Sản xuất vụ đông: Mùa vụ phụ - thu nhập chính

Trinh An   18:20, 07/01/2023

Chỉ gần 3 tháng trồng rau và cây màu vụ đông đã mang lại cho người dân xã Tân Dương (Định Hóa) thu nhập hơn 100 triệu đồng/ha đất nông nghiệp. Trên cùng diện tích đất, nếu thâm canh đủ 3 vụ/năm, giá trị kinh tế sẽ đạt trên 200 triệu đồng/ha. Việc luân canh, tăng vụ đang được người dân thực hiện hiệu quả, góp phần hình thành các vùng nông sản hàng hóa tập trung tại huyện Định Hóa.

Vụ đông năm nay gia đình bà Vi Thị Huế, xóm Tân Tiên 2 (xã Tân Dương, Định Hóa) gieo trồng gần 3 sào rau màu các loại, cho thu nhập gần 4 triệu đồng/sào.
Vụ đông năm nay, gia đình bà Vi Thị Huế, ở xóm Tân Tiến 2, xã Tân Dương (Định Hóa) gieo trồng gần 3 sào rau màu các loại, cho thu nhập gần 4 triệu đồng/sào.

Gần Tết, những lứa rau màu cuối cùng của vụ đông trên đồng đất xã Tân Dương đang được người dân khẩn trương thu hoạch để chuẩn bị làm đất sản xuất vụ xuân. Càng sát Tết, các loại rau xanh và ngô nếp càng đắt hàng và có tư thương đến đặt mua ngay tại chân ruộng.

Gia đình bà Vi Thị Huế, ở xóm Tân Tiến 2, có gần 3 sào đất ruộng. Sau khi thu hoạch lúa mùa, bà Huế đã bắt tay ngay vào trồng các loại rau màu vụ đông. Bà hào hứng: Mỗi vụ lúa cho thu hoạch khoảng 3 triệu đồng/sào, sau thu hoạch, gia đình trồng ngô nếp, xen canh bí đỏ (bí Cô tiên) và dưa chuột. Dịp cuối năm cho thu hoạch đạt giá trị 2,6-2,7 triệu đồng/sào. Thuận nước tưới nhờ có hệ thống kênh mương nội đồng, nên đất luôn ẩm, mềm nên tôi vừa canh tác, vừa dưỡng đất cho vụ xuân. 3 năm trở lại đây, nhờ áp dụng kỹ thuật phòng trừ dịch hại tổng hợp, cũng như kỹ thuật chăm sóc rau an toàn, nên chất lượng sản phẩm luôn được người tiêu dùng ưa chuộng.

Theo Phó chủ tịch UBND xã Tân Dương Nguyễn Thị Hương: Trước đây, người dân địa phương chưa có thói quen sản xuất vụ đông, nên sau khi gặt lúa mùa, đồng đất thường bị bỏ hoang. Mặt ruộng khô chai, đất bạc màu, khi vào vụ xuân làm đất rất tốn công sức. Những năm gần đây, nhờ hệ thống thuỷ lợi được kiên cố, dẫn nước bao quanh các cánh đồng, nên sản xuất vụ đông bắt đầu được khai thác hiệu quả. Từ chỗ chỉ có gần 5ha đất gieo trồng vụ đông vào năm 2015, đến nay, Tân Dương đã có gần 70ha cây màu vụ đông, trong tổng số 631ha diện tích đất nông nghiệp toàn xã. Theo tính toán, nếu luân canh đủ 3 vụ trên cùng một diện tích, giá trị thu nhập có thể đạt từ 200 đến 230 triệu đồng/ha/năm.

Hiện nay, người dân xã Tân Dương đang triển khai sản xuất vụ đông bằng hình thức xen canh các cây ngô nếp, bí đỏ, dưa chuột, rau lấy ngọn… cho thu nhập trên 70 triệu đồng/ha/vụ. Riêng cây cà chua cho thu nhập trên 200 triệu đồng/ha/vụ; rau củ và rau lấy lá cho thu nhập trên 180 triệu đồng/ha/vụ...

Mặc dù mang lại thu nhập cao, nhưng hầu hết các gia đình thâm canh phân tán, chưa tạo thành vùng tập trung và chưa có hợp tác chặt chẽ trong khâu tổ chức sản xuất cũng như liên kết kinh doanh. Đến nay, ở xã Tân Dương mới bắt đầu hình thành vùng sản xuất rau màu vụ đông tập trung ở xóm Tân Tiến 2. Theo thống kê, năm 2022, tại xóm Tân Tiến 2 có 6 hộ gia đình làm rau màu vụ đông theo hướng chuyên canh và cho thu nhập tăng thêm từ 30 đến 35 triệu đồng/sào/vụ.

Được biết, đến nay, toàn huyện Định Hóa đã có trên 1.000ha đất canh tác vụ đông, tăng trên 100ha so với năm 2020. Trên địa bàn huyện đã hình thành được mô hình Hợp tác xã Nông sản an toàn ATK Định Hóa tại vùng rau an toàn xã Phượng Tiến và nhiều tổ hợp tác sản xuất rau an toàn ở khu vực thị trấn Chợ Chu, các xã Bảo Cường, Linh Thông, Quy Kỳ…

Tuy nhiên, để hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, gắn với các tiêu chuẩn sản xuất thực phẩm an toàn, tiêu chuẩn VietGAP… rất cần sự hợp tác chuyên sâu, đầu tư gắn với chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt cần đẩy nhanh và bền vững trong xây dựng, phát triển thương hiệu nông sản trên các hình thức giao dịch truyền thống và thương mại điện tử.