Cộng đồng doanh nghiệp nỗ lực vượt khó

Văn Hiến 08:58, 28/09/2023

Mặc dù dịch COVID-19 đã qua nhưng tình hình kinh tế trong nước nói chung, tỉnh Thái Nguyên nói riêng vẫn chưa hết khó khăn. Trước những thách thức của thời kỳ "hậu COVID-19", gần 9.000 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang "gồng mình" để duy trì hoạt động, giải quyết việc làm cho người lao động.

Các doanh nghiệp lĩnh vực may mặc của tỉnh giải quyết việc làm cho lượng lớn lao động là người địa phương.
Các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực may mặc của tỉnh đang giải quyết việc làm cho một lượng lớn lao động là người địa phương.

Nếu như năm 2022, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đạt 931,7 nghìn tỷ đồng, xuất khẩu đạt hơn 31 tỷ USD, thu ngân sách đạt 19.100 tỷ đồng, thì trong 8 tháng năm 2023, các chỉ số này thấp hơn so với cùng kỳ. Song, Thái Nguyên vẫn được đánh giá là một trong những địa phương nằm trong tốp đầu về xuất khẩu, thu hút đầu tư, giải quyết việc làm cho người lao động.

Để có được kết quả trên phải kể đến những đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, trong bối cảnh khó khăn chung, các doanh nghiệp vẫn cố gắng duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh để có doanh thu, giải quyết việc làm ổn định cho hàng trăm nghìn lao động, thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước.

Doanh thu, lợi nhuận đều giảm so với thời điểm hưng thịnh, nhưng ngay từ đầu năm, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh và các hội doanh nghiệp đã tổ chức nhiều hoạt động gắn kết các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh và các doanh nhân nhằm "mua cho nhau, bán cho nhau", hỗ trợ các thành viên vượt qua giai đoạn khó khăn.

Từng doanh nghiệp đã phát huy sức mạnh nội tại để chăm lo cho người lao động. Nhờ đó, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh không có hiện tượng công nhân ngừng việc tập thể, đình công. 

Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn An Khánh, cho biết: Thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh gặp khó khăn vì hạn chế đi lại, chuỗi cung - cầu bị đứt đoạn. Và thành công trong công tác phòng, chống dịch ở Việt Nam lại tạo ra cơ hội mới cho nhiều doanh nghiệp trong sản xuất, tìm kiếm thị trường xuất khẩu.

Theo ông Thắng, sau khi hết dịch, các quốc gia đều khuyến khích hoạt động sản xuất nên sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh trở nên khốc liệt hơn. Đặc biệt, sự bất ổn ở nhiều vùng trên thế giới đã đẩy chi phí lên rất cao, nhất là với những doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu.

"Như doanh nghiệp của chúng tôi đã phải gánh khoản chi phí nhập khẩu nguyên, nhiên liệu phục vụ sản xuất tăng trên 200% so với những năm trước. Trong khi đó, để ổn kinh tế vĩ mô, nhiều mặt hàng phải giữ nguyên giá bán hoặc tăng không đáng kể. Trong bối cảnh như vậy, để duy trì sản xuất, doanh nghiệp phải nâng cao khả năng quản trị, đoàn kết, nỗ lực, tiết kiệm chi phí tối đa…" - ông Thắng chia sẻ thêm.

Mặc dù gặp khó khăn về thị trường, nguồn vốn, cơ hội đầu tư nhưng trong 8 tháng qua, hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn có sự ổn định. Một số doanh nghiệp cắt giảm lao động, giảm giờ làm nhưng không trên diện rộng.

Đặc biệt, trong 8 tháng qua, tỉnh Thái Nguyên đã cấp mới đăng ký kinh doanh cho 733 doanh nghiệp, với tổng số vốn đăng ký 6.962 tỷ đồng; cấp điều chỉnh, thay đổi cho 1.168 doanh nghiệp, cấp thành lập 301 đơn vị trực thuộc. Thái Nguyên đã thực hiện cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 25 dự án FDI, với tổng số vốn đăng ký 170,95 triệu USD.

Bên cạnh đó, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh còn thực hiện cấp điều chỉnh 39 lượt giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, trong đó có 6 lượt điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 6,59 triệu USD; còn lại 33 lượt điều chỉnh các nội dung khác.

Trong quý IV/2023, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh đặt mục tiêu thực hiện cấp mới 9 dự án vào khu công nghiệp, trong đó có 5 dự án FDI, với tổng số vốn đăng ký 120 triệu USD (bao gồm cả mở rộng), 4 dự án DDI với tổng số vốn đăng ký đầu tư 4.000 tỷ đồng. Đây là nguồn lực rất quan trọng để thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục phát triển trong năm 2023 và những năm tới.

Tại các cuộc gặp gỡ, trao đổi, đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp mới đây, các đồng chí lãnh đạo tỉnh và 9 huyện, thành phố đều cho rằng trong quý IV/2023 và năm 2024, địa phương tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tuy vậy, toàn tỉnh sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, điều hành quyết liệt, linh hoạt để tạo cơ hội, điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển tốt nhất.

Cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh cũng kỳ vọng, với sự nhạy bén, sáng tạo, cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn sẽ quyết tâm hơn nữa để tăng tốc trong quý IV/2023, góp sức cùng cả hệ thống chính trị hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội cả năm.

Lũy kế 8 tháng năm 2023, nhóm các sản phẩm của tỉnh có sản lượng ước đạt trên 60% kế hoạch năm gồm: Than sạch khai thác 932,5 nghìn tấn, đạt 62,2% kế hoạch; sản phẩm may 70,5 triệu cái, đạt 65,3%; vonfram và sản phẩm của vonfram 15,2 nghìn tấn, đạt 71,1%.

Ngoài ra, một số mặt hàng khác của tỉnh đạt trên 50% kế hoạch năm. Tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn tỉnh trong 8 tháng ước đạt 44.378 tỷ đồng, tăng 30,5% so với cùng kỳ năm trước.


Từ khóa:

doanh nghiệp

vượt khó


Bếp từ chung cư miniCung cấp máy lạnh packaged giá rẻ công ty thẩm định giá