Để chuyển đổi số bao trùm và toàn diện

Thu Hà (Thực hiện) 09:14, 17/10/2022

Sở Thông tin và Truyền thông (TTTT) Thái Nguyên vừa được vinh danh là một trong 7 cơ quan Nhà nước chuyển đổi số (CĐS) xuất sắc của toàn quốc với giải pháp “Nền tảng Xã hội số - Ứng dụng ThaiNguyen ID”. Trao đổi với phóng viên Báo Thái Nguyên, ông Phạm Quang Hiếu, Phó Giám đốc Sở TTTT, đã thông tin về Giải thưởng và những định hướng nhằm đẩy mạnh thực hiện mục tiêu CĐS.

Để thực hiện CĐS thành công, Sở TTTT chủ trì phối hợp với Trường Đại học CNTT và Truyền thông Thái Nguyên (ICTU) thực hiện nhiệm vụ đào tạo, phát triển nhân lực CĐS. Trong ảnh: Dưới sự hỗ trợ của Sở TTTT, ICTU đã hợp tác với Tổ hợp Samsung Việt Nam đầu tư phòng lab hiện đại, tiếp nhận hàng trăm lượt sinh viên thực tập.
Để thực hiện CĐS thành công, Sở TTTT chủ trì phối hợp với Trường Đại học CNTT và Truyền thông Thái Nguyên (ICTU) thực hiện nhiệm vụ đào tạo, phát triển nhân lực CĐS. Trong ảnh: Dưới sự hỗ trợ của Sở TTTT, ICTU đã hợp tác với Tổ hợp Samsung Việt Nam đầu tư phòng lab hiện đại, tiếp nhận hàng trăm lượt sinh viên thực tập.

P.V: Xin ông cho biết ý nghĩa của Giải thưởng này đối với Sở TTTT - đơn vị Thường trực Chương trình CĐS tỉnh Thái Nguyên?

Ông Phạm Quang Hiếu: Vừa qua, Sở TTTT Thái Nguyên được Hội Truyền thông số Việt Nam (do Bộ TTTT bảo trợ) vinh danh là “Cơ quan Nhà nước CĐS xuất sắc” với Nền tảng Xã hội số - Ứng dụng ThaiNguyen ID. Nền tảng được đánh giá là góp phần tích cực thúc đẩy hoạt động CĐS trên địa bàn tỉnh.

Đây là đánh giá khách quan, ghi nhận từ Ban Tổ chức đối với ý tưởng, cách thức tổ chức triển khai và kết quả bước đầu của ThaiNguyen ID.

ThaiNguyen ID là nền tảng xã hội số với ý tưởng hướng tới phục vụ người lao động trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Thái Nguyên là tỉnh đầu tiên triển khai nền tảng này. Thấy được lợi ích của ứng dụng trong thực tế, hiện nay, đã có 20 địa phương trong cả nước liên hệ với nhà phát triển để triển khai ứng dụng.

Kết quả này vô cùng ý nghĩa, là động lực để Sở TTTT tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình CĐS tỉnh Thái Nguyên.

P.V: Việc đưa vào sử dụng ThaiNguyen ID đã đạt được kết quả và ý nghĩa như thế nào với nhiệm vụ CĐS của tỉnh, thưa ông?

Ông Phạm Quang Hiếu: Sau gần một năm triển khai, ThaiNguyen ID đã khẳng định là một ứng dụng CĐS thiết thực với người lao động, với người dân trên địa bàn tỉnh.

Đến nay, ThaiNguyen ID đã đạt 72.109 lượt cài đặt; 2.689 tài khoản đã xác thực (eKYC); 241 hồ sơ việc làm; 5.569 tin thuê nhà; 4.711 tin tuyển dụng; 14.605 tin rao vặt, 1.843tin voucher, 99 tin phản ánh hiện trường. ThaiNguyen ID đang góp phần hình thành và phát triển một hệ sinh thái trên môi trường số hoàn toàn lấy người dân là trung tâm, cung cấp cho người dân, doanh nghiệp những tiện ích số hữu hiệu, phục vụ những nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống hằng ngày.

Với việc thiết kế các tiện ích, hướng tới phục vụ người lao động trong các khu công nghiệp, giải quyết những nhu cầu rất riêng và cơ bản của người dân, ThaiNguyen ID cho thấy sự nhân văn, không ai bị bỏ lại phía sau trong các hoạt động CĐS và thụ hưởng các kết quả CĐS. Vì thế, CĐS ở tỉnh Thái Nguyên là bao trùm và toàn diện.

P.V: Thời gian tới, để phát huy tối đa lợi thế của ứng dụng, ThaiNguyen ID sẽ được phát triển như thế nào, thưa ông?

Ông Phạm Quang Hiếu: ThaiNguyen ID sẽ tiếp tục hoàn thiện các chức năng đã triển khai và tích hợp thêm các tính năng mới về: Tuyển sinh; xuất khẩu lao động; tra cứu thuế, phối hợp với các nền tảng ví để cung cấp dịch vụ thanh toán trên ứng dụng; liên kết với các đơn vị cung ứng để cung cấp những chương trình khuyến mại... Những tính năng, chức năng này sẽ góp phần để người lao động, người dân sử dụng ứng dụng một cách tự nhiên và cần thiết. Còn các doanh nghiệp, tổ chức cũng sử dụng ứng dụng như một kênh số quan trọng để tiếp cận, phục vụ các nhóm khách hàng của mình.

Cùng với đó, với dữ liệu thực tế về người lao động tương tác trên nền tảng, ThaiNguyen ID sẽ giúp tổ chức, phân tích, đưa ra các dự báo, khuyến nghị hữu ích về nguồn nhân lực; từng bước xây dựng bản đồ nguồn nhân lực; hỗ trợ hiệu quả cho hoạt động quản lý Nhà nước về lao động, cũng như các hoạt động an sinh xã hội. Đây là kỳ vọng và cũng là mục tiêu quan trọng của ThaiNguyen ID trong thời gian tới. 

P.V: Không chỉ thành công với Thái Nguyên ID, về mặt rộng hơn, xin ông cho biết những kết quả đạt được trên lĩnh vực CĐS sau gần 2 năm thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 31/12/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chương trình CĐS tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2021-2025 định hướng đến năm 2030 (Nghị quyết số 01)?

Ông Phạm Quang Hiếu: Nghị quyết số 01 đã mở ra hướng đi, tạo sức sống mới và sự vào cuộc mạnh mẽ, tích cực của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội, mang lại hiệu quả thiết thực trên ba trụ cột: chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.

Đặc biệt, trong hệ thống chính trị và toàn xã hội đã có sự chuyển biến sâu rộng về nhận thức CĐS. Giờ đây, CĐS đã là xu hướng tất yếu, giải pháp ưu tiên và nhu cầu tự thân của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh.

Để định lượng và đánh giá tương đối kết quả CĐS của tỉnh, ta có thể nhìn vào các đánh giá, xếp hạng quốc gia về lĩnh vực này. Kết thúc năm 2021, Thái Nguyên xếp trong top 10 tỉnh, thành phố đứng đầu về CĐS, với vị trí thứ 8/63, tăng 4 bậc so với năm 2020. Trong 3 trụ cột của CĐS, Thái Nguyên đứng thứ 9/63 tỉnh, thành về chính quyền số; 5/63 về kinh tế số và 8/63 về xã hội số...

P.V: Thời gian tới, tỉnh Thái Nguyên sẽ triển khai những phần việc gì để đẩy mạnh công tác CĐS, thực hiện mục tiêu CĐS, thưa ông?

Ông Phạm Quang Hiếu: Để triển khai các hoạt động CĐS hiệu quả hơn nữa, chúng ta cần bám sát những mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra trong Nghị quyết số 01-NQ/TU, các chỉ đạo và định hướng mới của Chính phủ,Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban CĐS quốc gia, Bộ TTTT... Đồng thời phát huy nền móng đã xây dựng được trong gần 2 năm qua, tính tới các lợi thế và yếu tố đặc thù của tỉnh để có những giải pháp, hoạt động triển khai phù hợp, hiệu quả và sáng tạo.

Trong đó, quan tâm triển khai một số nội dung trọng tâm như: Đẩy mạnh chuyển biến thực tiễn hơn trong nhận thức về CĐS; tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ Đề án 06 của Chính phủ về “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh điện tử phục vụ CĐS quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030”; nghiên cứu triển khai các hoạt động quy hoạch dữ liệu; thúc đẩy xây dựng các chính sách và hoạt động hỗ trợ phát triển doanh nghiệp công nghệ số.

Cùng với đó, tỉnh sẽ ưu tiên triển khai các hoạt động CĐS theo hướng sử dụng các nền tảng số; triển khai hiệu quả các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, phát triển nguồn nhân lực số; tiếp tục tăng cường truyền thông về lợi ích của CĐS, trong đó coi tổ công nghệ số cộng đồng là giải pháp đột phá để hiện thực hóa mục tiêu đưa CĐS là sự nghiệp của toàn dân.

Xin trân trọng cảm ơn ông!