Sản xuất theo tiêu chuẩn OCOP, hữu cơ: Tăng cường kết nối cung - cầu

Lương Hạnh - Lăng Khoa 18:14, 16/04/2023

Với tiềm năng, lợi thế trong phát triển sản xuất nông nghiệp, tính hết năm 2022, Thái Nguyên có 173 sản phẩm OCOP được xếp hạng từ 3-5 sao. Tuy nhiên, số lượng sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn hữu cơ rất ít. Ngoài quy trình sản xuất khắt khe, cần thời gian dài để cải tạo đất, năng suất cây trồng giảm trong thời gian đầu, chi phí sản xuất tăng thì thị trường đầu ra chưa ổn định cũng là nguyên nhân khiến nhiều chủ thể OCOP còn e dè khi triển khai sản xuất hữu cơ.

Sản xuất nấm hữu cơ tại Công ty TNHH Công nghệ sinh học Phú Gia, ở thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ).
Sản xuất nấm hữu cơ tại Công ty TNHH Công nghệ sinh học Phú Gia, ở thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ).

Thị trường đầu ra chưa ổn định

Hợp tác xã (HTX) Chè Nhật Thức ở xã Phục Linh (Đại Từ) hiện có 3 sản phẩm được xếp hạng OCOP 3 sao, 4 sao. Đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng về sản phẩm an toàn, thời gian qua, cùng với áp dụng thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP), HTX đã chuyển hướng sang sản xuất chè hữu cơ với diện tích 7,8ha trên tổng số 20ha.

Chị Đào Thị Thức, Giám đốc HTX, chia sẻ: Nhận thấy việc sản xuất hữu cơ không những cung cấp sản phẩm an toàn cho thị trường mà còn bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân người làm, từ năm 2021, chúng tôi đã vận động bà con làm chè theo hướng hữu cơ. Theo đó, những nương chè bón phân hóa học đã được thay bằng phân hữu cơ, thuốc trừ sâu sinh học. Tuy nhiên, hiện nay sản phẩm chè hữu cơ chưa có thị trường tiêu thụ ổn định nên chúng tôi vẫn sản xuất song song cả chè VietGAP chứ chưa chuyển đổi toàn bộ diện tích sang sản xuất hữu cơ. 

Đối với HTX Chè Hảo Đạt, xã Tân Cương (TP. Thái Nguyên), đơn vị đầu tiên trong tỉnh có sản phẩm chè đạt tiêu chuẩn OCOP 5 sao cấp Quốc gia, làm thế nào để được cấp chứng nhận sản xuất chè hữu cơ là vấn đề mà lãnh đạo đơn vị đang trăn trở.

Theo lãnh đạo HTX: Ban đầu, khi mới làm chè hữu cơ, bà con rất lo lắng vì thời gian đầu chuyển đổi, cây chè sẽ bị giảm 50% năng suất. Thế nhưng, sau khi được tuyên truyền, hiểu được lợi ích của việc sản xuất nông nghiệp an toàn, người dân đã đồng hành với HTX. Đơn vị đã thuê 1 kỹ sư nông nghiệp hướng dẫn bà con cách bón phân hữu cơ, sử dụng thuốc trừ sâu sinh học tùy theo từng giai đoạn sinh trưởng của cây chè để đạt hiệu quả cao nhất.

HTX rất mong muốn Nhà nước tạo điều kiện, hỗ trợ về thủ tục, quy trình làm chứng nhận, cấp và dán nhãn sản phẩm nông nghiệp hữu cơ để ngoài tiêu thụ trong nước, đơn vị đảm bảo đủ các tiêu chuẩn xuất khẩu khi có đơn hàng.

Thành viên HTX chè Hảo Đạt (xã Tân Cương, TP. Thái Nguyên) thu hái chè hữu cơ.
Thành viên HTX chè Hảo Đạt (xã Tân Cương, TP. Thái Nguyên) thu hái chè hữu cơ.

Bà Đào Thanh Hảo, Giám đốc HTX Chè Hảo Đạt, xã Tân Cương, TP. Thái Nguyên: Sản xuất chè hữu cơ, chúng tôi phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình từ khâu chăm sóc, bón phân, thu hái đến sao sấy. Ngoài ra, trong vòng 3 năm đầu, cây chè sẽ bị giảm sản lượng, khiến bà con giảm thu nhập. Tuy vậy, chúng tôi vẫn quyết tâm làm để xây dựng và phát triển thương hiệu chè Hảo Đạt nói riêng, chè Thái Nguyên nói chung.

Ngoài 2 đơn vị nói trên, tiêu biểu trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ phải kể đến Công ty TNHH Công nghệ sinh học Phú Gia, ở thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ). Năm 2016, Công ty bắt đầu sản xuất nấm hữu cơ và đến năm 2019 đã được chứng nhận hữu cơ USDA theo tiêu chuẩn Mỹ, Organic hữu cơ EU (Liên minh châu Âu). Hiện, Công ty chuyên sản xuất các loại nấm sạch công nghệ cao của Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, như: Nấm hương, nấm đông cô, nấm linh chi, bào ngư trắng, hầu thủ…

Chị Trần Thị Thanh Hoa, Phó Giám đốc Công ty, thông tin: Các sản phẩm nấm đạt tiêu chuẩn OCOP hữu cơ của Công ty đã có mặt tại nhiều hệ thống siêu thị lớn trong nước và xuất khẩu, được đông đảo người tin dùng đón nhận. Từ khi được chứng nhận hữu cơ, giá bán các sản phẩm của Công ty cao gấp đôi so với sản xuất thông thường.

Tuy nhiên, trong số 173 sản phẩm OCOP được xếp hạng từ 3-5 sao, số sản phẩm đạt tiêu chuẩn hữu cơ còn rất khiêm tốn. Đơn cử như đối với sản phẩm chè, toàn tỉnh hiện có trên 22,2 nghìn héc ta nhưng diện tích chè được cấp chứng nhận tiêu chuẩn UTZ Certified chỉ có 11ha và sản xuất áp dụng tiêu chuẩn hữu cơ là 127ha.

Hiện nay, mới có một số sản phẩm chè OCOP của các đơn vị như: HTX Chè Thịnh An, thị trấn Sông Cầu (Đồng Hỷ); HTX Chè Tuất Thoi, xã Phú Xuyên (Đại Từ); HTX Chè an toàn Khe Cốc, xã Tức Tranh (Phú Lương); Công ty CP Ntea Thái Nguyên, xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ)… đạt tiêu chuẩn hữu cơ.

Bà Nguyễn Thị Ngà, Chủ tịch Hội Chè tỉnh Thái Nguyên: Từ năm 2021 đến nay, Hội đã phối hợp với Công ty CP Bio Farm Việt Nam (Hà Nội) tổ chức các lớp tập huấn về sản xuất chè hữu cơ cho hội viên. Theo đó, trên địa bàn tỉnh đã có 18 HTX đăng ký sản xuất chè hữu cơ theo hướng liên kết, sử dụng vật tư nông nghiệp của Công ty và Công ty cũng cam kết thu mua sản phẩm nếu đạt tiêu chuẩn.

Đâu là giải pháp?

Lý giải về điều này, đại diện Hội Chè tỉnh Thái Nguyên cho biết: Sản xuất nông nghiệp hữu cơ nói chung và chè hữu cơ nói riêng là cả quá trình qua nhiều công đoạn, làm thay đổi phương thức canh tác của bà con. Sản xuất chè hữu cơ phải đầu tư nhiều công sức, thời gian, chi phí vật tư... nhưng người tiêu dùng chưa hiểu hết giá trị của sản phẩm. Bởi vậy, người sản xuất nông nghiệp hữu cơ vừa làm vừa lo lắng về đầu ra của nông sản.

Trước thực trạng trên, để khuyến khích người dân sản xuất theo hướng hữu cơ, thời gian qua, tỉnh Thái Nguyên đã ban hành một số cơ chế chính sách phát triển lĩnh vực nông nghiệp, như: Hỗ trợ đào tạo, tuyên tuyền chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, hỗ trợ giống chè mới; phân bón hữu cơ, sinh học; chứng nhận VietGAP, hữu cơ; hỗ trợ cơ giới hoá, ứng dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước trong sản xuất và thiết bị trong sơ chế, chế biến chè; hỗ trợ bao bì, nhãn mác, xây dựng thương hiệu, kết nối quảng bá, xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm…

Ngoài ra, Đề án Phát triển sản phẩm chủ lực của tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 đặt mục tiêu, giai đoạn 2021-2025 diện tích sản xuất chè theo tiêu chuẩn GAP đạt 6.000ha (chiếm 25,5% tổng diện tích chè), diện tích sản xuất chè theo tiêu chuẩn hữu cơ đạt 235ha (chiếm 1% tổng diện tích chè).

Ông Trần Đăng Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Từ: Nhằm khuyến khích phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, huyện đã quy hoạch các vùng sản xuất tập trung, hướng tới sản xuất hàng hóa để các sản phẩm OCOP hữu cơ không chỉ dừng lại ở các mô hình nhỏ lẻ. Thời gian tới, huyện tiếp tục khuyến khích người dân đẩy mạnh liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hữu cơ theo chuỗi giá trị khép kín để đem lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững.

Ông Trần Nho Hưởng, Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh, cho biết: Với lợi thế về điều kiện tự nhiên, khí hậu, đất đai… Thái Nguyên có tiềm năng để phát triển đa dạng các sản phẩm OCOP hữu cơ. Để khuyến khích phát triển sản phẩm OCOP hữu cơ, thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả các cơ chế chính sách của Trung ương, của tỉnh về hỗ trợ sản xuất; đồng thời tăng cường xúc tiến thương mại, kết nối quảng bá, tiêu thụ sản phẩm…

Có thể khẳng định, phát triển các sản phẩm OCOP từ nông nghiệp hữu cơ đã và đang là hướng đi bền vững được nhiều HTX, hộ sản xuất lựa chọn nhằm thay đổi phương thức sản xuất nông nghiệp theo hướng thân thiện với môi trường, góp phần bảo vệ sức khỏe của người sản xuất và người tiêu dùng. Nhưng rõ ràng thực trạng hiện nay tại tỉnh cho thấy sản xuất nông nghiệp hữu cơ đang gặp không ít rào cản, trước hết là nhận thức chung của cộng đồng về vấn đề này chưa đầy đủ. Vì vậy cần sự chung tay, quan tâm hỗ trợ của các cấp, ngành liên quan bằng những có chế, giải pháp thiết thực, chứ không chỉ có sự nỗ lực của từng chủ thể sản xuất.

Năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030. Đây cũng được xem là xu hướng phát triển tất yếu của ngành Nông nghiệp cả nước nói chung và Thái Nguyên nói riêng.