Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, thách thức, song với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh trong việc cải thiện môi trường đầu tư và tăng cường các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp (DN), dòng vốn đầu tư vào tỉnh có nhiều tín hiệu vui từ những ngày đầu năm nay. Bên cạnh các dự án đăng ký mới, nhiều DN đang hoạt động đã tăng vốn đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh.
2 dự án của Tập đoàn Trina Solar đang hoạt động ổn định tại Khu công nghiệp Yên Bình. Ảnh: Nguyên Ngọc |
2 tháng đầu năm 2024, Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) tỉnh Thái Nguyên đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (GCNĐKĐT) cho 3 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng số vốn đăng ký 457,857 triệu USD. Trong đó, Công ty TNHH Trina Solar Cell (thuộc Tập đoàn Trina Solar) có vốn đăng ký 454,417 triệu USD; Dự án sản xuất gọng kính phụ kiện bao bì Sanshan 3 triệu USD…
Trước đó, Trina Solar đã đầu tư 2 dự án tại KCN Yên Bình với tổng số vốn đăng ký 478 triệu USD. Việc rót thêm vốn vào dự án thứ 3 đã nâng tổng số vốn đầu tư của Tập đoàn này tại Thái Nguyên lên 932 triệu USD. Dự án thứ 3 của Tập đoàn Trina Solar có quy mô sản xuất trên 11.500 tấn thanh Silic đơn tinh thể/năm; 555 triệu sản phẩm tấm Silic đơn tinh thể và 560 triệu tấm pin năng lượng mặt trời/năm; diện tích sử dụng đất của Dự án là trên 141.000m2.
Phát biểu tại Lễ trao GCNĐKĐT cho đại diện pháp luật của Công ty TNHH Trina Solar Cell, ông Lê Kim Phúc, Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh, đề nghị trong quá trình đầu tư, Công ty thực hiện đúng và triển khai tiến độ nhanh hơn so với cam kết để đồng hành phát triển với tỉnh.
Ông Lê Kim Phúc cũng nhấn mạnh: Ban Quản lý các KCN, các cấp, ngành của tỉnh Thái Nguyên luôn đồng hành, tháo gỡ khó khăn cùng với DN; tạo mọi điều kiện thuận lợi và hỗ trợ theo đúng quy định của pháp luật để dự án nhanh chóng đi vào hoạt động.
Ngoài việc cấp mới GCNĐKĐT, từ đầu năm tới nay, Ban Quản lý các KCN tỉnh đã thực hiện cấp điều chỉnh GCNĐKĐT cho 3 dự án, trong đó có Dự án Nhà máy sản xuất khí công nghiệp Messer Hải Phòng - Thái Nguyên tăng vốn đầu tư thêm 4,81 triệu USD (từ 27,884 triệu USD lên 32,695 triệu USD.
Như vậy, lũy kế đến ngày 23/2/2024, trong các KCN trên địa bàn tỉnh có 304 dự án được cấp GCNĐKĐT còn hiệu lực, trong đó có 170 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký hơn 10,8 tỷ USD và 134 dự án đầu tư trong nước (DDI) với số vốn đăng ký đầu tư 17.247 tỷ đồng. Tính chung trên địa bàn tỉnh có 214 dự án FDI còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký đạt 11,18 tỷ USD.
Tập đoàn khí công nghiệp hàng đầu thế giới Messer đang triển khai dự án đầu tư trị giá 43 triệu USD tại Khu công nghiệp Yên Bình và Khu công nghiệp Sông Công 1. Ảnh: Lăng Khoa |
Để đẩy mạnh thu hút đầu tư, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, thi công các dự án giao thông trọng điểm tạo sự liên kết, kết nối giữa địa phương trong vùng Thủ đô Hà Nội và các tỉnh phía Bắc.
2 tháng đầu năm nay, UBND tỉnh đã phê duyệt thành lập thêm 6 cụm công nghiệp (CCN) với tổng mức đầu tư trên 4.185 tỷ đồng, với tổng diện tích trên 358ha. Đến nay, Thái Nguyên có 27/41 CCN đã có chủ đầu tư hạ tầng, trong đó có 11 CNN đi vào hoạt động thu hút 62 dự án đầu tư.
Đây là tín hiệu tích cực về thu hút đầu tư trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn. Ông Hà Văn Dương, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho biết: Cùng với những giải pháp tích cực từ Chính phủ, tỉnh ban hành và triển khai kịp thời nhiều giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho DN duy trì và mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nhờ đó, việc thu hút vốn FDI trên địa bàn tỉnh đạt kết quả khả quan. Hầu hết các dự án thu hút mới và đăng ký tăng vốn đều thuộc lĩnh vực công nghiệp công nghệ hiện đại và thân thiện với môi trường, phù hợp với các tiêu chí lựa chọn đầu tư của tỉnh.
Cùng với đó, Thái Nguyên đã đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư qua các chuyến công tác của lãnh đạo tỉnh trực tiếp thông qua cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Các cơ quan chuyên môn của tỉnh thường xuyên cập nhật các thông tin về định hướng, chính sách phát triển kinh tế - xã hội ngành, lĩnh vực, công khai thông tin về khả năng cung ứng lao động, hạ tầng kỹ thuật và các cơ chế, chính sách hỗ trợ DN, nhà đầu tư; thông tin về ngành nghề, lĩnh vực ưu tiên kêu gọi đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh đã có nhiều quyết sách về đầu tư, tháo gỡ những điểm nghẽn về hạ tầng giao thông, logistics và chất lượng nguồn nhân lực... Đôn đốc, hỗ trợ chủ đầu tư hạ tầng các khu, CCN đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật trên phần diện tích đất đã đền bù giải phóng mặt bằng, sẵn sàng tiếp nhận các dự án đầu tư mới.
Mặc dù nền kinh tế năm 2024 tiếp tục được dự báo có nhiều khó khăn sẽ tạo nhiều áp lực cho công tác xúc tiến, thu hút đầu tư, song những tín hiệu tích cực ngay trong những tháng đầu của năm sẽ là lực hút với nhiều nhà đầu tư, góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội của tỉnh.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin