Sản xuất - kinh doanh đi đôi với bảo vệ môi trường

Trịnh Phương 09:26, 16/06/2023

Cùng với việc khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp (DN) sản xuất - kinh doanh, TP. Sông Công cũng tăng cường quản lý về lĩnh vực môi trường tại các xưởng sản xuất, nhà máy. Qua đó cải thiện điều kiện làm việc và bảo đảm phát triển bền vững.

Tại Khu công nghiệp Sông Công II, các doanh nghiệp đã quan tâm, thực hiện tốt quy định về trồng cây xanh trong khuôn viên nhà máy, góp phần tạo cảnh quan và bảo vệ môi trường.
Tại Khu công nghiệp Sông Công II, các doanh nghiệp đã quan tâm trồng nhiều cây xanh, góp phần tạo cảnh quan và bảo vệ môi trường.

Trên địa bàn TP. Sông Công hiện có 2 khu công nghiệp, 4 cụm công nghiệp lớn và khoảng 550 DN đang hoạt động trong các lĩnh vực.

Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người lao động và dân cư trong khu vực, thời gian qua, thành phố đã khuyến khích, vận động các DN tích cực đổi mới dây chuyền sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường. Trong quá trình hoạt động của các DN, cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra mẫu nước, không khí, việc đầu tư xây dựng khu chứa, xử lý rác thải, chất thải; trồng cây xanh, giữ gìn vệ sinh môi trường tại nơi làm việc. Đồng thời, yêu cầu các chủ đầu tư thực hiện công tác bảo vệ môi trường từ khâu lập quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là hệ thống xử lý nước thải tập trung; phòng ngừa, ứng phó và khắc phục sự cố môi trường…

Với đặc điểm có các khu, cụm công nghiệp lớn trên địa bàn, thời gian qua, TP. Sông Công đã phối hợp với Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh tham mưu xây dựng, thực hiện quy chế phối hợp trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và được UBND tỉnh phê duyệt từ năm 2021.

Trên cơ sở đó, đến nay, UBND TP. Sông Công đã chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các cơ quan chuyên môn của tỉnh, các xã, phường và đơn vị liên quan tổ chức 132 cuộc kiểm tra, nhằm giải quyết các ý kiến, kiến nghị của nhân dân về tình trạng DN gây ô nhiễm môi trường; tổ chức quan trắc đánh giá chất lượng môi trường tại 10 cơ sở sản xuất - kinh doanh trên địa bàn. Qua đó phát hiện và xử lý vi phạm hành chính 9 trường hợp, với tổng số tiền 276 triệu đồng.

Đơn cử như trước những ý kiến phản ánh của người dân về hoạt động xả thải gây ô nhiễm môi trường tại Khu B, Khu công nghiệp Sông Công I, UBND TP. Sông Công đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, phường Bách Quang, Công ty CP Phát triển hạ tầng khu công nghiệp Thái Nguyên tiến hành kiểm tra, xác minh các đơn vị, DN có hành vi xả thải, làm phát sinh nước thải chảy vào hệ thống thoát nước mặt của Khu B và tràn ra suối La Vang, thuộc tổ dân phố Dọc Dài, phường Bách Quang, ảnh hưởng đến sản xuất của người dân.

Sau khi kiểm tra, đánh giá thực tế, cơ quan chức năng đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty CP Gỗ công nghiệp và Xây dựng Thành Mạnh Chi nhánh Thái Nguyên về hành vi không lưu trữ chất thải sản xuất đúng quy định và yêu cầu khắc phục hậu quả theo quy định.

Ông Tạ Việt Duyên, Phó phòng Tài nguyên và Môi trường TP. Sông Công, cho biết: Việc kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm trường hợp vi phạm góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của các DN. Từ năm 2021 đến tháng 5/2023, toàn thành phố có 73 dự án đầu tư mới và đã thực hiện đầy đủ thủ tục về môi trường theo quy định của pháp luật. Thành phố cũng đã thành lập 34 mô hình thu gom rác thải sinh hoạt trên địa bàn, nâng tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt đô thị đạt khoảng 95%.

Xác định sự phát triển mạnh mẽ của các khu, cụm công nghiệp sẽ kéo theo những tác động đến môi trường, do vậy, thời gian tới, TP. Sông Công tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường đến nhân dân. Thành phố cũng chú trọng công tác lập quy hoạch, ưu tiên thu hút các dự án công nghệ cao, thân thiện với môi trường, hướng tới tăng trưởng xanh, phát triển bền vững…