Thúc đẩy dư nợ tín dụng: Cần đồng bộ nhiều giải pháp

Xuân Anh 08:07, 20/03/2024

Tính đến hết tháng 2-2024, mặc dù tăng trưởng dư nợ tín dụng của các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đạt 1,91%, cao hơn mức tăng trưởng bình quân chung của toàn Ngành, song lại chỉ có 11/29 chi nhánh ngân hàng thương mại có mức tăng trưởng dương, số còn lại là tăng trưởng âm. Thực tế này phần nào cho thấy việc hấp thụ vốn của các doanh nghiệp (DN), hộ kinh doanh vẫn còn hạn chế. Do đó rất cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy dư nợ cho vay.

Tính đến cuối tháng 2-2024, tổng dư nợ cho vay trên địa bàn tỉnh đạt xấp xỉ 98.000 tỷ đồng, tăng 1.840 nghìn tỷ đồng; huy động vốn đạt gần 107.000 tỷ đồng, giảm 176 tỷ đồng so với cuối năm 2023. Trong ảnh: Khách hàng giao dịch tại Agribank Chi nhánh Thái Nguyên.
Tính đến cuối tháng 2-2024, tổng dư nợ cho vay trên địa bàn tỉnh đạt xấp xỉ 98.000 tỷ đồng, tăng 1.840 nghìn tỷ đồng; huy động vốn đạt gần 107.000 tỷ đồng, giảm 176 tỷ đồng so với cuối năm 2023. Trong ảnh: Khách hàng giao dịch tại Agribank Chi nhánh Thái Nguyên.

Áp lực khơi thông dòng vốn

Với mức tăng 660 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ tăng 15,55% so với cuối năm 2023 và chiếm 1/3 trong tổng mức tăng của cả hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh (toàn hệ thống tăng 1.840 tỷ đồng), Ngân hàng Thương mại cổ phần (NH TMCP) Ngoại thương (Vietcombank) Chi nhánh Thái Nguyên là đơn vị có số tăng dư nợ tín dụng lớn nhất trên địa bàn tỉnh trong 2 tháng đầu năm nay. Kết quả này có được là nhờ đơn vị đã thực hiện cho vay thành công khoản 30 triệu USD (tương ứng khoảng 700 tỷ đồng) đối với 1 khách hàng DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Khu công nghiệp Yên Bình sau hơn 1 năm theo đuổi, chuẩn bị hồ sơ.

Ông Phạm Quang Đạt, Phó Giám đốc Vietcombank Thái Nguyên, cho rằng nếu không có khách hàng này, thì dư nợ của Chi nhánh 2 tháng đầu năm sẽ không tăng, thậm chí còn giảm.

Ông Đạt chia sẻ thêm: Năm nay, Chi nhánh được Hội sở chính giao tăng trưởng tín dụng ở mức cao (tăng 30% so với cuối năm 2023), tương ứng với 1.400 tỷ đồng. Tuy nhiên, do có một số khách hàng vay dự án hiện đã đến kỳ trả một phần nợ, cộng với khách hàng trả đột xuất nên để đạt được con số tăng trưởng theo kế hoạch thì chúng tôi cần phải cho vay ra trên 2.000 tỷ đồng. Đây là một áp lực không hề nhỏ đối với Chi nhánh.

Không có được mức tăng trưởng như Vietcombank Thái Nguyên, tính đến ngày 15-3, NH TMCP Công thương Chi nhánh Lưu Xá có mức tăng trưởng âm 2% so với cuối năm 2023. Bên cạnh yếu tố “quy luật” tín dụng thường giảm vào những tháng sau Tết, thì theo ông Nguyễn Văn Phi, Giám đốc Chi nhánh, tình hình kinh tế khó khăn tiếp tục là nguyên nhân khiến nhiều NH khó giữ được mức tăng trưởng trước Tết, chưa nói đến tăng trưởng dương. Lợi nhuận 2 tháng qua của Chi nhánh chỉ bằng 60% so với cùng kỳ 2023. Điều này cho thấy những khó khăn trong hoạt động của các NH, khi mà lãi suất đã và đang giảm ở mức tối đa cho khách hàng, đặc biệt là DN.

Hiện nay, lãi suất cho vay DN ở kỳ ngắn hạn phổ biến của các NH TMCP Nhà nước xoay quanh mức trên dưới 6%/năm; các NH TMCP nhỏ khác cao hơn từ 1-3% (tùy ngân hàng, khách hàng và lĩnh vực cho vay). Tuy mức lãi suất hiện tiếp tục giữ ở mức thấp nhất trong nhiều năm qua song ngành NH vẫn tiếp tục trong tình trạng thừa vốn đáng kể. Trước thực tế này, các NH đã chủ động đưa ra nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.  

Những tháng đầu năm nay, việc triển khai các công trình xây dựng chưa nhiều nên nhu cầu vay vốn đầu tư trong lĩnh vực này còn hạn chế.
Những tháng đầu năm nay, việc triển khai các công trình xây dựng chưa nhiều nên nhu cầu vay vốn đầu tư trong lĩnh vực này còn hạn chế.

Nỗ lực từ nhiều phía

Đại diện Vietcombank Thái Nguyên, Vietinbank Lưu Xá và nhiều tổ chức tín dụng khác đều khẳng định: Các NH đều mong muốn được cho vay ra, nhưng phải là khách hàng tốt, an toàn. Trên cơ sở này, ngay từ đầu năm, Chi nhánh đã định hướng, mở rộng đối với khách hàng có tình tình hình hoạt động khả quan, hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Trong đó sẽ tiếp tục tập trung nhóm khách hàng FDI; mở rộng mạng lưới, phát triển cho vay đối với hộ, cá nhân kinh doanh, các làng nghề có thế mạnh của tỉnh như làm chè, chế biến lâm sản…; tăng cường cho vay thấu chi đối với khách hàng có tài sản đảm bảo có tính thanh khoản cao (như bất động sản, sổ tiết kiệm) với mức lãi suất thấp, chỉ từ 5-6%/năm ở kỳ ngắn hạn.

Còn ông Hà Mậu Quý, Giám đốc NH TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) Chi nhánh Thái Nguyên thì cho rằng: Bên cạnh những nỗ lực từ phía các NH như tiết giảm chi phí trong hoạt động, tăng cường cải cách thủ tục hành chính trong nội tại NH để có điều kiện hạ lãi suất cho vay, thì rất cần sự nỗ lực từ phía người vay. Trong khi ngành NH đang thừa vốn, rất muốn cho vay ra, thì vẫn còn tình trạng người vay lại “kêu khó”, không thể tiếp cận được nguồn vốn. Đối với các DN hoạt động tốt thì cũng chỉ khi có đơn hàng thì họ mới có nhu cầu về vốn. Một số ngành nghề có thế mạnh của tỉnh như sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng sắt thép, xi măng… hiện nay lại đang trong tình trạng tồn kho lớn thì đương nhiên nhu cầu về vốn sẽ giảm…

Có thể thấy, để tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn của nền kinh tế, rất cần những giải pháp tổng thể và đồng bộ để tác động cả tổng cung và tổng cầu. Trong đó, ngành NH cần nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm bình ổn, lành mạnh hóa các thị trường; nâng cao hiệu quả phối hợp chính sách (chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác), phấn đấu tiếp tục giảm lãi suất, bình ổn tỷ giá, giá cả hàng hóa thiết yếu và các thị trường tài chính, đất đai… nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô.

Các tổ chức tín dụng phải nhất quán, đồng bộ tiết giảm chi phí, cân đối chi phí huy động vốn, phấn đấu tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Chủ động thực hiện các thông tư liên quan đến cơ cấu lại nợ, về hoạt động cho vay; triển khai hiệu quả các gói tín dụng đã đề ra, thúc đẩy tăng trưởng đều tín dụng từ đầu năm, không quá dồn vào các tháng cuối năm…

Cùng với đó là linh hoạt hơn, phù hợp hơn trong việc áp dụng các điều kiện tín dụng (gồm cả việc xem xét, chấp nhận tài sản bảo đảm là hàng tồn kho, đơn hàng, hợp đồng thi công...); tinh giản quy trình, đẩy nhanh tiến độ phê duyệt tín dụng…

Các DN cũng cần cơ cấu lại, giảm chi phí hoạt động; nâng cao trách nhiệm, hiệu quả sử dụng vốn, minh bạch thông tin. Đồng thời tăng cường kiểm soát rủi ro, nhất là rủi ro tài chính; chú trọng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong phát triển, quản lý, vận hành hoạt động; đào tạo, phát triển đội ngũ nhân sự chất lượng cao; đẩy mạnh xanh hóa, phát triển bền vững...



Blog Credit card Chia sẻ kiến thức thẻ tín dụng vay thẻ tín dụng là gìCách mở the tín dụng không chứng minh thu nhập