Doanh nhân xứ Trà: Kiến tâm - tạo tầm, ý chí con người Thái Nguyên

Hoài Anh - Ảnh CTV 14:20, 03/10/2022

Những năm qua, môi trường đầu tư, kinh doanh của Thái Nguyên được cải thiện mạnh mẽ, cùng với đó, các doanh nghiệp có bước phát triển nhanh chóng cả về số lượng, chất lượng và hiệu quả. Cộng đồng doanh nghiệp (DN), doanh nhân Thái Nguyên đã khẳng định vai trò quan trọng, là hạt nhân trong phát triển kinh tế, thúc đẩy hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Thái Nguyên đóng góp tích cực cho công tác an sinh xã hội. Trong ảnh: DANKO Group trao tặng 1 xe cứu thương cho Trung tâm Y tế TP. Thái Nguyên.
Cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Thái Nguyên đóng góp tích cực cho công tác an sinh xã hội. Trong ảnh: DANKO Group trao tặng 1 xe cứu thương cho Trung tâm Y tế TP. Thái Nguyên.

Ngược thời gian, ngày 13/10/1945, khi giới doanh nhân tập hợp lại thành lập Công thương Cứu quốc đoàn và gia nhập Mặt trận Việt Minh, Bác Hồ đã viết thư động viên, cổ vũ. Bức thư của Bác đã trở thành tuyên ngôn đầu tiên của Đảng, Nhà nước ta về vai trò và sứ mệnh của doanh nhân và cũng là lời kêu gọi thi đua ái quốc đầu tiên Bác dành cho giới doanh nhân. Ngày 20/9/2004, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 990/QĐ-TTg lấy ngày 13-10 là ngày “Ngày doanh nhân Việt Nam”. Từ ấy, đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam như được tiếp thêm sức mạnh và luồng sinh khí mới.

Không nằm ngoài dòng chảy ấy, những năm qua, cộng đồng DN, doanh nhân Thái Nguyên gia tăng mạnh mẽ về quy mô và tiềm lực với 7 hiệp hội, hội gồm: Hiệp hội DN, Hiệp hội Doanh nhân cựu chiến binh, Hiệp hội DN nhỏ và vừa, Hiệp hội Du lịch, Hiệp hội Vận tải ô tô, Hiệp hội DN trẻ và Hội Nữ doanh nhân, đại diện cho tiếng nói, nguyện vọng và là mái nhà chung của gần 8.800 DN, với tổng vốn đăng ký trên 127 nghìn tỷ đồng.

Trong đó, Hiệp hội DN tỉnh luôn là chỗ dựa tin cậy, vững chắc của cộng đồng doanh nhân, DN, hội tụ và lan tỏa ý chí, khát vọng doanh nhân đất Thép. Thời gian gần đây, vượt qua nhiều khó khăn do tác động của dịch COVID-19 và diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, Hiệp hội DN vẫn duy trì hoạt động và đảm bảo việc làm ổn định cho gần 30 nghìn lao động, với mức thu nhập bình quân từ 7,5-12 triệu đồng/tháng.

Hiệp hội cũng là kênh tích cực phản biện chính sách với các cấp chính quyền, là cầu nối để tư vấn trợ giúp pháp lý, giải quyết quyền lợi chính đáng cho DN; hỗ trợ thông tin liên kết hợp tác, đào tạo, bồi dưỡng cho doanh nghiệp; tham gia đề xuất, kiến nghị để tạo sự đồng nhất về triển khai luật, thực hiện chủ trương, chính sách, quy định về đất đai, ngân hàng, thuế... 

Xác định rõ, “Chuyển đổi số là cuộc đua sống còn của DN”, ngay khi tỉnh Thái Nguyên bắt tay vào thực hiện Nghị quyết về Chương trình chuyển đổi số, mỗi DN đều nỗ lực chuyển mình, chủ động thích ứng và có chiến lược chuyển đổi số phù hợp để tăng khả năng tiếp cận khách hàng, mở rộng thị trường, từ đó tăng doanh thu, tăng giá trị thương hiệu, khẳng định trụ cột kinh tế số.

Dây chuyền hiện đại của Masan High-Tech Materials tại Việt Nam.
Dây chuyền hiện đại của Masan High-Tech Materials tại Việt Nam.

Điển hình như Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG đã chuyển đổi số toàn bộ hoạt động vận hành của các nhà máy TNG. Với smartphone, từ đốc công đến công nhân thao tác chính xác ở từng vị trí công đoạn, mỗi nguyên liệu hay sản phẩm gắn mã QR giúp cả nhà máy vận hành trên điện toán đám mây. Tiến độ đơn hàng được các đối tác từ khắp nơi trên thế giới theo dõi theo thời gian thực.

Công ty CP Thương mại Thái Hưng cũng là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong công cuộc chuyển đổi số với mạng lưới 2.000 điểm bán hàng từ Bắc vào Nam, đối tác ở 50 quốc gia giao dịch hoàn toàn trên không gian mạng, dự báo sản lượng và nhu cầu thông qua AI để chủ động nguồn hàng.

Tương tự, chuyển đổi số đã tham gia vào khâu quan trọng nhất của Công ty CP Nhiệt điện An Khánh: điều tiết sản xuất theo thời gian thực, tính toán nhu cầu sản xuất theo từng ngày, từng giờ, thuật toán liên tục hoàn thiện qua thời gian để tối ưu hóa nguyên liệu, chi phí đầu vào, góp phần cùng ngành Điện ổn định giá khi giá năng lượng biến động mạnh từ đầu năm đến nay.

Công ty CP Thương mại và Du lịch Hà Lan giao tiếp với khách hàng qua app, điện thoại, vé điện tử trên từng chặng… Trong lĩnh vực du lịch, các doanh nghiệp cũng tận dụng tối đa các nền tảng truyền thông, mạng xã hội để quảng bá sản phẩm; thiết kế chính xác các tour tuyến lữ hành theo dữ liệu người dùng, từ đó thu hút lượng khách hàng tăng đột biến sau khi du lịch mở cửa trở lại.

Không chỉ đồng hành với chính quyền trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, những năm qua, cộng đồng DN, doanh nhân còn tích cực tham gia đóng góp, ủng hộ các hoạt động an sinh xã hội, nhân đạo từ thiện, góp phần tạo ra hình ảnh đẹp của doanh nghiệp, doanh nhân trong xã hội, được cộng đồng đánh giá cao.

Đặc biệt, trong cuộc chiến với đại dịch COVID-19, phải đối mặt với khó khăn, thách thức, cộng đồng DN, doanh nhân Thái Nguyên đã nêu cao tinh thần vượt khó, nỗ lực thích ứng với tình hình mới, duy trì sản xuất, kinh doanh và việc làm cho người lao động. Đồng thời đóng góp hơn 30 tỷ đồng cho các hoạt động phòng, chống dịch, như: Ủng hộ Quỹ phòng, chống dịch COVID-19; hỗ trợ trang thiết bị y tế, trang phục bảo hộ, contener chốt kiểm soát dịch…

Tại cuộc đối thoại với doanh nhân, trí thức tiêu biểu với chủ đề “Đối thoại 2045”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định “Doanh nghiệp là trụ cột của nền kinh tế quốc gia. Trụ cột càng lớn thì dân càng giàu, nước càng mạnh và sự tự cường càng lớn”. Với vị trí trung tâm, vai trò to lớn, sứ mệnh tiên phong, đội ngũ DN, doanh nhân đã và đang thể hiện rõ bản lĩnh, sáng tạo, năng động, vươn lên cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế; đóng góp thiết thực, quan trọng trong công cuộc đổi mới nhằm góp sức xây dựng tỉnh Thái Nguyên ngày càng phồn thịnh, tạo khí thế và động lực mới trong chặng đường phát triển tiếp theo.


Từ khóa:

Doanh nhân xứ Trà

Thái Nguyên