Định Hóa là địa phương có diện tích chè đứng thứ 4 của tỉnh, với 2.690ha (sau các huyện Đại Từ, Đồng Hỷ, Phú Lương). Từ nhiều năm nay, chè đã được chọn là cây trồng chủ lực của huyện để nâng cao giá trị sản xuất trên đất nông nghiệp. Vì vậy, người dân Định Hóa chú trọng đầu tư thâm canh chè.
Người dân xã Bộc Nhiêu (Định Hóa) thu hái chè. |
Tiếp chúng tôi trong căn nhà trưng bày sản phẩm chè khang trang được Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh hỗ trợ kinh phí xây dựng cách đây hơn 2 năm, chị Nguyễn Thị Nguyệt, Giám đốc HTX nông sản Phú Đạt, ở xã Sơn Phú (Định Hóa), chia sẻ: HTX của chúng tôi ra đời từ năm 2018 với 9 thành viên, nhằm liên kết các hộ dân cùng sản xuất chè theo hướng nâng cao giá trị. Đến nay, mỗi tháng, HTX cung ứng ra thị trường trên 2 tấn chè búp khô được sản xuất theo quy trình VietGAP. Doanh thu của HTX đạt trên 2 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho khoảng 30 lao động với mức thu nhập từ 5-7 triệu đồng/người/tháng.
Năm 2022 là một dấu mốc quan trọng khi HTX nông sản Phú Đạt đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh đối với 2 sản phẩm là Long Vân trà và Tâm Như trà nõn. Qua đó, thương hiệu chè Phú Đạt ngày càng bay xa, sản phẩm được mở rộng thị trường tiêu thụ.
Theo thống kê, Sơn Phú là xã có diện tích chè tập trung lớn nhất huyện Định Hóa, với trên 320ha, trong đó có 260ha đang cho thu hoạch. Từ năm 2015 trở lại đây, nhờ tích cực đưa các giống chè lai vào trồng thay thế diện tích chè trung du, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất chè búp tươi của xã tăng từ 90 tạ lên 130 tạ/ha/năm, sản lượng hiện nay ước đạt 3.560 tấn/năm (tăng gấp 1,5 lần so với năm 2015). Cây chè đã trở thành nguồn thu nhập thường xuyên cho 80% các hộ dân trong xã.
Còn tại xã Phú Đình, diện tích chè hiện nay là 227ha, trong đó có 210ha chè kinh doanh, bước đầu đã hình thành được các HTX, tổ hợp tác để tạo chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chè. Xã có làng nghề chè truyền thống nổi tiếng ở các thôn Phú Ninh 1, 2, 3. Đây là một trong những vùng chè nổi tiếng nhất của huyện Định Hóa, với sản phẩm chè chất lượng cao. Làng nghề hiện có gần 20ha chè được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, trong đó trên 95% diện tích được trồng các giống chè mới có năng suất, chất lượng cao, như LDP1, PH1, TRI 777, Phúc Vân Tiên...
Cùng với đó, ở xã Phú Đình còn có 4 làng nghề chè truyền thống khác và 1 HTX chè hoạt động hiệu quả. Năng suất chè búp tươi hiện nay đạt bình quân 155 tạ/ha/năm, sản lượng đạt khoảng 3.260 tấn/năm. Thu nhập bình quân của người dân trong xã đạt 46 triệu đồng/người/năm, chủ yếu là từ cây chè.
Ông Trương Văn Vựng, Chủ tịch UBND xã Phú Đình, cho biết: Thời gian tới, để tiếp tục xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm chè của địa phương, xã sẽ tuyên truyền, vận động các hộ làm chè tích cực tham gia quảng bá sản phẩm. Đồng thời, xã có chủ trương phát triển cây chè tại một số điểm gắn với hoạt động du lịch cộng đồng.
HTX nông nghiệp Sơn Thắng, xã Sơn Phú (Định Hóa) được Liên minh HTX tỉnh hỗ trợ kinh phí lắp đặt máy sao chè. |
Để khuyến khích bà con tham gia trồng mới và trồng thay thế chè trung du bằng các giống chè mới có năng suất, chất lượng cao, từ năm 2011, huyện Định Hóa đã có cơ chế hỗ trợ 50% chi phí mua giống chè mới cho các hộ dân có nhu cầu, riêng với các hộ nghèo và cận nghèo được ngân sách huyện hỗ trợ 100% giá giống, tương đương khoảng 13,5 triệu đồng/ha. Bên cạnh đó, huyện cũng hỗ trợ bà con thay đổi cách chế biến chè từ phương pháp thủ công sang sử dụng các loại máy móc.
Đến nay, 100% các hộ làm chè ở các làng nghề của huyện Định Hóa đều sử dụng tôn quay, máy vò chè bằng inox, nhiều hộ đầu tư cả máy tưới chè bằng van xoay, máy sao chè bằng khí gas, máy đóng gói hút chân không; được UBND huyện hỗ trợ bao bì, tem truy xuất nguồn gốc, mã QR… |
Hiện nay, trên địa bàn huyện Định Hóa đã hình thành 19 làng nghề chè đặc sản nổi tiếng, tiêu biểu như: Làng nghề chè Quỳnh Hội, xã Trung Hội; làng nghề chè Sơn Thắng, làng nghề chè Phú Hội, xã Sơn Phú; làng nghề chè Phú Ninh 1, 2, 3, xã Phú Đình… Việc phát triển các làng nghề chè cùng với chính sách hỗ trợ của huyện đã tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương, góp phần quan trọng giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập cho người dân.
Các làng nghề chè trong huyện đang giải quyết việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động với mức thu nhập từ 5 đến 7 triệu đồng/người/tháng. Sản lượng chè búp tươi của huyện năm 2022 đạt 28.950 tấn (tăng gần 5.000 tấn so với 5 năm trước đây). Toàn huyện đã có 364ha chè được cấp chứng nhận VietGAP, trên 50ha đang bắt đầu chuyển sang sản xuất theo hướng hữu cơ…
Với những chính sách hỗ trợ phát triển thích hợp, hiệu quả, giá trị kinh tế của cây chè ở Định Hóa đã được nâng lên rõ rệt. Ông Mông Đình Tinh, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, cho biết: Hiện nay, huyện đang tập trung đầu tư để tiếp tục nâng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu sản phẩm chè của địa phương. Hiện nay, huyện đã có 3 sản phẩm chè đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh, có giá bán từ 300-500 nghìn đồng/kg. Trong năm 2023, địa phương phấn đấu có thêm từ 2-3 sản phẩm chè của các HTX đạt chứng nhận OCOP.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin