Sát cánh cùng nông dân 

Lương Hạnh 07:59, 05/11/2022

Với chức năng tham mưu cho UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT về công tác chỉ đạo, triển khai sản xuất, thời gian qua, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Thái Nguyên luôn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Việc Chi cục xây dựng lịch khung thời vụ sản xuất, lựa chọn cơ cấu giống phù hợp cộng với công tác điều tra, dự tính, dự báo tình hình sâu bệnh và hướng dẫn bà con kỹ thuật phòng, trừ kịp thời đã góp phần tích cực tạo nên những vụ mùa vàng bội thu.

Cán bộ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Thái Nguyên điều tra tình hình sâu bệnh gây hại trên cây chè ở xã Hoàng Nông (Đại Từ).
Cán bộ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Thái Nguyên điều tra tình hình sâu bệnh gây hại trên cây chè ở xã Hoàng Nông (Đại Từ).

Tìm hiểu chúng tôi được biết, công tác phòng, chống sinh vật gây hại là một trong những nhiệm vụ quan trọng được Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Thái Nguyên tập trung triển khai thời gian qua. Cán bộ của Chi cục đã không quản thời tiết nắng nóng hay giá rét, luôn bám sát đồng ruộng, làm tốt công tác điều tra diễn biến dịch hại trên cây trồng để dự tính, dự báo chính xác thời gian phát sinh, quy mô, mức độ gây hại và hướng dẫn kỹ thuật phòng trừ kịp thời.

Theo đó, trong 10 tháng năm 2022, Chi cục đã tiến hành 564 cuộc điều tra định kỳ (vượt 13% so với kế hoạch) trên các loại cây trồng: lúa, chè, rau màu, ngô, cây ăn quả. Đồng thời, ban hành 41 thông báo tuần định kỳ, 10 thông báo tháng, 2 báo cáo vụ.

Nhờ đó, các đối tượng sinh vật gây hại chính đều được phát hiện sớm, phòng trừ kịp thời, không xảy ra tình trạng sâu bệnh phát sinh gây thiệt hại nặng ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng cây trồng.

Ngoài ra, trước mỗi vụ sản xuất, Chi cục đều ban hành văn bản hướng dẫn về khung thời vụ, cơ cấu giống cũng như khuyến cáo bà con lựa chọn cơ cấu giống hợp lý để triển khai áp dụng vào sản xuất đạt hiệu quả cao nhất. Chi cục cũng chú trọng công tác tập huấn, tuyên truyền, hướng dẫn bà con nông dân các biện pháp kỹ thuật kỹ thuật như: đẩy mạnh ứng dụng canh tác lúa cải tiến (SRI); ba giảm, ba tăng; quản lý dịch hại IPM, ICM, IPHM, cánh đồng mẫu lớn...

Cùng với đó, khuyến khích nông dân sử dụng các sản phẩm phân hữu cơ, thuốc bảo vệ sinh học, hạn chế thấp nhất việc sử dụng thuốc diệt cỏ, hướng tới phát triển một nền nông nghiệp xanh, bền vững.

Từ đầu năm đến nay, giá phân bón tăng cao, tình hình thời tiết diễn biến phức tạp là những yếu tố ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân trong tỉnh. Do đó, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Thái Nguyên đã chủ động tham mưu cho UBND, Sở Nông nghiệp và PTNT công tác chỉ đạo và triển khai sản xuất, hướng dẫn chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh có hiệu quả nên các chỉ tiêu cơ bản đều hoàn thành theo kế hoạch đề ra.

Năm 2022, sản lượng lương thực có hạt toàn tỉnh ước đạt trên 457.280 tấn, đạt 104,68% kế hoạch. Trong đó, diện tích gieo trồng lúa cả năm đạt hơn 68.250ha (lúa năng suất chất lượng cao, lúa đặc sản chiếm 56,59%), năng suất ước đạt 55,98 tạ/ha, sản lượng ước đạt 382.100 tấn, bằng 104,97% kế hoạch.

Còn diện tích gieo trồng ngô cả năm đạt gần 15.250ha, năng suất ước 49,30 tạ/ha, sản lượng ước đạt 75.180 tấn, bằng 103,26% kế hoạch. Đối với cây rau, diện tích gieo trồng cả năm của tỉnh đạt 15.200ha, sản lượng dự ước đạt 282.538 tấn, bằng 105,54% kế hoạch.

Đánh giá của cơ quan chuyên môn cho thấy, không riêng năm 2022 mà trong vòng 5 năm trở lại đây, bà con nông dân Thái Nguyên liên tiếp gặt hái được những mùa vàng.

Ông Nguyễn Tá, Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Thái Nguyên, cho biết: Thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục tham mưu cho Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND tỉnh các giải pháp để phát triển lĩnh vực nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân. Cụ thể như: tham mưu xây dựng Phương án sản xuất nông nghiệp năm 2023 lĩnh vực trồng trọt, báo cáo Sở Nông nghiệp và PTNT trình UBND tỉnh phê duyệt; tiến hành chuyển đổi cơ cấu giống lúa theo hướng tăng các giống mới có năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao, thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng khí hậu của tỉnh Thái Nguyên.

Cùng với đó, Chi cục tiếp tục xây dựng các vùng trồng rau tập trung đủ điều kiện an toàn thực phẩm; đa chủng loại, nhiều trà, rải vụ, đặc biệt, tăng diện tích rau trái vụ; xúc tiến liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm rau an toàn. Chi cục cũng sẽ tập trung chỉ đạo công tác phòng dịch bệnh trên cây trồng, tăng cường quản lý Nhà nước về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để đảm bảo chất lượng vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất…