Năm 2024, Nhà máy Cán thép Lưu Xá (Công ty CP Gang thép Thái Nguyên) đặt mục tiêu đạt sản lượng thép cán 70.000 tấn (bằng 70% kế hoạch đề ra và bằng hơn 87,5% kết quả năm 2023). Tính đến cuối tháng 6, sản lượng thép cán của Nhà máy đã đạt mức 69.135 tấn (bằng gần 99% kế hoạch năm).
Dây chuyền sản xuất của Nhà máy Cán thép Lưu Xá (Công ty CP Gang thép Thái Nguyên). |
Trong bối cảnh nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn và thị trường tiêu thụ sắt thép cạnh tranh ngày một gay gắt, Nhà máy Cán thép Lưu Xá đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để đạt được kết quả kể trên. Đơn vị đang phấn đấu đến cuối năm sẽ vượt khoảng 15% kế hoạch.
Trong tổng sản lượng 69.135 tấn thép cán, chiếm trên 87% là cán thép hình (tương đương 60.288 tấn); còn lại là thép thanh và thép cán gia công ngoài. Có được kết quả này, ngay từ đầu năm 2024, Nhà máy đã tập trung đổi mới, cải tiến nhiều thiết bị, dây chuyền sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
Cụ thể là đầu tư nâng cấp, mở rộng lò nung phôi thép cán từ 4m lên 6,5m với kinh phí khoảng 8 tỷ đồng. Giải pháp kỹ thuật này giải quyết "bài toán" nung được các loại phôi thép có kích thước lớn (từ 3,8-6m) mà trước đây, lò nung cũ không thể thực hiện được, đồng thời giảm bớt được một số khâu sản xuất trung gian (cắt gọt phôi thép, số lần cẩu phôi thép cũng như tiêu hao kim loại trong quá trình cán).
Đáng nói, việc đầu tư nâng cấp, mở rộng lò nung phôi thép cán do cán bộ, công nhân viên của Nhà máy nghiên cứu triển khai thực hiện nên chi phí đầu tư tiết kiệm hơn 2/3 so với số tiền mua lò nung có cùng thiết kế trên thị trường...
Cùng với đầu tư, nâng cấp mở rộng lò nung phôi thép cán, ngay cuối năm 2023, Ban lãnh đạo Nhà máy còn chú trọng triển khai các giải pháp kỹ thuật nâng cao chất lượng các dòng sản phẩm thép hình. Đáng chú ý là việc đầu tư hệ thống làm nguội để thép sau khi cán xong có thể đưa vào nắn chỉnh hoàn thiện ngay sản phẩm.
Các sản phẩm thép hình chiếm phần lớn sản lượng tiêu thụ của Nhà máy Cán thép Lưu Xá. |
Ông Nguyễn Công Huân, Quản đốc Phân xưởng cán, chia sẻ: Trước đây, thép sau khi cán phải mất thời gian chờ nguội mới đưa vào hệ thống nắn chỉnh, khiến việc sản xuất không được liên tục và kho bãi thường xuyên rơi vào tình trạng chật chội. Trước bất cập này, Nhà máy đã nghiên cứu, đầu tư hệ thống làm mát thép sau khi cán để bảo đảm có thể đưa vào nắn chỉnh sản phẩm ngay. Đồng thời cải tiến nhiều lỗ hình phục vụ cán các dòng sản phẩm thép hình góc lớn như 130, 150. Nhờ đó, đơn vị đã đáp ứng được các đơn hàng cho dự án trọng điểm, quy mô lớn như Dự án đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối.
Nhà máy Cán thép Lưu Xá cũng đẩy mạnh việc triển khai thực hiện trong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong công nhân, người lao động. Tính trong 6 tháng đầu năm, Hội đồng sáng kiến tiết kiệm của Nhà máy đã công nhận và ứng dụng 29 sáng kiến, cải tiến kỹ thuật của người lao động vào sản xuất, giúp đem lại nguồn lợi hàng tỷ đồng.
Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp trên, đơn vị không chỉ hoàn thành sớm kế hoạch năm 2024 mà còn tạo việc làm ổn định cho hơn 300 lao động, với thu nhập bình quân 12 triệu đồng/người/tháng (tăng 4 triệu đồng/người/tháng so với năm 2023).
Anh Hoàng Xuân Hùng, công nhân Phân xưởng Cơ điện, phấn khởi nói: Mặc dù Nhà máy phải đối mặt với rất nhiều khó khăn nhưng việc làm và thu nhập của người lao động vẫn bảo đảm. Điều này giúp chúng tôi yên tâm làm việc.
Thời gian tới, nhận định thị trường thép còn diễn biến khó lường và cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các doanh nghiệp, tập thể lãnh đạo và người lao động của Nhà máy sẽ tập trung triển khai các giải pháp về nâng cao chất lượng sản phẩm các loại thép cán thông qua cải tiến, đầu tư các dây chuyền sản xuất; đẩy mạnh cắt giảm, tiết kiệm chi phí sản xuất để hạ giá thành và nâng sức cạnh tranh về giá bán sản phẩm trên thị trường; tiếp tục nâng cao hiệu quả phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong người lao động...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin