Phát triển chăn nuôi theo hướng hữu cơ an toàn sinh học gắn với điểm giết mổ gia súc, gia cầm tập trung là một trong những nội dung trọng tâm được huyện Võ Nhai đề ra trong Đề án phát triển nông nghiệp giai đoạn 2021-2025. Thực hiện nội dung này, bước đầu huyện đã triển khai thành công một số mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng và bảo đảm đầu ra cho sản phẩm.
Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Võ Nhai phối hợp với UBND các xã Bình Long, Phương Giao đánh giá mô hình chăn nuôi gà, lợn theo hướng hữu cơ an toàn sinh học gắn với điểm giết mổ tập trung. |
Có trên 10 năm kinh nghiệm nuôi gà quy mô trang trại với hàng nghìn con gà mỗi lứa nhưng năm 2022 này, bà Hoàng Thị Nga, ở xóm Liên Bình, xã Bình Long (Võ Nhai) lần đầu tiên nuôi gà theo hướng hữu cơ an toàn sinh học. Theo đó, tháng 7/2022, bà Nga được huyện Võ Nhai hỗ trợ 70% kinh phí mua 300 con gà giống, thức ăn hữu cơ, vắc-xin; đồng thời được hỗ trợ toàn bộ kỹ thuật, quy trình chăn nuôi hữu cơ, an toàn sinh học.
Với lứa gà này, bà Nga sử dụng giống gà lai chọi có nguồn gốc rõ ràng và tuân thủ quy trình chăn nuôi an toàn sinh học theo hướng hữu cơ do Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Võ Nhai hướng dẫn. Gia đình bà cũng tận dụng triệt để các phụ phẩm nông nghiệp và nguồn thức ăn hữu cơ sẵn có tại địa phương để làm thức ăn chăn nuôi.
Sau hơn 3 tháng triển khai, bà Nga thu về gần 9 tạ gà thành phẩm, bán với giá trung bình 70 nghìn đồng/kg và đạt lợi nhuận gần 23 triệu đồng. Chia sẻ với chúng tôi, bà Nga cho hay: Nhờ bảo đảm được các yêu cầu kỹ thuật, đàn gà phát triển rất tốt, khoẻ mạnh hơn và đạt giá trị lợi nhuận cao hơn khoảng 10% so với chăn nuôi theo cách thông thường.
Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết, từ cuối năm 2021, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Võ Nhai triển khai Dự án xây dựng các mô hình chăn nuôi gà, lợn theo hướng hữu cơ an toàn sinh học gắn với điểm giết mổ tập trung giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, trong giai đoạn 2022-2024, Trung tâm triển khai các mô hình nuôi lợn, gà lai chọi hữu cơ cho bà con nông dân tại một số xã trên địa bàn, với tổng mức đầu tư trên 980 triệu đồng. Trong đó, ngân sách huyện hỗ trợ trên 700 triệu đồng, phần còn lại do bà con nhân dân đối ứng.
Giống gà lai chọi được đánh giá thích nghi tốt với môi trường chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, hữu cơ, cho năng suất cao hơn một số giống gà được nuôi phổ biến tại Võ Nhai. |
Mục tiêu của Dự án là phát triển chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ theo hướng hữu cơ an toàn sinh học, tạo ra vùng chăn nuôi an toàn, nâng cao chất lượng, giá trị và đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm. Tham gia Dự án là các tổ hợp tác, chủ trang trại, HTX có kinh nghiệm trong chăn nuôi, đủ lao động, kinh phí đối ứng, có chuồng trại đủ điều kiện; có khả năng tiếp thu khoa học kỹ thuật vào sản xuất; cam kết thực hiện đảm bảo đúng quy trình và cam kết bao tiêu sản phẩm gắn với điểm giết mổ tập trung.
Qua Dự án này, bà Hoàng Thị Nga và 7 hộ chăn nuôi quy mô trang trại khác trên địa bàn 2 xã Phương Giao và Bình Long là những hộ đầu tiên của huyện Võ Nhai tham gia nuôi gà theo hướng hữu cơ an toàn sinh học, với tổng quy mô 2,7 nghìn con gà giống lai chọi. Các hộ dân tham gia Dự án được hỗ trợ tập huấn kỹ thuật và 70% chi phí giống, thức ăn và vắc-xin trị giá 150 triệu đồng, với yêu cầu bắt buộc sử dụng giống gà có nguồn gốc rõ ràng; đồng thời, tuân thủ quy trình chăn nuôi an toàn sinh học theo hướng hữu cơ do Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện hướng dẫn.
Sau hơn 3 tháng triển khai, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Võ Nhai đã phối hợp với UBND các xã Bình Long, Phương Giao đánh giá các mô hình và nhận định: Giống gà lai chọi thích nghi tốt với môi trường chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, hữu cơ, cho năng suất cao hơn giống gà khác được chăn nuôi phổ biến tại địa phương. Gà nuôi sau 3 tháng đạt trọng lượng bình quân 3kg/con, cho thịt thương phẩm thơm, ngon, phù hợp với nhu cầu thị trường. Với giá bán khoảng 70 nghìn đồng/kg, tổng giá trị lợi nhuận của 8 hộ tham gia đạt trên 200 triệu đồng.
Ông Trần Quang Hưng, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Long, thông tin: Quy trình chăn nuôi theo hướng hữu cơ giúp người dân chủ động phòng, chống dịch bệnh, nâng cao sức đề kháng cho vật nuôi, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Chúng tôi sẽ khuyến khích các hộ chăn nuôi khác trong xã nghiên cứu, mở rộng mô hình này.
Còn ông Phạm Xuân Thái, Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Võ Nhai, cho biết: Khi khảo sát thực hiện Dự án, chúng tôi nhận định sau chu kỳ nuôi 3 tháng sẽ cho xuất bán, với trọng lượng đạt trung bình 2,5kg/congà. Trên thực tế, gà xuất bán cho trọng lượng trung bình đạt tới 3kg/con. Do vậy, hiệu quả lợi nhuận từ mô hình thay vì đạt 180 triệu đồng như dự báo đã đạt thực tế trên 200 triệu đồng.
Cũng theo ông Thái, trong những năm gần đây, huyện Võ Nhai đã có nhiều chuyển biến tích cực trong sản xuất nông nghiệp. Trong đó, lĩnh vực chăn nuôi có xu hướng tăng dần tỷ trọng so với trồng trọt. Hiện nay, toàn huyện đã có trên 25 trang trại, gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm theo chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp. Việc xây dựng các mô hình chăn nuôi lợn, gà theo hướng hữu cơ an toàn sinh học gắn với điểm giết mổ tập trung là hết sức cần thiết nhằm hướng tới phát triển chăn nuôi bền vững, tạo tiền đề để tiếp tục xây dựng các trang trại chăn nuôi lợn, gà hữu cơ tập trung theo hướng hàng hóa trong các năm tiếp theo.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin