Hỏa hoạn - Phòng từ xa vẫn là tối ưu

Nguyễn San 14:28, 10/03/2024

Thời gian gần đây, nhiều vụ cháy gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn cả nước khiến công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) chưa bao giờ cấp thiết như hiện nay. Thường các vụ hỏa hoạn xảy ra ít được kịp thời ứng cứu hoặc có kịp thì hậu quả để lại cũng rất lớn. Bởi vậy, không có biện pháp nào tối ưu bằng việc nâng cao ý thức, trách nhiệm phòng cháy từ sớm, từ xa, từ khi cháy, nổ còn là nguy cơ.

Lực lượng chức năng của tỉnh thực tập phương án chữa cháy tại Khu đô thị Thái Hưng Eco City, phường Gia Sàng, TP. Thái Nguyên, tháng 11-2023. Ảnh: Tư liệu
Lực lượng chức năng của tỉnh thực tập phương án chữa cháy tại Khu đô thị Thái Hưng Eco City, phường Gia Sàng, TP. Thái Nguyên, tháng 11-2023. Ảnh: Tư liệu

Trên địa bàn cả nước từ cuối năm 2023 đến nay liên tiếp xảy ra các vụ cháy, nổ làm nhiều người chết, bị thương, gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản của Nhà nước và nhân dân. Điển hình như vụ cháy chung cư mini xảy ra vào trung tuần tháng ̣9-2023 tại phố Khương Hạ, quận Thanh Xuân (TP. Hà Nội), làm 56 người chết, 37 người bị thương. Hay như vụ cháy nhà dân xảy ra vào giữa tháng 1-2024 tại phố Hàng Lược, quận Hoàn Kiếm (TP. Hà Nội), làm 4 người tử vong…

Còn trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, mặc dù không để xảy ra vụ cháy, nổ đặc biệt nghiêm trọng nào, nhưng trong 2 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh cũng có 20 vụ cháy, nổ nhỏ, thiệt hại về tài sản ước tính gần 200 triệu đồng (5 vụ đang thống kê giá trị thiệt hại), 1 trường hợp tử vong.

Điều đó cho thấy, nguy cơ cháy, nổ luôn thường trực và có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Tuy không nghiêm trọng nhưng không thể lơ là, mất cảnh giác vì với tốc độ phát triển như của tỉnh hiện nay, nguy cơ cháy nổ là rất lớn và có chiều hướng gia tăng.

Trước thực tế trên, giải pháp được tỉnh Thái Nguyên đưa ra chính là “phòng hơn chữa”. Phòng từ sớm, từ xa, từ khi còn là nguy cơ tiềm ẩn, phòng từ trong ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân. Bởi lẽ, nếu để xảy ra cháy, nổ chắc chắn gây hậu quả, nhẹ thì thiệt hại về tài sản, nặng thì gây thương vong về người, hoang mang về tâm lý.

Để phòng từ sớm, từ xa, tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức về PCCC, nhất là ý thức chấp hành quy định của pháp luật về PCCC đối với mỗi người dân. Các chủ đầu tư cần có trách nhiệm đối với công trình xây dựng khi chưa được nghiệm thu về PCCC và các công trình xây dựng không phép, trái phép trên đất nông nghiệp, lâm nghiệp, hành lang bảo vệ đê điều, lưới điện, hành lang bảo vệ rừng…

Đặc biệt là phải xây dựng được phong trào Toàn dân tham gia PCCC tại các địa bàn trọng điểm, có nguy cơ cháy, nổ cao theo phương châm “lấy phòng ngừa là chính”.

Theo đó, tỉnh yêu cầu các cơ quan chuyên môn gia tăng quản lý trật tự xây dựng, phối hợp kiểm tra, thanh tra toàn diện hoạt động quản lý xây dựng nhà ở riêng lẻ có nhiều tầng, nhiều căn hộ, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm vi phạm theo quy định của pháp luật. Xử lý các công trình xây dựng không phép, trái phép và các công trình có vi phạm về xây dựng theo thẩm quyền. Thực hiện nghiêm việc thẩm định, cấp phép xây dựng đối với các công trình thuộc đối tượng thẩm duyệt thiết kế về PCCC.

Đơn vị chức năng cùng với Điện lực Thái Nguyên có phương án quản lý an toàn điện sau công tơ tại các cơ sở sản xuất, nhà kho, nhà xưởng, nhà ở gia đình, hộ dân kết hợp sản xuất kinh, doanh để giảm thiểu nguy cơ cháy, nổ do hệ thống, thiết bị điện. Đồng thời đề xuất cơ quan có thẩm quyền bổ sung những quy định về sử dụng điện an toàn sau công tơ để làm rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý, tổ chức, cá nhân và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Đẩy mạnh kiểm tra, hướng dẫn PCCC đối với các cơ sở theo từng chuyên ngành, lĩnh vực, như: cơ sở giáo dục, y tế, kinh doanh karaoke, địa điểm vui chơi giải trí đông người, kinh doanh xăng dầu, khí đốt hóa lỏng và tại các khu, cụm công nghiệp, chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, các kho hàng hóa chứa vật liệu xây dựng, nội thất…

Đối với chính quyền các địa phương, tỉnh yêu cầu phải kiểm tra 100% cơ sở chưa được kiểm tra PCCC, không để bỏ sót, bỏ lọt các cơ sở thuộc diện quản lý; yêu cầu chủ đầu tư các công trình vi phạm đã được các đoàn kiểm tra liên ngành làm rõ khẩn trương, nghiêm túc thực hiện hoàn thành việc khắc phục tồn tại, vi phạm về PCCC.

Xử lý nghiêm minh, dứt điểm đối với các công trình chưa được nghiệm thu về PCCC đã đưa vào hoạt động, xây dựng không phép, trái phép. Tuyệt đối không để phát sinh mới trường hợp cơ sở xây dựng sai giấy phép, không đúng mục đích sử dụng đất. Và đặc biệt là không để xảy ra cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người.

Còn nhớ, mùa Xuân năm 1955, khi chúc Tết lực lượng cảnh sát PCCC Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn “các chú thất nghiệp”. Lời chúc Tết vui của Bác vừa là lời động viên nhưng cũng là mục tiêu, nhiệm vụ và kỳ vọng công tác PCCC tiếp tục được thực hiện tốt ngay từ sớm, từ xa, tránh để xảy ra hỏa hoạn rồi phải cần đến lực lượng chữa cháy...