Đại Từ phát triển vùng chè tập trung quy mô lớn

Thu Huyền 11:21, 14/04/2023

Chè hiện là một trong những cây trồng chủ lực của huyện Đại Từ, với tổng diện tích khoảng 6.600ha. Hướng tới mục tiêu hình thành các vùng nguyên liệu chè có chất lượng, tập trung, quy mô lớn, huyện đã, đang thực hiện quy hoạch một số vùng chè ở các xã có thế mạnh nhằm tạo thuận lợi cho việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tăng thu hút đầu tư, hình thành chuỗi liên kết bền vững.

Vùng trồng chè tập trung tại xã La Bằng
Vùng trồng chè tập trung tại xã La Bằng.

Diện tích trồng chè trải khắp 29 xã, thị trấn của huyện Đại Từ, nhưng về cơ bản còn manh mún. Ở một vài địa phương, một số vùng chè trồng tập trung đã được hình thành, song cũng chỉ mang tính tự phát. Trong khi đó, hạ tầng giao thông, thủy lợi chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất; chưa hình thành vững chắc liên kết giữa sản xuất và tiêu dùng… Thực tế này đặt ra yêu cầu tất yếu cần phải quy hoạch vùng chè để phát triển bền vững cũng như tận dụng tối đa lợi thế phát triển loại cây trồng này tại địa phương.

Ông Triệu Hồ Quang, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đại Từ, thông tin: Nhằm đẩy mạnh tăng trưởng bền vững ngành Nông nghiệp nói chung, phát triển cây chè nói riêng, cũng như hoàn thiện tiêu chí về quy hoạch vùng sản xuất tập trung đối với sản phẩm chủ lực trong xây dựng nông thôn mới, chúng tôi đã tích cực tham mưu cho huyện xây dựng quy hoạch. Trên cơ sở đó, huyện đã ban hành quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết vùng sản xuất chè tập trung gắn với phát triển du lịch xã La Bằng - Phú Xuyên, quy hoạch vùng chè tập trung ở xã Hoàng Nông - Tiên Hội. Chúng tôi đang phối hợp với xã Tân Linh để hoàn thiện quy hoạch vùng chè tập trung tại xã.

Theo quy hoạch, vùng chè tập trung ở xã La Bằng - Phú Xuyên có tổng diện tích gần 80ha, phạm vi lập quy hoạch gồm 5 xóm của xã La Bằng và xã Phú Xuyên.

Đối với vùng chè tập trung ở xã Hoàng Nông - Tiên Hội, khu vực lập quy hoạch là gần 70ha, được định hướng xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo cơ cấu giống, gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm chè, cây ăn quả kết hợp với du lịch nông nghiệp, du lịch trải nghiệm.

Còn tại xã Tân Linh, quy mô lập quy hoạch chi tiết vùng sản xuất chè tập trung khoảng 80ha, phạm vi ranh giới thuộc một phần các xóm: 4, 6 và 7.

Cùng với diện tích đất sản xuất chè, các khu vực còn được quy hoạch đất bố trí công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất như: Giao thông, thủy lợi, hệ thống cấp điện, thoát nước và vệ sinh môi trường…

Dẫn chúng tôi đến khu vực đang được quy hoạch thành vùng sản xuất chè tập trung của xã, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Linh, chia sẻ: Toàn xã có gần 600ha trồng chè, gồm 5 làng nghề, làng nghề truyền thống trồng và chế biến chè. Do chủ yếu là đồi núi nên địa hình bị chia cắt phức tạp, nhiều khu vực trồng chè trên đồi cao rất khó khăn về nước tưới, gây bất tiện cho việc vận chuyển hàng hóa, vật tư nông nghiệp. Việc quy hoạch đồng bộ từ khu vực sản xuất cho tới các công trình giao thông, thủy lợi sẽ tạo thuận lợi tối đa cho việc trồng, chăm sóc, tiêu thụ chè. Đặc biệt, khi có các bể nước trên cao, phục vụ tưới tiêu quanh năm, người dân có điều kiện để sản xuất chè vụ đông, cho lợi nhuận gấp 3-4 lần chè thông thường.

Cán bộ xã Tân Linh trao đổi kinh nghiệm trồng, chăm sóc chè với bà con nhân dân.
Cán bộ và người dân xã Tân Linh trao đổi về kinh nghiệm trồng, chăm sóc chè.

Dự kiến trong kỳ quy hoạch, xã Tân Linh sẽ phát triển thêm giống chè lai LDP1 cho năng suất, chất lượng cao, giảm dần giống chè trung du đã cằn cỗi. Đồng thời tập trung cải tạo, thiết kế lại nương chè, áp dụng quy trình sản xuất an toàn trên toàn bộ diện tích chè nguyên liệu, trồng cây bóng mát, trồng thảm thực vật quanh khu vực quy hoạch để giữ ẩm cho đất và trống xói mòn đất…

Nhằm đảm bảo công tác quy hoạch đạt hiệu quả, sát với yêu cầu thực tế, cơ quan chuyên môn của huyện đã khảo sát kỹ thực địa, phối hợp chặt chẽ với các địa phương, đơn vị tư vấn trong triển khai các bước lập quy hoạch.

Các khu vực được lựa chọn quy hoạch đều là những vùng chè được trồng tương đối tập trung, có khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp, người dân có kinh nghiệm chăm sóc, chế biến chè…

Theo đánh giá, công tác quy hoạch vùng chè tập trung đều được cấp ủy, chính quyền các địa phương hưởng ứng, được người dân đồng tình với mong muốn hình thành các vùng chè có chất lượng, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế về phát triển cây chè.

Với phương châm “quy hoạch đi trước, mở đường”, các quy hoạch sau khi hoàn thiện sẽ tạo nền tảng để các vùng chè phát triển đồng bộ, bền vững. Đồng thời tạo sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, sẵn sàng đáp ứng các đơn đặt hàng với số lượng lớn. Trong tương lai không xa, các vùng chè được quy hoạch đẹp sẽ trở thành sản phẩm du lịch ấn tượng với du khách khi đến với mảnh đất Đại Từ…