Tập trung phòng, trừ sâu bệnh hại cây trồng vụ xuân

Khánh Thiện 16:44, 14/04/2023

Hiện nay, hơn 28.000ha lúa xuân của bà con nông dân trong tỉnh đang trong giai đoạn đứng cái, làm đòng; 6.600ha ngô đang trỗ cờ; trên 22.200ha chè đang phát triển, cho thu hái búp. Những ngày qua, thời tiết âm u có mưa xen kẽ, độ ẩm không khí cao, thuận lợi cho các loại sâu bệnh phát sinh, phát triển và gây hại trên cây trồng.

Cán bộ Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật kiểm tra tình hình sâu bệnh trên cây lúa tại phường Cải Đan (TP. Sông Công).
Cán bộ Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật tỉnh kiểm tra tình hình sâu bệnh trên cây lúa tại phường Cải Đan (TP. Sông Công).

Cụ thể, trên các trà lúa đã xuất hiện rầy với mật độ trung bình 20-50 con/m2; sâu cuốn lá nhỏ: sâu non mật độ trung bình 1-2 con/m2; sâu đục thân có tỷ lệ hại trung bình 0,4-0,8% dảnh bị hại; bệnh đạo ôn với tỷ lệ bệnh trung bình 0,5-2,3% lá bị bệnh; bệnh khô vằn với tỷ lệ bệnh trung bình 1-2% dảnh bị bệnh.

Trên cây ngô cũng đã xuất hiện sâu cắn lá với mật độ trung bình 0,5 con/m2; sâu keo mùa thu với mật độ trung bình 0,3-0,5 con/m2.

Còn trên cây chè, thời tiết nồm ẩm cũng là nguyên nhân xuất hiện bệnh phồng lá chè, với tỷ lệ bệnh trung bình 1-5% lá bị bệnh. 

Trước tình hình trên, Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật khuyến cáo bà con cần thường xuyên thăm đồng, theo dõi sát diễn biến các đối tượng gây hại để phun để phun phòng, trừ kịp thời. Đối với bệnh đạo ôn hại lúa, bà con dừng bón phân đạm, không phun các chất kích thích sinh trưởng và phân bón lá, giữ đủ nước trong ruộng.

Đối với bệnh phồng lá hại chè, bà con vệ sinh nương chè sạch sẽ. Sau đó, phun trừ bằng một trong các loại thuốc như: Stifano 5.5SL; Starsuper 20WP, Manage 5 WP…