Để vụ đông giành thắng lợi

Lương Hạnh 06:40, 07/11/2022

Những năm qua, vụ đông luôn mang lại giá trị, hiệu quả kinh tế cao, góp phần tăng thu nhập cho các hộ nông dân trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, đây cũng là vụ sản xuất chịu nhiều tác động của thời tiết, sâu bệnh, thị trường... Chính vì vậy, công tác chỉ đạo sản xuất, đảm bảo cơ cấu giống và khung thời vụ, chú trọng liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm trong vụ đông luôn được ngành Nông nghiệp quan tâm. Phóng viên Báo Thái Nguyên đã phỏng vấn ông Nguyễn Tá, Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và PTNT) xung quanh vấn đề này.

Cán bộ Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật kiểm tra tình hình sinh trưởng, phát triển cây màu vụ đông của bà con thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ).
Cán bộ Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật kiểm tra tình hình sinh trưởng, phát triển cây màu vụ đông tại thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ).

P.V: Xin ông cho biết, để giành thắng lợi trong vụ đông, công tác chỉ đạo sản xuất đã được đơn vị triển khai như thế nào?

Ông Nguyễn Tá: Vụ đông là một vụ sản xuất đặc thù, là lợi thế của Thái Nguyên nói riêng và các tỉnh phía Bắc nói chung. Bởi, nền nhiệt chuyển tiếp vào đầu vụ và cuối vụ đã tạo nên sự phong phú, đa dạng về chủng loại đối với cây trồng. Trong vụ này, bà con có thể gieo trồng cả nhóm rau màu ưa ấm và ưa lạnh. 

Nhằm đảm bảo hoàn thành kế hoạch, ngay từ đầu vụ, Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật đã có văn bản hướng dẫn sản xuất cây trồng vụ đông năm 2022. Cùng với đó, đơn vị triển khai tuyên truyền, phổ biến các chính sách hỗ trợ của tỉnh để khuyến khích nông dân tăng cường đầu tư phát triển sản xuất; xây dựng lịch thời vụ và cơ cấu giống cho từng loại cây trồng và hướng dẫn nông dân thực hiện.

Vụ đông năm 2022, Thái Nguyên phấn đấu sản lượng ngô đạt 18.300 tấn và rau các loại đạt 116.000 tấn.

Thực tế, thời gian qua, các địa phương trong tỉnh cũng đã vào cuộc khá tích cực, kế hoạch sản xuất được triển khai ngay sau khi thu hoạch lúa mùa. Tính đến đầu tháng 11, toàn tỉnh đã gieo trồng được 4.010ha ngô, đạt 100,3% kế hoạch; 6.400ha rau.

P.V: Thời gian qua, chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả, xây dựng các vùng sản xuất tập trung được coi là giải pháp quan trọng trong thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Vấn đề này được thực hiện như thế nào trong vụ đông năm nay, thưa ông?

Ông Nguyễn Tá: Hiện nay, trên một số diện tích trồng lúa kém hiệu quả, các địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch để chuyển đổi sang những loại cây trồng khác phù hợp, có hiệu quả kinh tế cao hơn.

Cụ thể, từ đầu năm 2022 đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa sang trồng cây khác có giá trị kinh tế cao hơn đạt khoảng 1.176ha, bằng 100,25% so với kế hoạch. Trong đó, diện tích chuyển sang trồng cây hàng năm là 950ha; diện tích chuyển sang trồng cây lâu năm 191ha. Đặc biệt, bà con đã lựa chọn các giống phù hợp với đồng đất địa phương để tăng giá trị của cây trồng, tăng hiệu quả kinh tế trên một diện tích đất trồng trọt.

Cùng với đó, chính quyền các địa phương cũng tập trung chỉ đạo người dân đẩy mạnh xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo hướng an toàn, gắn với liên kết bao tiêu sản phẩm, áp dụng cơ giới hóa, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

P.V: Tuy mang lại hiệu quả cao nhưng sản xuất vụ đông chịu ảnh hưởng khá nhiều của các hiện tượng thời tiết cực đoan và một số yếu tố khác. Vậy, ông nhận định như thế nào về những thách thức trong vụ đông năm nay?

Ông Nguyễn Tá: Do tác động của biến đổi khí hậu, tình hình thời tiết diễn biến ngày càng phức tạp. Cuối vụ mùa, đầu vụ đông xảy ra mưa to, gây ngập úng, làm ảnh hưởng đến việc thu hoạch lúa mùa và tiến độ trồng cây vụ đông.

Ngoài yếu tố thời tiết, trong sản xuất vụ đông, bà con còn đối mặt với nhiều khó khăn khác như: Giá vật tư đầu vào tăng cao dẫn đến chi phí sản xuất tăng; lực lượng lao động trẻ ngày càng thiếu hụt; quy mô sản xuất vụ đông còn nhỏ lẻ, manh mún…

P.V: Trước những khó khăn nêu trên, Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật đã có kế hoạch và tính toán như thế nào để vụ đông 2022 đạt kết quả cao nhất?

Ông Nguyễn Tá: Chi cục khuyến khích các địa phương tiếp tục xây dựng vùng trồng rau tập trung đủ điều kiện an toàn thực phẩm; đa chủng loại, trồng nhiều trà, rải vụ, đặc biệt tăng diện tích rau trái vụ. Cùng với đó, tăng cường áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới về giống, kỹ thuật canh tác tổng hợp; mở rộng diện tích sản xuất rau theo quy trình VietGAP.

Chúng tôi cũng khuyến khích các địa phương từng bước quy hoạch vùng sản xuất cây vụ đông, sản xuất tập trung theo từng cánh đồng, khu vực; thường xuyên kiểm tra hệ thống thuỷ lợi để chủ động nước tưới tiêu trên đồng ruộng.

Về giải pháp kỹ thuật, bà con nên lựa chọn nhóm rau đặc sản, phù hợp với thời gian sinh trưởng trong vụ đông để đáp ứng nhu cầu của thị trường dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Đồng thời, chọn mua vật tư nông nghiệp ở các đại lý, doanh nghiệp có uy tín, đảm bảo chất lượng.

Trong quá trình sản xuất, bà con ưu tiên sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hữu cơ, sinh học, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng và đem lại hiệu quả cao cho người sản xuất. Ngoài ra, bà con cũng cần nhạy bén, chủ động liên kết với các thương lái, doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ nông sản để có thị trường tiêu thụ sản phẩm đầu ra ổn định.

Về phía Chi cục sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan thúc đẩy hình thành chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm rau an toàn của bà con tới các bếp ăn tập thể, siêu thị trên địa bàn. Song hành với đó, các cấp, các ngành cũng tăng cường kêu gọi, thu hút doanh nghiệp liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, tổ chức các hội nghị xúc tiến thương mại để góp phần tiêu thụ sản phẩm vụ đông cho bà con nông dân.

Trân trọng cảm ơn ông!


Từ khóa:

vụ đông

cây trồng

trồng trọt