Thông qua việc ủy thác với các tổ chức chính trị - xã hội, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Phú Lương đã phát huy tốt vai trò là “bà đỡ” giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng chính sách khác được tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập.
Với nguồn vốn 100 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ nghèo của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Phú Lương, gia đình chị Bùi Thị Nhạn, xóm Trung, xã Yên Đổ, đầu tư vào chăn nuôi, trồng rừng cho thu nhập khá. |
Gia đình anh Dương Văn Chuyền, ở xóm Hin, xã Yên Đổ, là một trong những hộ vươn lên thoát nghèo nhờ nguồn vốn của NHCSXH. Trước đây, thu nhập của gia đình anh dựa vào cây lúa và chè là chính, nhưng do diện tích đất nông nghiệp hạn chế nên đời sống gặp không ít khó khăn.
Năm 2020, anh Chuyền mạnh dạn mở xưởng xẻ gỗ có diện tích trên 200m² để phục vụ nhu cầu của bà con trong và ngoài xã. Sau khi thoát nghèo năm 2021, gia đình anh được NHCSXH giải ngân nguồn vốn 100 triệu đồng cho vay theo chương trình hộ mới thoát nghèo. Với số tiền đó, anh Chuyền mua thêm 1 máy xẻ và đầu tư mở rộng kho bãi. Hiện, thu nhập của xưởng xẻ đạt từ 50-70 triệu đồng/tháng.
"Nhờ có nguồn vốn này mà xưởng xẻ của gia đình tôi giải quyết việc làm cho 6 lao động với mức lương trung bình khoảng 6 triệu đồng/người/tháng" - anh Chuyền phấn khởi nói.
Không riêng gia đình anh Chuyền, hàng trăm lượt hộ nghèo, cận nghèo tại xã Yên Đổ đã được tiếp cận nguồn vốn vay của NHCSXH để phát triển kinh tế. Đến nay, dư nợ trên địa bàn xã còn trên 30 tỷ đồng, với trên 700 hộ vay vốn.
Trong đó, nguồn vốn chủ yếu được cho vay thông qua các chương trình, gồm: nước sạch vệ sinh môi trường, giải quyết việc làm, hộ nghèo, hộ mới thoát nghèo. Nhờ nguồn vốn NHCSXH, hiện nay tỷ lệ hộ nghèo của Yên Đổ giảm còn 3,35%, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 40 triệu đồng/người/năm.
Còn tại xã Tức Tranh - địa phương được đánh giá sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách hiệu quả nhất trên địa bàn huyện Phú Lương, đã có hàng trăm hộ dân có điều kiện đầu tư vào trồng chè, mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt.
Nhờ nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Phú Lương, nhiều hộ dân ở xã Tức Tranh có thêm điều kiện để chuyển đổi giống chè, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. |
Ông Lê Minh Thảo, Chủ tịch UBND xã Tức Tranh, cho biết: Nhờ thổ nhưỡng và khí hậu phù hợp nên chè trở thành cây trồng thế mạnh, là nguồn thu nhập chính cho khoảng trên 50% số hộ dân trong xã. Nguồn vốn của NHCSXH đã tiếp sức cho các hộ dân chuyển đổi giống chè, áp dụng khoa học - kỹ thuật, cải tạo diện tích đất kém hiệu quả… Qua đó, thu nhập bình quân đầu người đạt 58 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 0.25%. Hằng năm, xã có khoảng 130 lao động được giải quyết việc làm.
Hiện nay, tổng dư nợ của NHCSXH huyện Phú Lương là hơn 471 tỷ đồng, với trên 9.000 hộ vay, thông qua 214 tổ tiết kiệm và vay vốn. Riêng trong năm 2023, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Phú Lương đã giải ngân nguồn vốn trên 112,5 tỷ đồng, cho trên 2.400 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay.
Trong đó, nguồn vốn cho vay tập trung vào một số chương trình: Hộ nghèo (gần 11 tỷ đồng), hộ cận nghèo (gần 8 tỷ đồng), hộ mới thoát nghèo (10.5 tỷ đồng); nước sạch về sinh môi trường (21.4 tỷ đồng); hỗ trợ việc làm, duy trì và mở rộng việc làm (gần 40 tỷ đồng), hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn (trên 10 tỷ đồng).
Ông Lương Quốc Huy, Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Phú Lương, cho biết: Các chương trình cho vay đều có lãi suất thấp, thời gian vay kéo dài, không cần thế chấp tài sản là điều kiện tốt để người dân mở rộng quy mô kinh doanh hay chăn nuôi, trồng trọt. Để các đối tượng vay vốn chính sách trên địa bàn huyện đều sử dụng đúng mục đích, đầu tư có hiệu quả, chúng tôi luôn bám sát, phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương để triển khai nguồn vốn vừa kịp thời, vừa được sử dụng đúng mục đích.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin