Thời gian qua, cùng với việc tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, TP. Sông Công cũng kịp thời triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp nhằm thúc đẩy nông nghiệp của địa phương phát triển. Qua đó góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của bà con nông dân.
Mô hình trồng dưa chuột bao tử trong nhà màng của gia đình ông Nguyễn Văn Ngữ, ở tổ dân phố Pha, phường Lương Sơn (TP. Sông Công) hiện là một trong những mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có hiệu quả tại địa phương. |
Năm 2022, khi được TP. Sông Công hỗ trợ một phần kinh phí, anh Đặng Văn Đăng, ở xóm La Cảnh 1, xã Bá Xuyên đã mạnh dạn xây dựng khu nhà màng với diện tích hơn 1.100m2, áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt để sản xuất dưa lưới. Anh Đăng cho biết: Mặc dù chi phí đầu tư ban đầu cao, song trồng rau màu trong nhà màng hạn chế được những rủi ro bởi thời tiết, sâu bệnh nên năng suất cây trồng cao hơn. Sau 2 vụ thu hoạch dưa lưới, nhận thấy lợi nhuận thu về đạt khá nên tôi dự tính sẽ mở rộng quy mô trong vụ tới.
Theo ông Ngô Quảng Bá, Trưởng phòng Kinh tế TP. Sông Công: Diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn đang dần bị thu hẹp để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Do vậy, lĩnh vực nông nghiệp luôn được thành phố quan tâm và có chính sách hỗ trợ bà con phát triển sản xuất hiệu quả. Hằng năm, TP. Sông Công đã chỉ đạo các xã, phường xây dựng kế hoạch sản xuất gắn với Đề án phát triển nông nghiệp bền vững và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn; triển khai các dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, gắn với Đề án “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, sản xuất theo hướng an toàn, hữu cơ gắn với hình thành các vùng sản xuất tập trung và xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp chủ lực...
Cùng với sự hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, TP. Sông Công cũng ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể, phù hợp ở từng lĩnh vực sản xuất. Theo đó, thành phố hỗ trợ 40% chi phí đầu tư phân bón, vật tư, chế phẩm sinh học, đầu tư công nghệ tưới tiết kiệm trong sản xuất cây ăn quả; hỗ trợ kinh phí mua giống chè để trồng mới, trồng thay thế; hỗ trợ giá giống đối với vùng sản xuất lúa tập trung với mức 30 nghìn đồng/sào và hỗ trợ không quá 50% chi phí vật tư phân bón; hỗ trợ 100% chi phí tuyên truyền, đào tạo, hướng dẫn khoa học kỹ thuật…
Tính riêng năm 2022, TP. Sông Công đã dành hơn 5,3 tỷ đồng thực hiện hỗ trợ sản xuất nông nghiệp. Trong đó, kinh phí tỉnh hỗ trợ 981,6 triệu đồng, còn lại là ngân sách thành phố. Nói về hiệu quả của chính sách hỗ trợ, anh Phan Thanh Trọng, ở xóm Bình Định 1, xã Bình Sơn - hộ được hỗ trợ hệ thống tưới tiết kiệm với kinh phí khoảng 15 triệu đồng, nói: Gia đình tôi triển khai mô hình trồng mít ta trên đất đồi. Việc trồng mít ta trên đất đồi khó khăn hơn so với trồng dưới đất bằng phẳng. Việc được hỗ trợ kinh phí lắp đặt hệ thống tưới tự động đã giúp khâu chăm sóc cây trồng thuận lợi hơn. Đến nay, diện tích mít ta của gia đình đã được nhân rộng từ 2,5ha lên 5ha.
Bằng những giải pháp cụ thể, hoạt động sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản của TP. Sông Công năm 2022 đã đạt được những kết quả tích cực. Sản lượng lương thực có hạt ước đạt trên 21.500 tấn; thành phố đã xây dựng 10 vùng sản xuất lúa tập trung chất lượng cao, với diện tích gần 140ha; thành lập mới 1 hợp tác xã và 17 tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp. Với các chính sách hỗ trợ kịp thời, phù hợp, nhiều nông dân trên địa bàn đã mạnh dạn mở rộng quy mô sản xuất, xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao. Qua đó, góp phần đưa thu nhập bình quân của người dân khu vực nông thôn năm 2022 đạt trên 45 triệu đồng/người/năm, giá trị sản phẩm trên 1ha đất nông nghiệp đạt 120 triệu đồng/năm...
Nhằm thúc đẩy nông nghiệp phát triển, thời gian tới, TP. Sông Công tiếp tục tập trung quy hoạch vùng sản xuất để đầu tư có trọng điểm, tạo ra các sản phẩm có năng suất, chất lượng, thương hiệu trên thị trường. Bên cạnh đó, khuyến khích các hộ dân tích tụ đất đai, dồn điền, đổi thửa nhằm tăng quy mô sản xuất, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào trồng trọt, chăn nuôi nhằm hình thành chuỗi giá trị sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm. Thành phố phấn đấu đến năm 2025, giá trị sản phẩm trên 1ha đất nông nghiệp đạt trên 125 triệu đồng; 100% diện tích chè sản xuất tập trung được áp dụng tiêu chuẩn VietGAP; 100% các gia trại, trang trại có liên kết tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo vệ sinh môi trường và công tác phòng, chống dịch bệnh...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin