Thái Nguyên không chỉ là vùng đất giàu truyền thống cách mạng mà còn được biết đến là “cái nôi” công nghiệp luyện kim của cả nước. Phát huy truyền thống đó, bước vào thời kỳ đổi mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã chung sức, đồng lòng quyết tâm vượt qua những giai đoạn khó khăn, thách thức để đưa ngành Công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại và bền vững.
Khu công nghiệp Yên Bình được đầu tư hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đã được lấp đầy trên 92%. |
Giữ vai trò “đầu tàu” kinh tế
Từ một tỉnh nghèo, kinh tế chậm phát triển, giờ đây Thái Nguyên đã "vươn mình" trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nhìn lại giai đoạn 2016-2020, bình quân tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp (SXCN) của Thái Nguyên đạt 15,8%/năm. Đây là con số tấn tượng kể từ sau khi Tập đoàn Samsung đầu tư vào hoạt động tại Thái Nguyên.
Sau giai đoạn này, công nghiệp của tỉnh mặc dù chịu ảnh hưởng chung của suy thoái kinh tế thế toàn cầu, dịch bệnh COVID-19... nhưng vẫn giữ nhịp độ tăng trưởng. Đơn cử như năm 2023, giá trị SXCN toàn tỉnh tăng 9,5% (tương đương 1.020.250 tỷ đồng), một con số đáng kể so với mức tăng trưởng chung của cả nước.
Kết quả này góp phần tích cực đưa tốc độ tăng trưởng GRDP toàn tỉnh năm qua đạt mức 5,01%. Còn trong quý I năm nay, giá trị SXCN toàn tỉnh đạt 203.000 tỷ đồng (tăng 6% so với cùng kỳ), đạt 19,2% kế hoạch năm.
Cùng với duy trì đà tăng trưởng qua các năm, hiện nay, điểm sáng của công nghiệp Thái Nguyên là nhiều khu công nghiệp (KCN) đã đi vào hoạt động ổn định và ngày càng thu hút được nhiều dự án (DA) FDI quy mô lớn và công nghệ sản xuất hiện đại, thân thiện với môi trường...
Tiêu biểu như: DA sản xuất hóa chất cơ bản, khí công nghiệp dạng khí và dạng lỏng của Công ty TNHH Khí công nghiệp Messer Hải Phòng - Sông Công (tổng vốn đầu tư gần 450 tỷ đồng); DA của Công ty TNHH Trina Solar Cell (thuộc Tập đoàn Trina Solar) có vốn đăng ký 454,417 triệu USD (sản xuất trên 11.500 tấn thanh Silic đơn tinh thể/năm; 555 triệu sản phẩm tấm Silic đơn tinh thể và 560 triệu tấm pin năng lượng mặt trời/năm); nhà máy DBG thuộc Công ty TNHH DBG Technology Việt Nam với tổng vốn đầu tư 80 triệu USD…
Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG. |
Chọn khâu đột phá
Không phải ngẫu nhiên hay do yếu tố may mắn để công nghiệp Thái Nguyên đạt được những con số ấn tượng kể trên. Kết quả có được là do tỉnh đã tập trung làm tốt công tác quy hoạch, phát triển các KCN. Theo đó, Thái Nguyên hiện có 5/11 KCN đã đi vào hoạt động (bao gồm: KCN Yên Bình, KCN Điềm Thụy, KCN Sông Công I, KCN Sông Công II và KCN Nam Phổ Yên).
Theo ông Lê Kim Phúc, Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh: Các KCN trên địa bàn tỉnh được quy hoạch ở những nơi địa lý thuận lợi, hạ tầng kỹ thuật được đồng bộ, bài bản từ đường giao thông, hệ thống xử lý nước thải tập trung, hệ thống điện phục vụ sản xuất… chính là yếu tố hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.
Cùng với phát triển các KCN, Thái Nguyên cũng ngày càng quan tâm đầu tư hoàn thiện hạ tầng kết nối giao thông có trọng tâm, trọng điểm. Mặc dù nguồn lực còn hạn chế, Thái Nguyên đã tập trung ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông kết nối các KCN trọng yếu phía Nam của tỉnh với giao thông đối ngoại của tỉnh. Cụ thể như hệ thống đường gom Quốc lộ 3 mới, đường 47m, đường Vành đai 5 vùng Thủ đô Hà Nội (đoạn đi trùng đại lộ Đông Tây), Tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên - Bắc Giang - Vĩnh Phúc…
Bên cạnh đó, tỉnh cũng huy động tối đa nguồn lực để đầu tư hạ tầng giao thông khu vực miền núi, nông thôn; hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối các tỉnh vùng Việt Bắc và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ thông qua các tuyến Quốc lộ 37, 17 (Bắc Giang - Thái Nguyên - Tuyên Quang - Hà Giang), Quốc lộ 1B (Thái Nguyên - Lạng Sơn), Quốc lộ 3C (Thái Nguyên - Bắc Kạn)… Nhờ đó, chất lượng dịch vụ vận tải trên địa bàn tỉnh ngày càng được cải thiện, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, trong những năm tới, quy mô giá trị SXCN của Thái Nguyên sẽ có nhiều khả năng tăng trưởng mạnh mẽ. Bởi hiện nay có nhiều DA đã đi vào hoạt động ổn định và tiếp tục mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Cùng với đó, tỉnh cũng đã thông qua quy hoạch chung, quy hoạch phân khu đối với các KCN - đô thị - dịch vụ Tây Phổ Yên, KCN Yên Bình 2, KCN Yên Bình 3, KCN Thượng Đình và Khu công nghệ thông tin tập trung Yên Bình với tổng diện tích 1.790ha; phê duyệt Đồ án quy hoạch chung xây dựng KCN - đô thị - dịch vụ Phú Bình đến năm 2040; trong đó, diện tích KCN 675ha, diện tích đất khu đô thị, dịch vụ 225ha. Đây là tiền đề hết sức quan trọng trong việc lựa chọn các nhà đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng KCN nhằm tạo quỹ đất sạch để thu hút đầu tư, phát triển sản xuất công nghiệp.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin