinh thực trạng nhà đầu tư "hô biến" những căn nhà ở bình thường thành nhà ở cao cấp để thu lợi nhuận.

Con số mới nhất cho thấy, tỷ trọng nhà ở cao cấp đang khá chênh lệch so với nhà ở giá rẻ. Ví dụ, tại TP. Hồ Chí Minh nhà ở cao cấp đang chiếm trên 70% nguồn cung, có thời điểm lên tới 84% và hiện không còn nhà ở thương mại giá rẻ nữa.

Có chuyên gia cho rằng, nguyên nhân còn do việc tạo quỹ đất tại các địa phương đang diễn ra chậm, phải mất tới 5-7 năm tính từ khi quy hoạch đến lúc đấu thầu dự án. Do thiếu quỹ đất nên mới xảy ra tình trạng cung bị thiếu, dẫn đến phải đẩy giá bất động sản lên cao.

Tại Thái Nguyên, dù đã có nhiều cải thiện, song thị trường bất động sản vẫn chưa hết trầm lắng. Nhiều dự án thiếu hoạt động giao dịch mua bán, cá biệt có dự án không có giao dịch nào trong tháng. Một số dự án lớn đóng băng khiến chủ đầu tư phải thực hiện rất nhiều giải pháp về quảng bá, khuyến mại, ưu đãi giá, cho vay trả góp… để khơi thông tính dòng tiền nhưng cũng không mấy hiệu quả. Tuy không thiếu nhà ở chung cư nhưng phân khúc nhà ở giá rẻ vẫn thiếu nhiều, người có nhu cầu, thu nhập thấp không thể tiếp cận.

Về giải pháp thời gian tới, xin được trích ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp Tổ công tác của Thủ tướng về gỡ khó trong thực hiện dự án bất động sản mới đây: Nhà nước sẽ làm hết sức, quyết tâm cao, nỗ lực lớn để thực hiện trách nhiệm, thẩm quyền. Song, các nhà đầu tư, doanh nghiệp bất động sản phải nhìn nhận trách nhiệm của mình trong khắc phục nghịch lý thừa phân khúc cao cấp, thiếu phân khúc bình dân, giải quyết tình trạng "thổi giá", đẩy giá… Cần có quan điểm rõ ràng, công tâm, khách quan, không né tránh nhằm đưa thị trường bất động sản trở lại hoạt động bình thường.