Chớm Đông, vườn bưởi của bà con nông dân ở các địa phương trong tỉnh bắt đầu chuyển từ sắc xanh sang màu vàng cùng hương thơm quyến rũ. Những năm gần đây, từ cây bưởi, nhiều hộ nông dân đã có thu nhập ổn định, vươn lên làm giàu; bưởi được xác định là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh.
Sản phẩm bưởi của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Nam Hòa, xã Nam Hòa (Đồng Hỷ), đã được cấp mã số vùng trồng. |
Với hơn 1ha vườn tạp, trước đây, gia đình chị Phùng Thị Hưởng, ở xóm Đoàn Kết, xã Hoàng Nông (Đại Từ), thường trồng các loại cây như: Ngô, lạc, rau… cho thu nhập không cao. Năm 2013, chị Hưởng đã chuyển đổi sang trồng bưởi, cam. Hiện, trong vườn của chị có 250 gốc bưởi Diễn.
Chị Hưởng cho biết: Ban đầu, khi mới trồng, tôi chưa có kinh nghiệm nên bưởi hay bị ong châm nên quả không được đẹp mã. Dần dà, vừa trồng, vừa học hỏi, rút kinh nghiệm, tôi đã biết cách chăm sóc cho quả mọng nước, ngọt đậm. Ngoài ra, tôi còn dùng chế phẩm sinh học để bắt ong và bọc quả, tránh bị rám nắng. Tôi nhận thấy, cây bưởi sinh trưởng tốt, sâu bệnh gây hại nhẹ, không mất nhiều công chăm sóc. Bưởi Diễn trồng sau 3 năm là cho thu hoạch. Cây càng lâu năm càng sai quả và chất lượng càng ngon. Chăm sóc theo hướng hữu cơ nên giá bưởi nhà tôi bán cao gấp đôi so với sản xuất thông thường, đa số khách hàng đến tận vườn đặt mua. Trung bình 1 năm, gia đình tôi thu hoạch từ 3-4 vạn quả, với giá bán từ 20- 25 nghìn đồng/quả, cho thu nhập trung bình trên 700 triệu đồng/năm.
Không chỉ riêng Đại Từ, ở nhiều địa phương khác trong tỉnh, bưởi đã trở thành cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều hộ nông dân. Tại những vùng sản xuất thâm canh, cây bưởi có thể cho thu nhập trung bình 360 triệu đồng/ha/năm.
Thời điểm này, tuy chưa phải chính vụ nhưng các nhà vườn bắt đầu tháo vỏ bọc, chọn tỉa thu hoạch những quả chín sớm để chào hàng. Nhiều vườn cũng đã có thương lái đến đặt mua.
Bưởi được bày bán trên tuyến đường Bến Oánh (TP. Thái Nguyên). |
Hiện, diện tích bưởi toàn tỉnh có hơn 1.900ha, tập trung ở các địa phương như: Tiên Hội, Bản Ngoại, Hoàng Nông (Đại Từ); Tràng Xá, Dân Tiến, Phương Giao (Võ Nhai); Phúc Thuận, Minh Đức (TP. Phổ Yên); Nam Hòa, Khe Mo (Đồng Hỷ); Tân Đức, Tân Khánh (Phú Bình)…
Thời gian qua, các hộ trồng bưởi đã áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật như: Thụ phấn bổ sung, điều khiển ra hoa, tưới nước, bón phân, sử dụng túi bao quả; đồng thời dán tem truy xuất nguồn gốc để tạo niềm tin cho khách hàng.
Ông Nông Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND xã Tràng Xá (Võ Nhai), chia sẻ: Cây bưởi đã được nhiều hộ dân trong xã đưa vào trồng với tổng diện tích khoảng 200ha. Để nâng cao hiệu quả kinh tế, UBND xã khuyến khích người dân lựa chọn giống, kỹ thuật chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP để đảm bảo sức khoẻ cho bản thân và tạo ra sản phẩm sạch, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Nhằm khuyến khích bà con ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông Thái Nguyên đã phối hợp với chính quyền các địa phương tổ chức tập huấn, hướng dẫn người dân cách chăm sóc, chế độ nước tưới để đảm bảo độ ẩm cho đất, cách bón phân giúp cây đủ dinh dưỡng, cách phòng trừ sâu bệnh, phương pháp bao quả. Đồng thời chú trọng liên kết từ trồng, chăm sóc, thực hành nông nghiệp tốt để phát triển vùng bưởi bền vững và tăng cường quảng bá, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm. Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản cũng hỗ trợ các hộ dân, hợp tác xã dán tem, nhãn, QR code để truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Được lựa chọn là sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh, từ năm 2021 đến nay, bưởi là một trong những loại cây trồng được tỉnh quan tâm hỗ trợ phát triển sản xuất. Cụ thể, ngoài cây giống, tại các vùng sản xuất tập trung, bà con còn được hỗ trợ 100% kinh phí chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ lần đầu; 50% kinh phí cấp lại lần đầu chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ; hỗ trợ 40% chi phí đầu tư phần bón hữu cơ, vi sinh, thuốc trừ sâu sinh học, chế phẩm sinh học trong sản xuất cây ăn quả.
Ngoài ra, bà con còn được hỗ trợ một lần 40% chi phí đầu tư công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước… Trong năm 2022, tỉnh đã hỗ trợ trồng mới 63ha bưởi với kinh phí 945 triệu đồng. Toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2025, diện tích trồng bưởi đạt 2.370ha (tăng 500ha so với năm 2022); trong đó bao gồm các giống bưởi đặc sản như: Bưởi Diễn, Da Xanh, Phúc Trạch…
Để quả bưởi có đầu ra ổn định, cùng với việc chú trọng sản xuất theo hướng an toàn, bà con cũng cần quan tâm đăng ký nhãn hiệu tập thể, phát triển bưởi thành sản phẩm OCOP và tích cực quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ. Cùng với đó, các đơn vị chức năng, chính quyền địa phương đẩy mạnh nghiên cứu, dự báo nhu cầu thị trường và kết nối, xây dựng các chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ ổn định.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin